Nhận diện 11 thủ đoạn chiếm đoạt tiền của người dân

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, nhân viên ngân hàng và cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận kịp thời phát hiện, ngăn chặn 4 vụ việc người dân chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo với số tiền hàng tỷ đồng.

Chiều 24-6, Công an tỉnh Bình Thuận phối hợp Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Thuận tổ chức hội nghị nhận diện phương thức, thủ đoạn và bàn giải pháp phòng chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng hoạt động chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng.

 Đại tá Huỳnh Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận thông tin tại hội nghị

Đại tá Huỳnh Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận thông tin tại hội nghị

Theo Công an tỉnh Bình Thuận, hàng năm, đơn vị tiếp nhận trên 100 đơn tố cáo liên quan các vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng, hoặc ứng dụng Internet Banking. Các vụ việc đang gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội và hoạt động của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh.

Chỉ tính riêng từ năm 2023 đến tháng 6-2024, Công an tỉnh Bình Thuận đã tổ chức xác minh hơn 60 vụ việc, khởi tố hình sự 1 vụ liên quan đến tội phạm công nghệ cao. Đặc biệt, những tháng đầu năm 2024, một số nhân viên ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã kịp thời phát hiện và phối hợp công an các địa phương ngăn chặn 4 vụ việc bị hại chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo với số tiền hàng tỷ đồng.

Cụ thể, Ngân hàng Agribank chi nhánh Hàm Mỹ phát hiện, ngăn chặn bà L.T.H.Đ. chuyển 1,8 tỷ đồng cho đối tượng lừa đảo vào ngày 9-4; Ngân hàng BIDV chi nhánh Bình Thuận phát hiện, ngăn chặn bà T.T.H. chuyển 450 triệu đồng cho đối tượng lừa đảo vào ngày 12-4; Ngân hàng Agribank chi nhánh Hàm Thuận Bắc phát hiện, ngăn chặn bà L.T.N. chuyển 3,2 tỷ đồng cho đối tượng lừa đảo vào ngày 3-5; Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bình Thuận phát hiện, ngăn chặn trường hợp chuyển 2 tỷ đồng cho đối tượng lừa đảo vào ngày 12-6.

 Nhiều nhân viên ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã kịp thời ngăn chặn các vụ việc lừa đảo chuyển tiền

Nhiều nhân viên ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã kịp thời ngăn chặn các vụ việc lừa đảo chuyển tiền

Qua rà soát, Công an tỉnh Bình Thuận xác định 11 phương thức, thủ đoạn phổ biến liên quan đến loại tội phạm trên để người dân biết, cảnh giác, gồm:

Giả danh cơ quan thực thi pháp luật: Các đối tượng sử dụng sim không chính chủ, thiết bị chuyển đổi số điện thoại, phần mềm AI giả lập hình ảnh để giả danh là cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án, nhân viên điện lực, viễn thông… gọi đến bị hại, thông báo họ có liên quan đến vụ án hình sự, ma túy, rửa tiền, nợ cước… Qua đó gây sức ép, dọa nạt, làm người dân hoang mang, rơi vào tình trạng bị thúc ép, khủng bố tinh thần nên chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng; hoặc cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP, sau đó bị chúng chiếm đoạt tài khoản.

Lừa đảo mua hàng trực truyến giá rẻ: Các đối tượng đăng tin bán ô tô, xe máy, thiết bị điện tử… giá rẻ trên các trang mạng xã hội. Để mua được hàng, đối tượng yêu cầu nạn nhân phải đặt cọc và chuyển tiền vào số tài khoản ngân hàng do chúng chỉ định. Sau đó, đối tượng không giao hàng, khóa trang mạng và cắt đứt mọi liên lạc.

Tuyển cộng tác viên online: Các đối tượng mạo danh nhân viên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiktok… tuyển cộng tác viên làm các nhiệm vụ chuyển tiền thanh toán các đơn hàng để tăng tương tác, hứa hẹn trả hoa hồng cao và bị chiếm đoạt tiền.

