Nhận diện để tháo gỡ 'điểm nghẽn' kinh tế năm 2023

Năm 2023 được dự báo sẽ là năm khó khăn, thách thức của kinh tế toàn cầu do vẫn tồn tại hàng loạt rủi ro, bất ổn về địa chính trị, quân sự, kinh tế… Riêng với Việt Nam, nhiệm vụ khó khăn hơn do đây còn là năm phải tăng tốc hành động Kế hoạch 2021-2025 và về đích Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023.

Vốn đầu tư công là một trong những nguồn lực để phát triển. Ảnh: NGUYỆT ANH

Vốn đầu tư công là một trong những nguồn lực để phát triển. Ảnh: NGUYỆT ANH

Kinh tế giảm tốc trong bối cảnh rủi ro tăng cao

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề “Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2022 và định hướng điều hành năm 2023” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 17/12, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá, năm 2022 kinh tế Việt Nam phục hồi ngoạn mục, tăng trưởng mạnh mẽ, về cơ bản đã vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và đang lấy lại đà tăng trưởng vốn có.

Theo đó, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự báo cao hơn 8%, lạm phát được kiềm chế theo mục tiêu đề ra là dưới 4%; trong 11 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng hơn 13,4%, cán cân hàng hóa xuất siêu 10,6 tỷ USD; chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tăng 8,6%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng tới 17,5%...

Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 15/12/2022, mặc dù đã miễn giảm, gia hạn thuế, phí cho doanh nghiệp và người dân 193,4 nghìn tỷ đồng nhưng thu ngân sách năm 2022 vẫn đạt 1.691,8 nghìn tỷ đồng, vượt 19,8% so với dự toán.

Tuy vậy, trao đổi ý kiến với báo chí trước thềm Diễn đàn, ông Trần Tuấn Anh cũng nhận định, năm 2023 dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức với những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường ở cả khu vực và quốc tế.

Trước hết là sự suy giảm của tăng trưởng kinh tế thế giới ở rất nhiều quốc gia lớn, các nền kinh tế lớn của thế giới và thậm chí ở nhiều nền kinh tế đã chứng kiến dấu hiệu của suy thoái.

Bên cạnh đó, những xu thế của lạm phát đang tăng nhanh cũng gây ra rất nhiều hệ lụy và tác động tới kinh tế thế giới, nhất là các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, còn nhiều vấn đề nội tại của Việt Nam chưa được giải quyết như sự bất ổn của thị trường bất động sản và thị trường vốn; khả năng thanh khoản của các tổ chức tín dụng, khả năng chống chịu của nền kinh tế, năng lực tự chủ của nền kinh tế còn thấp.

Dự báo cho năm 2023, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng những trụ cột chính của kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn suy giảm. Ông Thành phân tích, nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng dựa trên ba động lực là tiêu dùng, đầu tư công và xuất khẩu.

Trong đó, tiêu dùng trong nước tương đối “bùng nổ” sau giai đoạn giãn cách, thể hiện rõ nhất là tiêu dùng nội địa, hàng không nội địa nhưng giờ đây sức tiêu dùng đã giảm dần, một phần do kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu. Đầu tư công được kỳ vọng sẽ trở thành động lực nhưng rất tiếc đầu tư công lại chậm, đến thời điểm này mới giải ngân được hơn 50% vốn kế hoạch cả năm. Xuất khẩu năm nay mặc dù tốt song từ quý III/2022 đến nay cũng đã giảm và theo dự báo sang năm trụ đỡ về xuất khẩu cũng sẽ giảm.

“Trong bối cảnh đó, chính sách thắt chặt tiền tệ cũng ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình tăng trưởng và hồi phục. Đó là cái khó khăn phải đánh đổi mà Việt Nam sẽ phải đối mặt trong những năm tới”, ông Thành nói.

Chia sẻ tại Hội thảo “Động lực phát triển kinh tế Việt Nam 2023” do Bộ Xây dựng tổ chức sáng 14/12, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng có một số nhận định khá thận trọng cho triển vọng năm 2023.

Ông Hiếu nói rằng, năm 2022 là một năm rất đáng phấn khởi so với những khó khăn mà chúng ta đã trải qua vì hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt được; đặc biệt đã thành công khi thực hiện được một phần chương trình cơ cấu lại nền kinh tế, cải cách thể chế và hỗ trợ phục hồi sau đại dịch.

Tuy nhiên, vị chuyên gia băn khoăn vì một số chỉ tiêu vẫn chưa đạt như năng suất lao động không tăng, chất lượng xuất nhập khẩu thiếu bền vững (vẫn phụ thuộc khối FDI), tình trạng doanh nghiệp khó khăn phải rời khỏi thị trường vẫn cao. Đặc biệt, ông Hiếu nhấn mạnh, 11 tháng đầu năm nay vẫn có 132.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, tăng 24,3%; cho thấy một vấn đề nội tại của nền kinh tế đang hiện hữu là môi trường kinh doanh chưa thật sự thuận lợi. “Doanh nghiệp là động lực chính của nền kinh tế mà động lực này đang gặp khó khăn, có nghĩa là kinh tế năm 2023 vẫn còn khó khăn”, ông Hiếu nhìn nhận.

