Nhận diện hành vi vi phạm trong lĩnh vực xăng dầu
Trong những năm qua tình hình buôn lậu, gian lận thương mại với những mặt hàng xăng dầu vẫn diễn biến tương đối phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn và gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát trong lĩnh vực xăng dầu.
Đánh giá trên đã được ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường đưa ra tại tọa đàm “Xăng dầu giả, thiệt hại thật” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 29/11.
Ông Linh cho biết từ đầu năm 2018 trở lại đây, lĩnh vực quản lý thị trường nói chung đã xử lý rất nhiều vụ việc liên quan đến xăng dầu, khoảng 5000 vụ việc và và xử lý vi phạm hơn 1000 vụ việc, tước quyền sử dụng 37 giấy phép kinh doanh, tịch thu 6 cột bơm và 1 cây xăng. Địa bàn gian lận thương mại xăng dầu hiện nay tương đối phổ biến là một số địa phương khu vực miền Tây Nam bộ, khu vực Trung bộ và lác đác một số tỉnh khu vục phía Bắc.
“Qua công tác kiểm tra trong 2 năm qua, chúng tôi phát hiện các hành vi vi phạm điển hình như sau: Thứ nhất, bán xăng dầu ngoài hệ thống. Thứ hai, kinh doanh xăng dầu khi giấy chứng nhận bán lẻ xăng dầu đã hết hiệu lực. Qua công tác kiểm tra, có những trường hợp 50% mẫu xăng A95 và 100% mẫu xăng E5 tại một vài cửa hàng đều không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật”, ông Linh nói.
Đồng tình với đánh giá về những hành vi, thủ đoạn trong gian lận thương mại xăng dầu nêu trên, ông Trần Quốc Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết xăng dầu nhập khẩu chính ngạch qua kiểm tra chất lượng và xăng dầu sản xuất trong nước đã thực hiện những quy định của pháp luật tại các cơ sở sản xuất về chứng nhận hợp quy thì là những sản phẩm đảm bảo.
Ông Tuấn dẫn chứng từ năm 2017 đến nay, xăng dầu được nhập khẩu chính ngạch, sản xuất đảm bảo chất lượng đưa ra lưu thông là trên 36 tỷ triệu lít. So với những vụ xăng dầu giả ra thị trường là một số triệu lít thì thấy đa số là đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, góp phần đảm bảo chất lượng cuộc sống.
Bên cạnh xăng dầu chính ngạch nhập khẩu đã qua kiểm tra chất lượng, hiện nay xăng dầu sản xuất trong nước được chứng nhận hợp quy là đảm bảo chất lượng; sản lượng xăng dầu sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 80 – 90% nhu cầu thị trường.
Theo ông Bùi Minh Tiến - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Nhà máy lọc dầu Dung Quất là nhà máy lọc dầu đầu tiên ở Việt Nam được đưa vào sản xuất từ năm 2009. Trong suốt 10 năm vận hành nhà máy đưa ra thị trường trên 7 triệu m3 xăng dầu các loại, riêng năm 2019, đã đưa ra thị trường trên 6,5 triệu m3 xăng dầu các loại, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu thị trường.
Ngoài nhà máy Lọc dầu Dung Quất còn có thêm nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn tại Thanh Hóa hàng năm sản xuất được khoảng gần 8 triệu m3 xăng dầu các loại nếu sản xuất đúng 100% công suất. Như vậy cả 2 nhà máy có thể cung ứng cho thị trường khoảng 15 triệu m3 xăng dầu các loại và đáp ứng khoảng 80% nhu cầu trong nước.
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược của mỗi quốc gia, là mặt hàng thiết yếu đối với đời sống xã hội, có tác động trực tiếp đến sự phát triển của nền kinh tế. Trong bối cảnh ngày càng nhiều đường dây sản xuất, buôn bán xăng kém chất lượng, xăng không rõ nguồn gốc bị phát hiện và triệt hạ thời gian qua, thì vấn đề minh bạch xuất xứ và siết chặt quản lý chất lượng xăng dầu ngày càng trở nên cấp thiết.
Tuy nhiên, theo ông Trần Hữu Linh, lĩnh vực xăng dầu do nhiều đơn vị cùng quản lý nên trong quá trình kiểm tra dễ bị trùng lặp. Bên cạnh đó, do chưa có nguồn tin tốt, nên chưa ngăn chặn triệt để được việc nhập lậu xăng dầu vào trong nội địa. Riêng về công tác kiểm tra chất lượng, hiện nay cũng có nhiều đơn vị chịu trách nhiệm tuy nhiên do hạn chế về cơ ở vật chất, nguồn thông tin, quy chế cách thức phối hợp với nhau cho nên đối khi không phát hiện kịp thời các vi phạm về chất lượng xăng dầu
“Đôi khi, trong lúc chờ đợi kết quả kiểm nghiệm thì xăng dầu vẫn phải lưu thông liên tục khi mà phát hiện ra sai phạm về chất lượng thì lúc đó xăng trong bồn đã tiêu thụ hết gây khó khăn trong vấn đề xử lý tang vật. Điều nầy đòi hỏi chúng ta phải có sự điều chỉnh về mặt chính sách cũng như phối hợp giữa các bên thì mới có thể ngăn chặn hiệu quả tình trạng này”, ông Linh nói.
Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cũng cho biết thêm đứng trước tình hình gian lận thương mại xăng dầu khá phổ biến trong thời gian vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường đã trình Bộ, Chính phủ dự thảo nghị định thay thế Nghị định 67/2017/NĐ-CP. Nghị định thay thế Nghị định 67/2017/NĐ-CP đã được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10 vừa qua. Nếu không có gì thay đổi, tháng 12/2019 sẽ có một Nghị định mới quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xăng dầu, khí và gas. Đồng thời Bộ Công Thương đang tiến hành quy trình để đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.