Kêu gọi đầu tư, tài chính, tiền ảo: Đối tượng lập các trang web, ứng dụng giao dịch tiền ảo, chứng khoán, ngoại hối… kêu gọi người dân tham gia đầu tư để thu lợi nhuận. Ban đầu, đối tượng thanh toán chuyển khoản tiền từ tiền ảo sang tiền thật rất dễ dàng để người bị hại tin tưởng, sau đó, các đối tượng lấy lý do bị hại thao tác không đúng, hệ thống bị lỗi… khiến người bị hại không rút được tiền và sẽ bị mất hết tiền đầu tư.

 Các đại biểu tham dự hội thảo nhận diện các thủ đoạn chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động chuyển tiền qua ngân hàng

Các đại biểu tham dự hội thảo nhận diện các thủ đoạn chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động chuyển tiền qua ngân hàng

Mạo danh là giáo viên, nhân viên y tế nhà trường hoặc nhân viên y tế bệnh viện: Đối tượng liên hệ trực tiếp với phụ huynh học sinh báo tin về việc học sinh bị tại nạn, đang nhập viện cấp cứu, yêu cầu phải nhanh chóng chuyển tiền để đóng viện phí, cấp cứu bệnh nhân, từ đó chiếm đoạt tài sản.

Giả yêu đương, gửi nhận tiền, bưu phẩm từ nước ngoài: Đối tượng kết bạn qua mạng xã hội, giới thiệu là người nước ngoài, doanh nhân thành đạt, đang công tác ở nước ngoài làm quen với người bị hại (chủ yếu là phụ nữ), rồi “giả vờ” yêu thương, hứa hẹn tặng quà có giá trị cao. Đối tượng yêu cầu người bị hại chuyển các khoản phí vào số tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp, sau đó ngắt liên lạc và chiếm đoạt tiền của bị hại.

Đánh cắp hoặc tạo tài khoản mạo danh trên mạng xã hội: Sau đó, đối tượng nhắn tin cho bạn bè, người thân để vay mượn tiền và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của các đối tượng. Các đối tượng có thể thu thập hình ảnh, thông tin cá nhân của người dùng, lợi dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để làm giả cuộc gọi video, giọng nói của người dùng để phục vụ hoạt động lừa đảo.

Vay tiền trực tuyến: Đối tượng sử dụng mạng xã hội giả danh nhân viên ngân hàng, công ty tài chính, đăng quảng cáo cho vay tiền với lãi suất thấp, thủ tục nhanh chóng. Sau đó, chúng tạo hình ảnh giả về việc vay tiền, rồi yêu cầu người vay nộp trước nhiều khoản tiền như phí mở hồ sơ, phí bảo hiểm vào số tài khoản chỉ định để được giải ngân. Sau khi chuyển tiền xong, người vay không nhận được tiền giải ngân và không liên lạc được với đối tượng.

Cài đặt ứng dụng giả mạo: Đối tượng mạo danh là nhân viên cơ quan thuế, gọi điện, nhắn tin cho bị hại để hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng giả mạo ứng dụng của Tổng cục thuế. Sau khi bị hại cài đặt ứng dụng này sẽ bị chiếm đoạt các thông tin trong điện thoại, đối tượng xâm nhập vào ứng dụng Internet Banking trên điện thoại và chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng, sổ tiết kiệm online của người bị hại đến các tài khoản khác để chiếm đoạt.

Thông báo trúng thưởng, quà tặng: Đối tượng sử dụng mạng xã hội hoặc gọi điện thoại, mạo danh các công ty có thương hiệu, liên hệ với người bị hại để thông báo các chương trình khuyến mãi hay khách hàng đã trúng thưởng các phần quà có giá trị cao. Sau đó, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng chỉ định để làm thủ tục nhận thưởng. Sau khi nhận được tiền, đối tượng cắt đứt mọi liên lạc.

Giả mạo trang web các khách sạn, resort: Các đối tượng dựng nên các trang web của các khách sạn, resort và đăng ký tài khoản ngân hàng cùng tên, sau đó lừa khách du lịch chuyển khoản đặt phòng rồi chiếm đoạt.

TIẾN THẮNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhan-dien-11-thu-doan-chiem-doat-tien-cua-nguoi-dan-post746045.html