Nhân đạo và nhân văn

Luật Thi hành án hình sự 2019 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14-6-2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020. Sau hơn 4 năm áp dụng vào đời sống, Luật Thi hành án hình sự 2019 đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện.

Theo đó, một số quy định trong Luật Thi hành án hình sự chưa đồng bộ, thống nhất với Hiến pháp 2013 và pháp luật chuyên ngành. Luật này cũng chưa có cơ sở pháp lý vững chắc trong thực hiện tổ chức lao động cho phạm nhân ngoài trại giam. Cụ thể, tại Điều 14 của Hiến pháp quy định rõ: Quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Như vậy, kể cả với những người vừa chấp hành hình phạt tù, họ vẫn có đầy đủ quyền công dân. Chỉ khi bị kết án tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội mà Bộ luật Hình sự quy định thì người phạm tội mới bị tước một hoặc một số quyền công dân. Không phải phạm nhân nào đang thi hành hình phạt tù đều bị tước một hoặc một số quyền công dân, mà có rất nhiều phạm nhân vẫn có đầy đủ quyền công dân. Trong khi đó, Hiến pháp 2013 nêu rõ: Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật… (Điều 20); Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội (Điều 34); Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh (Điều 38); Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập (Điều 39). Tại Điều 5 của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có quy định: Người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác.

Tuy nhiên, những quyền này đối với các phạm nhân không bị tước một hoặc một số quyền công dân chưa được thể hiện rõ trong Luật Thi hành án hình sự 2019. Chính vì thế, Bộ Công an đã đề nghị xây dựng dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Trong đó, Bộ Công an đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 27, Luật Thi hành án hình sự 2019 về quyền và nghĩa vụ của phạm nhân theo hướng bổ sung quy định về phạm nhân có quyền được hiến mô, một phần bộ phận cơ thể; phạm nhân có quyền được tham gia bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng. Bảo hiểm y tế là một chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, thể hiện đường lối đúng đắn của Nhà nước trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đồng thời mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc. Nếu đề xuất nêu trên được Chính phủ và Quốc hội thông qua sẽ giúp nhiều phạm nhân vượt qua khó khăn về kinh tế khi không may bị ốm đau, bệnh tật.

Thực tế tại Việt Nam và trên thế giới cho thấy, nhiều người đang khắc khoải sống hằng ngày, hằng giờ chờ được ghép tạng để giành lại sự sống. Theo các chuyên gia y tế, một người chết não hiến tạng có thể cứu sống được 8-10 người khác, giúp giảm gánh nặng bệnh tật cho người bệnh, gia đình người bệnh và xã hội. Hơn nữa, nghĩa cử cao đẹp còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và lan tỏa giá trị, tinh thần tương thân, tương ái, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam - cho đi là còn mãi. Vì thế, ngay sau khi công bố, đề xuất của Bộ Công an đã nhận được sự đồng thuận cao của dư luận.

Hồ Ngọc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/160720/nhan-dao-va-nhan-van