Nhận diện nguy cơ, thách thức của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế
Định hướng phát triển quốc gia kể từ Đại hội IX (năm 2001) cho đến Đại hội XIII (năm 2021) của Đảng luôn nhất quán chủ trương 'chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả'. Trong đó, quá trình hội nhập về kinh tế mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với Việt Nam. Nhận diện đúng các thách thức sẽ góp phần giải quyết hợp lý các vấn đề gặp phải trong quá trình hội nhập quốc tế.
Ngày 7-11-2006 đánh dấu một trong những dấu mốc quan trọng nhất trên con đường hội nhập quốc tế của Việt Nam chính là sự kiện Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007. Hội nhập quốc tế và gia nhập WTO đã góp phần đổi mới tư duy hoạch định chính sách, hoàn thiện các chuẩn mực quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, định hình khung khổ pháp lý và các chuẩn mực phát triển thể chế kinh tế - thương mại, tạo cơ sở pháp lý vững chắc nhằm đưa Việt Nam từng bước mở cửa nền kinh tế, mở rộng quy mô thị trường hàng hóa và dịch vụ, cải thiên cơ cấu và nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại quốc tế theo các thỏa thuận đa phương và song phương đã cam kết. Tuy nhiên trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam cũng phải đối đầu với những thách thức không nhỏ, tập trung vào bốn nhóm nguy cơ chính ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Nguy cơ rửa tiền, tài trợ khủng bố
Rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có(1). Đây là hoạt động mà tội phạm dùng nhiều thủ đoạn để biến dòng “tiền bẩn” thành nguồn “tiền sạch” để lưu thông trong nền kinh tế và tài trợ cho các hoạt động khủng bố. Để thực hiện hành vi này, các đối tượng rửa tiền thường sử dụng hệ thống tài chính, đặc biệt là các tổ chức tài chính. Trên thực tế, các tổ chức tài chính là nơi cung cấp phương tiện cho các hoạt động chuyển tiền trong nước và quốc tế; đồng thời cũng cung cấp các phương tiện để chuyển đổi các đồng tiền. Ngân hàng thương mại thường là đối tượng được nhắm đến nhiều nhất. Ngoài ra, các tổ chức tài chính khác, như công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm cũng có thể nằm trong mục tiêu của quy trình này thông qua một số hoạt động, như gửi tiền đầu tư chứng khoán hay mua các hợp đồng bảo hiểm.
Hoạt động rửa tiền gây nhiều tác động tiêu cực cả trực tiếp và gián tiếp đến các tổ chức tài chính của một quốc gia, như làm mất uy tín của các tổ chức tài chính, làm giảm chất lượng đội ngũ nhân viên của các tổ chức tài chính. Không những thế, hành vi phạm pháp này còn ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác giữa các tổ chức tài chính trong nước với các tổ chức tài chính quốc tế, gây khó khăn trong việc tiếp cận thị trường vốn quốc tế. Hơn nữa, hoạt động rửa tiền cũng khiến các tổ chức tài chính “bình phong” xuất hiện và hoạt động rộng rãi, gây mất ổn định cho nền kinh tế và tác động xấu đến hoạt động của các tổ chức tài chính thực sự.
Ở Việt Nam, hệ thống tổ chức tài chính được quản lý bởi nhiều cơ quan và được điều chỉnh bởi những bộ phận pháp luật khác nhau. Trong đó, các giao dịch được tập trung thực hiện thông qua hệ thống của các tổ chức tín dụng, trong đó chủ yếu là các ngân hàng. Do đó, việc phòng, chống hoạt động rửa tiền của các tổ chức tín dụng là yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với Việt Nam. Hệ thống pháp luật Việt Nam cần đáp ứng được những yêu cầu, tiêu chuẩn quốc tế về phòng, chống tội phạm và các hoạt động rửa tiền, không chỉ để phù hợp với vai trò là thành viên của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF), mà còn để ngăn ngừa và phòng, chống tội phạm rửa tiền một cách hiệu quả nhất.
Hiện nay, Việt Nam không nằm trong danh sách “đen” những quốc gia có rủi ro về rửa tiền và tài trợ cho khủng bố gây bất ổn cho hệ thống tài chính quốc tế mà FATF đưa ra. Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của FATF, Việt Nam vẫn thuộc danh sách các quốc gia còn thiếu hụt các cơ chế chống rửa tiền, chống khủng bố. Vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm tránh những nguy cơ có thể tổn hại đến uy tín và hoạt động ngoại thương. Trong đó, có thể tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như:
Thứ nhất, bảo đảm triển khai xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến phòng, chống rửa tiền theo đúng tiến độ đã giao theo Quyết định số 2112/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 25-11-2014, về Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2015 - 2020.
