Nhận diện kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, công tác lý luận, tư tưởng phải được tiến hành với tư duy mới, cách tiếp cận mới

Ngày 15-11, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức hội thảo khoa học quốc gia "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn".

Làm sáng tỏ lý luận, thực tiễn

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, TS Lại Xuân Môn - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương - cho biết trong các bài viết, bài phát biểu quan trọng gần đây của Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập đến vấn đề kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Tư tưởng của Tổng Bí thư Tô Lâm đã được Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thống nhất, khẳng định đây là một chủ trương, định hướng mới, có tầm chiến lược phát triển đất nước, có ý nghĩa chính trị to lớn, cần được đưa vào Văn kiện Đại hội XIV, quán triệt sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và tổ chức thực hiện với quyết tâm chính trị cao.

Tuy nhiên, theo ông Lại Xuân Môn, đây là vấn đề lớn, vấn đề mới cả về lý luận lẫn thực tiễn cần được nghiên cứu, luận giải thấu đáo, tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đây là hội thảo đầu tiên bàn về vấn đề quan trọng này, đặt cơ sở để chúng ta tiếp tục đi sâu nghiên cứu, bàn thảo làm sáng tỏ, sâu sắc, đầy đủ hơn những vấn đề lý luận, thực tiễn của kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Ông Lại Xuân Môn nhấn mạnh các ý kiến của các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ cung cấp luận cứ khoa học vững chắc, góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, góp phần xây dựng nội dung Văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Trình bày tham luận "Khái niệm, nội hàm kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam", PGS-TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, cho rằng đây là thời kỳ phát triển giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Hà nhấn mạnh: "Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao…".

Xóa bỏ những rào cản, điểm nghẽn

Gần 50 tham luận cùng các ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội thảo đã tập trung vào một số nội dung như: nhận thức chung về "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam"; quan điểm bước đầu về nội hàm và trụ cột phát triển của "kỷ nguyên mới"...

Theo các đại biểu, trong kỷ nguyên mới, công tác lý luận, tư tưởng phải được tiến hành với tư duy mới, cách tiếp cận mới để vừa kế thừa tư duy, kinh nghiệm đúng đã tích lũy được vừa đổi mới mạnh mẽ, cầu thị, tiếp cận, tiếp thu những tư duy mới, xu hướng phát triển mới của thời đại với tinh thần tiến cùng thời đại.

Một số đại biểu cũng tập trung vào việc phân tích các động lực đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, như tập trung hoàn thiện và tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống thể chế phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; kiên quyết xóa bỏ những rào cản, điểm nghẽn, cản trở phát triển; khắc phục triệt để những bất cập trong tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng; hình thành hệ thống thể chế đồng bộ, thông thoáng mở đường đột phá về thu hút, phát huy các nguồn lực phát triển.

PGS-TS Lê Hải Bình - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản - phát biểu tại hội thảo.Ảnh: PHẠM HẢI

PGS-TS Lê Hải Bình - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản - phát biểu tại hội thảo.Ảnh: PHẠM HẢI

Theo PGS-TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, cần có những đột phá lý luận với cách tiếp cận mới về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; về lộ trình và bước đi; về lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất và quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa phù hợp với cuộc cách mạng số, kỷ nguyên số; về hạ tầng cơ sở và thượng tầng kiến trúc trong kỷ nguyên mới.

"Đây là thời điểm hội tụ tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc tiếp sau kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới" - ông Phúc nêu quan điểm.

PGS-TS Lê Hải Bình, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, cũng đặt vấn đề về quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Theo ông Bình, trong kỷ nguyên mới, nhiệm vụ này không chỉ đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế mà còn là nền móng để hiện thực hóa khát vọng phát triển của Việt Nam.

PGS-TS Lê Hải Bình cũng nhìn nhận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data) và điện toán đám mây (Cloud) đã và đang làm thay đổi sâu sắc phương thức quản trị quốc gia và hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Đối với Việt Nam, sự thay đổi này mang lại cả cơ hội và thách thức, khi quốc gia không chỉ phải nâng cao hiệu quả quản trị mà còn phải nắm bắt thời cơ để đẩy nhanh tốc độ phát triển, tránh nguy cơ tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới. Trong bối cảnh này, khát vọng phát triển trở thành động lực thúc đẩy toàn xã hội, nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao, xã hội thịnh vượng và sánh vai với các cường quốc năm châu.

"Để thực hiện khát vọng này, hệ thống quản trị quốc gia phải phát huy tối đa vai trò kiến tạo và thúc đẩy toàn diện các lĩnh vực, đồng thời duy trì sự ổn định và đồng thuận trong xã hội" - PGS-TS Lê Hải Bình nhấn mạnh.

