Nhận diện hạt đời từ một hồn thơ

Nói không quá, hiếm có dân tộc nào trên thế giới làm thơ và yêu thơ mê cuồng như dân tộc Việt. Chỉ riêng Câu lạc bộ (CLB) thơ Việt Nam đã xác lập kỷ lục về số lượng, có trên một vạn hội viên. Hội viên các Hội Văn học nghệ thuật của 63 tỉnh, thành cũng có đến hàng ngàn, chưa tính đến hội chuyên ngành TƯ. Đủ thấy, đội ngũ ấy đã khuấy đảo cánh đồng văn chương thời mở cửa và đem lại những hứng thú nhất định.

Bước vào ngôi nhà thi ca, hẳn đã sẵn tâm thế, tâm tính của một tấm lòng hướng thiện. Huống hồ, Đỗ Văn Sinh đã đem hồn thơ ra giao cảm với đời. Hồn thơ ấy qua năm tháng đơm bông kết hạt, mời mọc nhân gian bằng sự trân trọng và anh gọi đấy là “hạt đời”. Nghĩa rằng, thi sĩ không chủ ý dắt ta đi dạo vườn địa đàng ngắm “phong hoa tuyết nguyệt” mà ngồi vào cỗ bàn thưởng thức quả hạt của đời sống với muôn nỗi buồn vui, hạnh phúc.

Chưa gặp anh bao giờ nên tôi thử phiêu lưu bốc tử vi đoán xem. Tử vi phán, người tuổi Sửu sống tình cảm và giàu ý chí, có tính tự lập cao, không dựa dẫm, ỷ lại người khác. Nhìn vào mấy dòng sơ yếu và đồng hành thơ Đỗ Văn Sinh qua “Hạt đời”, quả thật những nhận định trên thật trùng khớp. Tâm tình người thơ phản ánh tính cách vốn có ấy. Chỗ nào biểu hiện tình cảm, hồn thơ dạt dào cảm xúc, ánh sáng tình yêu soi rọi trên từng câu chữ.

Chỗ nào thể hiện thái độ trước nhiễu nhương cuộc sống, tác giả không theo đường vòng mà phê phán trực diện, vỗ mặt, không khoan nhượng. Hai thái cực được tác giả lựa chọn cách tiếp cận phù hợp tâm lý phản ánh và tiếp nhận.

Phía nào cũng đáng trân trọng nhưng thật lòng tôi yêu mảng trữ tình hơn, vì ở đó thế giới được thơ hóa khá rõ ràng hơn. Trong bài viết này, xin tạm gác yếu tố phê phán như đã trình bày mà sẽ đi tìm mạch nguồn len lỏi trong những trang tình của tác giả.

Thơ với tác giả như người bạn đồng hành cần tỏ bày lúc hứng khởi hay khi con mắt lặn vào trong để ngẫm ngợi chiêm nghiệm đời sống. Ở ngoại lục tuần, nắng mưa thu hết, sướng khổ đã từng nhưng một khi yêu tin chất đầy, khó có gì làm lung lay, xói mòn lòng lạc quan như cánh diều no gió “bay bổng”: “Cứ để cho tâm hồn bay bổng/Bao điều khó nhọc nhẹ như không/Gian nan gặp phải sẽ qua hết/Lãng mạn nâng niu những đóa hồng” (Bay bổng).

Có gì đẹp hơn, quyến rũ hơn nàng xuân “rạng rỡ hồn nhiên” đi trong nắng xuân làm “ngơ ngẩn” bao con mắt mơ đòi tình tự: “Chiều hôm nắng tỏa rực hoa vàng/Rạng rỡ hồn nhiên thiếu nữ đang/Say đắm cùng hương hoa bát ngát/Bao chàng ngơ ngẩn đẹp xuân sang” (Nắng xuân).

Thơ bảy chữ với cách vắt dòng làm nhịp thơ như nhịp tim gấp gáp, liên tu bất tận, hòa điệu với hương sắc đất trời bát ngát tình thơ, tình đời. Anh phục hiện cảnh tát nước đêm trăng của đôi lứa thật sống động: “Gầu giai múc nước lẫn vầng trăng/Đôi chạc khi chùng lúc kéo căng/Dòng nước yêu thương nàng lúa đẹp/Nhịp nhàng trai gái kéo phăng phăng” (Đôi lứa).