Thứ hai, bổ sung các chỉ dẫn, hướng dẫn để nhận diện giao dịch đáng ngờ, kể cả đối với các giao dịch chưa được hoàn tất, nhưng đáng ngờ về bản chất.
Thứ ba, duy trì và tăng cường các biện pháp nhằm tạo ra khung khổ chính sách hướng tới nền kinh tế không sử dụng tiền mặt vào thực tiễn.
Thứ tư, tăng cường, nâng cao năng lực của Cục phòng, chống rửa tiền để trở thành một cơ quan đầu mối thu thập, chia sẻ và xử lý thông tin của các đối tượng, báo cáo theo Luật Phòng, chống rửa tiền. Bên cạnh đó, có các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để Cục phòng, chống rửa tiền hoạt động hiệu quả, thực chất.
Thứ năm, triển khai tổng thể các biện pháp nhằm đưa những nội dung của Hiệp ước Basel II(2) vào thực hiện tại các ngân hàng thí điểm, từ đó mở rộng ra toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng. Đồng thời, nghiên cứu tính khả thi và xây dựng kế hoạch đưa Basel III(3) và Basel IV(4) vào triển khai trên thực tế tại Việt Nam, nâng cao năng lực kiểm soát rủi ro của các tổ chức tín dụng Việt Nam tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế.
Nguy cơ tấn công mạng và an toàn dữ liệu cá nhân
Quá trình hội nhập sâu rộng cùng việc chuyển đổi sang nền kinh tế số cũng đặt ra những vấn đề mới về an toàn thông tin; nhiều công nghệ mới được áp dụng như trí tuệ nhân tạo (Al), Internet kết nối vạn vật (Iot), điện toán đám mây (Cloud computing), điện toán di động (Mobility)...; chuỗi cung ứng và dịch vụ của bên thứ ba được mở rộng. Vì vậy, phạm vi, không gian bị tấn công trên môi trường số ngày càng tăng lên; công nghệ mới cũng bị lợi dụng để phục vụ cho các mục đích xấu; khả năng kiểm soát và bảo đảm an toàn thông tin không theo kịp tốc độ chuyển đổi số.
Theo dữ liệu của Bộ Công an về tình hình an ninh mạng, dữ liệu cá nhân, hiện nay có hơn 2/3 dữ liệu cá nhân của người dân Việt Nam đang được lưu trữ, đăng tải, chia sẻ và thu thập trên không gian mạng với nhiều hình thức và mức độ chi tiết khác nhau. Tình trạng lộ dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng trong khi người sử dụng chưa có ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân. Những dữ liệu này bị lộ trong quá trình đăng tải công khai hoặc chuyển giao, lưu trữ, trao đổi các thông tin phục vụ cho hoạt động kinh doanh hoặc do biện pháp bảo vệ không tương xứng dẫn tới dữ liệu cá nhân bị chiếm đoạt và đăng tải công khai.
Từ tháng 5-2019 đến nay, đã xuất hiện chiến dịch tấn công phishing(5) nhằm vào các ngân hàng tại Việt Nam với mục đích thu thập thông tin cá nhân, thông tin giao dịch thanh toán của khách hàng... Chỉ riêng trong sáu tháng đầu năm 2022, có hơn 1.000 lượt phản ánh của người dân về các sự vụ lừa đảo trên không gian mạng. Số liệu của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cho thấy, tại Việt Nam có tới 36% các cuộc tấn công phishing nhằm vào hệ thống ngân hàng, 16% các cuộc tấn công phishing nhằm vào lĩnh vực viễn thông. Các tổ chức, doanh nghiệp và người dân nước ta hiện đang là mục tiêu tấn công của 2.739 trang phishing lừa đảo, 2.717 trang web giả mạo. Tính đến tháng 6-2022, số trang phishing lừa đảo và trang web giả mạo đã tăng ba lần so với năm 2020.
Năm 2021, có 35 vụ làm lộ, lọt, rao bán dữ liệu của các tổ chức tại Việt Nam. Trong số này, có hai vụ thuộc lĩnh vực công nghệ với 20 dữ liệu, tập tin về dữ liệu khách hàng; ba vụ thuộc lĩnh vực giáo dục với 300.000 bản ghi về thông tin học sinh, sinh viên; hai vụ thuộc lĩnh vực tài chính với 50.000 bản ghi dữ liệu khách hàng; hai vụ thuộc lĩnh vực bán lẻ với 3 triệu bản ghi dữ liệu khách hàng; 25 vụ thuộc các lĩnh vực khác với 100 triệu bản ghi thông tin cá nhân, tài khoản mạng xã hội. Theo dự báo của chuyên gia trong lĩnh vực an ninh mạng, trong các tháng cuối năm 2023, tội phạm trên không gian mạng sẽ có chiều hướng gia tăng dưới hình thức chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản...