Gợi mở nhiều vấn đề lớn

Vấn đề nguồn lực, động lực nào để phát triển kinh tế - xã hội cũng đã được nêu tại hội thảo. PGS-TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng cần có giải pháp mang tính đột phá, giải phóng sức sản xuất và khơi thông nguồn lực, nhất là tạo sự đột phá trong quản lý và sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế.

"Quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực kinh tế sẽ giúp nâng cao năng suất lao động. Cùng với đó, tháo gỡ các điểm nghẽn để khơi thông nguồn lực, nhất là nguồn lực đất đai. Đồng thời xây dựng thể chế để mở đường cho các mô hình sản xuất và kinh doanh mới, đẩy mạnh nguồn lực số" - ông Sơn nhấn mạnh.

Các vấn đề lớn, trọng tâm được khái quát qua hội thảo lần này, đó là trong kỷ nguyên mới, Đảng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức lãnh đạo, cầm quyền; phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược, thật sự trong sạch, đủ năng lực, trình độ, trí tuệ, dũng khí để thiết kế, dẫn dắt cán bộ, đảng viên, nhân dân bước vào kỷ nguyên mới...

Bên cạnh đó là những vấn đề liên quan đến cuộc cách mạng chuyển đổi số như phương thức sản xuất số, mối tương quan giữa phương thức sản xuất số với kinh tế tri thức và với phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa; quan hệ giữa phòng chống tham nhũng, tiêu cực với chống lãng phí và những giải pháp đủ mạnh để đạt kết quả cao.

PGS-TS Vũ Trọng Lâm - Giám đốc, Tổng Biên tập, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật - nhấn mạnh đến vai trò, tầm quan trọng của công tác cán bộ trong kỷ nguyên mới. Theo ông Lâm, cần đổi mới mạnh mẽ các khâu trong công tác cán bộ. Phải thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy dân chủ gắn với tăng cường trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu trong công tác cán bộ. Mỗi người đứng đầu phải là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, tác phong công tác, nhất là về phẩm chất, năng lực, uy tín để toàn cơ quan, đơn vị noi theo.

Bước phát triển tất yếu, phù hợp xu thế thời đại

Phát biểu kết luận, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn nhấn mạnh hội thảo thống nhất xác định thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng, thời điểm chúng ta hoàn thành xuất sắc công cuộc đổi mới sau 40 năm lao động, sáng tạo bền bỉ và đạt được những thành tựu vĩ đại; thời điểm hội tụ đầy đủ các nhân tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, tạo vận hội để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chung sức, đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh, vươn lên, vươn nhanh. "Chúng ta nhất trí cao, khẳng định bước vào kỷ nguyên mới là bước phát triển tất yếu, hợp quy luật vận động của cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại" - ông Lại Xuân Môn nêu rõ.

Cũng theo ông Lại Xuân Môn, từ những nội dung và những điểm nhấn, điểm mới đúc kết qua hội thảo này đặt cơ sở khoa học để chúng ta tiếp tục đi sâu nghiên cứu, hoàn thiện lý luận về kỷ nguyên mới.

Ông Đặng Văn Dũng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương:

Để phòng chống tham nhũng, lãng phí trở thành việc làm "tự giác", "tự nguyện"

Trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải tiếp tục được đẩy mạnh, với cách làm bài bản, khoa học, phù hợp, không ngừng nghỉ, không có vùng cấm, không ngoại lệ. Trong đó, cần tập trung hoàn thiện và kiên quyết thực hiện đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả thể chế phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Cùng với đó, chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Cần xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua đó, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, trở thành việc làm "tự giác", "tự nguyện", "như cơm ăn, nước uống, áo mặc hằng ngày".

Ngoài ra, cần phát huy hơn nữa vai trò của cơ quan, đại biểu dân cử, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ:

Cần tháo gỡ điểm nghẽn cho khoa học - công nghệ

Có thể thấy 3 điểm nghẽn chủ yếu của khoa học - công nghệ Việt Nam là cơ chế tài chính, phương thức đầu tư và chính sách sử dụng cán bộ. Trong đó, cơ chế tài chính là điểm nghẽn của điểm nghẽn.

Hiện ngân sách hằng năm bố trí cho khoa học - công nghệ còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Chừng nào chưa đổi mới thực sự cơ chế tài chính phù hợp với kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế thì chừng đó khoa học - công nghệ Việt Nam còn chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn và sẽ đứng trước nguy cơ tụt hậu, không thể thực hiện thành công "cuộc cách mạng chuyển đổi số" như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Tôi kỳ vọng với sự chỉ đạo mạnh mẽ của Đảng, các điểm nghẽn của nền kinh tế cũng như điểm nghẽn của khoa học - công nghệ sẽ được khơi thông, đem lại sức mạnh cho nền kinh tế trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

C.Minh ghi

MINH CHIẾN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhan-dien-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-196241115205616438.htm