Hay khi trăng được nhân cách hóa, xa xôi “lơ đãng” cho tình nhân có những phút giây thần tiên sáng trong diệu kỳ: “Trăng lơ đãng rong chơi/Hai gương mặt rạng ngời/Mắt trong nhau đắm đuối” (Ánh trăng).

Ngay cả lúc miêu tả trạng thái “đắm say” nhất, nhà thơ vẫn chỉ để cho nhân vật trữ tình cái giới hạn “tay trong tay” nhưng tình cảm, cảm xúc đẩy lên cao trào. Ở đây, con người thi sĩ có vẻ khác văn sĩ, nghiêng về thi vị hóa hơn là trần tục hóa: “Biển vàng óng ánh cảnh hoàng hôn/Xanh biếc cây reo đẹp hút hồn/Sánh bước tay trong tay thắm thiết/Lâng lâng say đắm buổi chiều hôm” (Đắm say).

Anh tỏ ra rất hiểu tình yêu của người lao động sống sau lũy tre, là lấy trái tim chân thật bắc cầu cho hạnh phúc. Trái tim kẻ nông (người nông dân) mang nặng ân tình sau trước, sự mơ mộng hão huyền dường ít “có đất” chiếm chỗ. Hạt đời, bài thơ được lấy tên đặt cho tập thơ, là minh chứng củng cố thêm nhận định ấy. “Trong từng hạt ngọc trắng tròn/Tình yêu chan chứa sắt son quyện vào” (Hạt đời).

Cao hơn tất cả là niềm vui no đủ, sau những tháng ngày “trông trời trông đất trông mây” đầy âu lo. “Thẳng cánh cò bay vàng lúa chín/Bông dài trĩu hạt gió đu đưa/Nhà nhà đầy ắp từng bồ thóc/Thủng thẳng đàn trâu tiếng mõ khua” (Cơ nghiệp).

Cảnh quê thanh bình, được mùa gieo mơ ước những hạt đời cắm sâu vào lòng đất mẹ ấm áp nghĩa tình muôn thuở. Đến đây nghiệm lại, cuộc sống mới chính là bài thơ cất lên tiếng nói tuyệt vời nhất, bởi suy cho cùng, mọi điều đem đến cho con người có gì hơn ngoài an nhiên an lạc. Những lúc như thế, thiên nhiên thật sự là người bạn tri âm đem lại sự giao cảm rộng mở, thông đạt, không thể hoán đổi: “Hè về xanh ngắt bóng râm mát/Thu đến dát đường vàng lá rơi/Đẹp mắt chồi non xuân vẫy gọi/Hồn nhiên cùng nắng gió vui chơi” (Cây lộc vừng).

Nhặt hết những câu thơ tả cảnh, tả tình trong “Hạt đời” để luận hồn thơ Đỗ Văn Sinh dào dạt, cuộn chảy trên dòng sông thời gian sẽ mở ra nhiều chiều kích của sự phản ánh. Nhưng thiết nghĩ, đôi khi sự thưởng thức không cần đến quá nhiều. Sự thiếu hụt mới gây cảm giác thòm thèm và muốn trở lại ở một bình diện khác, một không gian khác, cùng anh nhận cảm “nhân tình thế thái mờ sương” đang là vấn đề nổi cộm, bỏng rát, được xã hội quan tâm.

Cũng cần nói thêm đôi chút, với 230 chiếc thơ có mặt trong thi phẩm “Hạt đời”, non 10 bài thơ mang địa danh Quảng Trị hoặc thấp thoáng bóng hình Quảng Trị, có thể kể: Cô gái Pa Kô, Người con gái Vân kiều, Cồn Cỏ thân yêu, Nhớ Quảng Trị, Quảng Trị đổi mới, Quảng Trị thành công, viếng thăm Thành Cổ... cho ta thấy sự phản ánh đủ để ghi nhận tình cảm tốt đẹp của anh dành tặng quê nhà thân yêu của chúng ta. Sự hiện diện của thi sĩ Đỗ Văn Sinh hôm nay, lần nữa, bật tín hiệu vui ngày trở lại bằng con đường thơ lắm gập ghềnh nhưng có được phút giây hạnh phúc.

Võ Văn Luyến

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-hoa/nhan-dien-hat-doi-tu-mot-hon-tho/180555.htm