Cần hành động quyết liệt

Các doanh nghiệp cần tái cấu trúc mạnh mẽ hoạt động sản xuất, đầu tư, tăng cường chuyển đổi số.

Các doanh nghiệp cần tái cấu trúc mạnh mẽ hoạt động sản xuất, đầu tư, tăng cường chuyển đổi số.

Ngày 10/11/2022, tại Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 68/2022/QH15 về “Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023”. Theo đó, tăng trưởng GDP mục tiêu là 6,5%; GDP bình quân đầu người là khoảng 4.400 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất xã hội bình quân khoảng 5-6%; tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị dưới 4%...

Đặc biệt, việc triển khai Nghị quyết 43/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV về hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023 (gọi tắt là Chương trình phục hồi) được đánh giá là triển khai khá chậm trong năm 2022, do đó càng tạo thêm áp lực về đích trong năm 2023.

Theo các chuyên gia, nhiệm vụ của năm 2023 là khá nặng nề, trong bối cảnh khó khăn như vừa phân tích.

Để đạt được mục tiêu Quốc hội đã đề ra, theo ông Phan Đức Hiếu, chúng ta đã có một không gian chính sách khá đầy đủ và hoàn thiện, từ Nghị quyết 68, Nghị quyết 43 nói trên đến các Nghị quyết 02 hằng năm và Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh; Nghị quyết 31, Nghị quyết 54 về cải cách kinh tế… “Giải pháp cho năm 2023 gói gọn trong một câu là: Việc thực thi các giải pháp đã đề ra phải kịp thời và quyết liệt, hiệu quả”, ông Hiếu nói.

Đưa ra khuyến nghị cụ thể, vị chuyên gia cho rằng, cần tập trung giải quyết những vấn đề rất căn cơ như giải ngân đầu tư công và đẩy nhanh gói phục hồi 350.000 tỷ đồng. Đặc biệt với đầu tư công, năm nào cũng chậm, cũng không hoàn thành kế hoạch, vậy “điểm nghẽn” ở đâu phải xử lý cho triệt để.

Tiếp theo, trong khi thực hiện những giải pháp đã có thì cần tiếp tục bám sát khó khăn của doanh nghiệp để kịp thời có giải pháp khắc phục. Cụ thể là tiếp tục nâng cao tính minh bạch của môi trường kinh doanh sao cho công bằng, cạnh tranh lành mạnh; có chính sách giải quyết dứt điểm, kịp thời và minh bạch các khó khăn hiện nay của thị trường chứng khoán và bất động sản.

Đồng quan điểm, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, năm 2023 đầu tư công có thể là giải pháp thúc đẩy tăng trưởng khi nền kinh tế có dấu hiệu suy giảm. “Nhất là trong điều kiện hiện nay, dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều, dư địa của chính sách tài khóa còn tương đối tốt (tỷ lệ nợ công, bội chi thấp hơn trần quy định) thì việc nới thêm chính sách tài khóa cho đầu tư công là một giải pháp quan trọng. Tuy nhiên, ông Hùng lưu ý đầu tư công cần đi đúng hướng, đúng lĩnh vực, đúng tiến độ để phát huy hiệu quả khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế.

Một giải pháp nữa theo ông Hùng là tiếp tục giải quyết “nút thắt” thể chế bởi vì “điểm nghẽn lớn nhất của chúng ta hiện nay là nhiều cơ chế quản lý, chính sách pháp luật chưa thật sự đồng bộ, còn chồng chéo nên ảnh hưởng đến nhiều hoạt động đầu tư kinh doanh…”.

Cuối cùng, vị chuyên gia đề nghị doanh nghiệp, nhà đầu tư cần tái cấu trúc mạnh mẽ hơn nữa hoạt động sản xuất, đầu tư của mình, tăng cường chuyển đổi số và quản trị rủi ro để bứt phá từ phân khúc giá trị thấp sang những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao.

Ở một góc tiếp cận khác, mới đây Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đề nghị dành nguồn lực đầu tư cho công nghiệp văn hóa, với luận điểm rằng, các nguồn thu từ dầu thô, than đá sẽ ít đi, văn hóa, thể thao và du lịch sẽ mang lại nguồn thu bền vững; hiện nay lĩnh vực này còn dư địa do mới được đầu tư khoảng 1,8% tổng chi ngân sách.

Tại Báo cáo cập nhật triển vọng vĩ mô năm 2023 mới công bố, Công ty Chứng khoán VnDirect dự báo Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng kinh tế 6,7% vào năm 2023; dựa vào ba động lực chính là đầu tư công, du lịch và dịch chuyển năng lượng bền vững.

Theo nhandan.vn

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202212/nhan-dien-de-thao-go-diem-nghen-kinh-te-nam-2023-968129/