Nhận diện mánh khóe của các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng nhái
Cùng với sự phát triển của công nghệ, tình trạng hàng giả, hàng nhái ngày càng gia tăng với các hình thức tinh vi, phức tạp, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Nhân Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái 29/11, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Hải, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái tại địa phương.
Phóng viên: Nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Trong thời gian qua, các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng nhái đã sử dụng những mánh khóe nào để nhằm "qua mặt", đối phó với sự phát hiện của lực lượng chức năng, thưa ông?
Ông Lê Quang Hải: Nhằm qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng vi phạm thường dùng thủ đoạn chia nhỏ để cất giấu, trà trộn với hàng hóa hợp pháp, hay vận chuyển qua dịch vụ chuyển phát nhanh; giao dịch qua thương mại điện tử, ứng dụng internet...
Các đối tượng có thể sử dụng nhãn hàng hóa giả mạo, sao chép các nhãn hiệu nổi tiếng để làm cho sản phẩm của họ trông giống như hàng chính hãng. Thay đổi thành phần của sản phẩm để giảm chi phí sản xuất, nhưng vẫn giữ nguyên hình ảnh và bao bì, thay đổi xuất xứ của sản phẩm để tạo ấn tượng về chất lượng.
Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng các trang web giả mạo để bán hàng giả mạo hoặc sản phẩm không đáp ứng yêu cầu an toàn và chất lượng. Thay đổi bao bì để làm cho sản phẩm trông mới mẻ hơn hoặc để tránh sự chú ý của các cơ quan kiểm soát. Sử dụng các kênh giao hàng hóa không chính thức để tránh kiểm tra từ phía lực lượng chức năng. Thực hiện hoạt động gian lận tài chính lập bảng kê, hóa đơn và các tài liệu khác giả mạo để che đậy sự không trung thực trong kinh doanh.
Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng do điều kiện kinh tế, thiếu thông tin, ham giá rẻ mà vẫn sử dụng các sản phẩm giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đây chính là kẽ hở để các đối tượng làm giả lợi dụng, cấu kết kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả tung ra thị trường.
Phóng viên: Từ thực tế đó, trong thời gian qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tập trung xử lý những nhóm hàng giả, hàng nhái nào để bảo đảm bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và mức độ vi phạm ra sao, thưa ông?
Ông Lê Quang Hải: Bà Rịa - Vũng Tàu chủ yếu là thị trường sản xuất hàng hóa nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất, chế biến và là điểm tiêu thụ hàng tiêu dùng từ các nơi khác vận chuyển về. Do đó, tình trạng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại khác tuy có diễn ra, nhưng số vụ vi phạm nhỏ với số lượng hàng hóa không lớn, quy mô nhỏ lẻ và giá trị không cao.
Các vụ vi phạm tập trung vào các mặt hàng không có nguồn gốc; buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu là dầu D.O, ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử...
Đa số các vụ vi phạm đều được phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Phóng viên: Để ngăn chặn, xử lý khiến hàng giả, hàng nhái không "còn đất sống", từ đầu năm đến nay, công tác phòng chống tại địa phương được Cục Quản lý thị trường triển khai, thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Quang Hải: Thực hiện chức năng nhiệm vụ Quản lý thị trường, trong thời gian qua, lãnh đạo cục thường xuyên chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường công tác trinh sát, quản lý nắm chắc địa bàn; xây dựng cơ sở báo điểm, mua tin để chủ động kiểm tra, kiểm soát thị trường có trọng tâm, trọng điểm và theo từng chuyên đề, từng lĩnh vực thuộc ngành phụ trách.
Trong đó, các tuyến đường bộ, chợ đầu mối, địa bàn tập trung phát luồng phân phối hàng hóa được đặc biệt quan tâm. Công tác kiểm tra tập trung chú ý đến các ngành hàng, mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm; xăng dầu - gas; nguyên liệu vật tư ngành nông nghiệp; dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; thuốc lá - rượu; chất lượng nguồn gốc hàng hóa; quản lý giá...
Đồng thời, thông qua các hoạt động kiểm tra, giám sát, lực lượng Quản lý thị trường vận động các doanh nghiệp, cơ sở và hộ kinh doanh trên từng địa bàn ký cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Phóng viên: Tết Nguyên đán đang đến gần, trong khi trên thị trường có hàng trăm mặt hàng khác nhau, vậy lực lượng chức năng xác định đâu là nhóm mặt hàng thường và dễ bị làm giả, làm nhái và có các gian lận thương mại để cảnh báo đến người dân?
Ông Lê Quang Hải: Trong dịp Tết Nguyên đán, người dân có nhu cầu rất cao về mua sắm, ăn uống cho nên các gian thương đã lợi dụng thời điểm này để đưa ra thị trường hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Theo đó, nhóm thực phẩm và đồ uống như bánh kẹo, mứt, nước giải khát, rượu bia và các loại thực phẩm phục vụ Tết là những mặt hàng thường xuyên bị làm giả, làm nhái hoặc gian lận thương mại.
Cùng với đó, các mặt hàng quần áo, giày dép, túi xách, trang sức, mỹ phẩm, nước hoa và các sản phẩm chăm sóc cá nhân khác cũng có nguy cơ bị làm giả, làm nhái hoặc gian lận thương mại.
Ngoài ra, trong dịp Tết, người dân thường mua sắm các đồ trang trí như cây cảnh, cây nêu, đèn lồng, đèn nháy và các quà lưu niệm mang ý nghĩa Tết.
Phóng viên: Như ông chia sẻ, Tết Nguyên đán là dịp người dân có nhu cầu rất cao về mua sắm, ăn uống và cũng là thời điểm mà các gian thương thường lợi dụng để đưa ra thị trường những mặt hàng hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái. Vậy, để bảo đảm thị trường ổn định, chất lượng an toàn phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán, trong khi có nhiều lực lượng chức năng cùng đồng loạt ra quân, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ triển khai thực hiện như thế nào để không tạo sự chồng chéo và bao quát được tất cả các vấn đề, thưa ông?
Ông Lê Quang Hải: Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu yêu cầu các Đội Quản lý thị trường tập trung kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, không trùng lặp, chồng chéo, tuân thủ đúng quy định, quy trình, nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm sẽ xử lý nghiêm nhằm răn đe các đối tượng, kết hợp với các hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và đặc biệt không gây phiền hà, trở ngại đối với các hoạt động kinh doanh của tổ chức, cá nhân.
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân cam kết không kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và có các hành vi gian lận thương mại, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để ngăn ngừa tận gốc tình trạng này.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!