Việc lộ, lọt dữ liệu cá nhân trên thế giới và ở nước ta đang trong tình trạng rất đáng báo động, do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện cùng với ý thức của người dân về bảo vệ thông tin cá nhân chưa cao. Vì vậy, chúng ta cần lưu ý một số giải pháp:
Thứ nhất, xây dựng hành lang pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đề xuất ban hành Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân làm căn cứ pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân, đề xuất ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân căn cứ theo tiêu chuẩn của nhiều nước trên thế giới.
Thứ hai, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân gắn với đào tạo kỹ năng số cơ bản, có tài khoản giao dịch trực tuyến, chữ ký số, chữ ký điện tử cá nhân, sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Việc chuyển đổi từ môi trường thực sang môi trường số kéo theo những nguy cơ mới trong lĩnh vực thông tin mạng. Vấn đề quan trọng là làm gì để hạn chế đến mức thấp nhất những nguy cơ mất an toàn thông tin.
Thứ ba, ở một số lĩnh vực đặc thù như Chính phủ điện tử xuất hiện nhiều nguy cơ dẫn đến tình trạng mất an toàn thông tin, do đó cần kiểm tra, đánh giá lại mức độ bảo mật của các thiết bị số đang sử dụng phục vụ Chính phủ điện tử.
Thứ tư, tăng cường phát hiện và quyết liệt xử lý các trang mạng lừa đảo, giả mạo, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; điều tra, xử lý kịp thời đối tượng rao bán, trục lợi từ dữ liệu cá nhân.
Thứ năm, tăng cường đôn đốc các bộ, ngành địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai diễn tập, trực chiến; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về triển khai các hoạt động ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin mạng; tiến tới hoàn thành phân loại, xác định và phê duyệt đề xuất về cấp độ hệ thống thông tin.
Hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động
Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động lợi dụng internet, mạng xã hội để phát tán các loại thông tin sai trái, thù địch nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tác động tiêu cực đến tư tưởng, nhằm làm suy giảm lòng tin của cán bộ, nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Các thế lực thù địch, phản động đã tăng cường chống phá thông qua một số hoạt động:
Thứ nhất, tuyên truyền chống phá Đại hội của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội, với các luận điệu như, đưa ra những đồn đoán sai lệch về nhân sự cấp cao trong Đảng và Nhà nước; xuyên tạc nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Quốc hội; tung tin nói xấu, bôi nhọ, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và một số cán bộ chủ chốt các cấp.
Thứ hai, lợi dụng một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện thoái hóa, biến chất, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các đối tượng phản động phát tán nhiều tài liệu, bài viết, “thư ngỏ” trên các trang mạng xã hội tuyên truyền, kêu gọi cán bộ, đảng viên “từ bỏ chế độ”, “từ bỏ Đảng”, “ủng hộ” cái gọi là phong trào đấu tranh đòi tự do, dân chủ, nhân quyền, tham gia “phong trào đấu tranh lật đổ chế độ”.
Thứ ba, lợi dụng các vấn đề nhạy cảm, dễ gây bức xúc trong đời sống xã hội liên quan đến lực lượng vũ trang, các đối tượng phát tán tài liệu trên không gian mạng để vu cáo, nói xấu nội bộ lãnh đạo, chỉ huy, xuyên tạc chức năng, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang, gây hoài nghi, bức xúc trong dư luận xã hội, tác động xấu tới tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ.
Thứ tư, lợi dụng sự việc Bộ Chính trị xử lý kỷ luật một số cán bộ cấp cao, trong đó có lực lượng vũ trang; lợi dụng các thông tin, tài liệu, hình ảnh có liên quan đến lực lượng vũ trang do báo chí phản ánh để lồng ghép các hình ảnh, bài viết nói xấu, hạ bệ uy tín của tướng lĩnh, cán bộ và chiến sĩ, gây ảnh hưởng tới hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, “Chiến sĩ Công an Nhân dân”.
Vì vậy, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, để tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động trên không gian mạng, cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, các tầng lớp nhân dân, các cán bộ, chiến sĩ về âm mưu, thủ đoạn, các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, phản động trên không gian mạng. Các cấp ủy, chính quyền cần chỉ rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Mọi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, nhận diện rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; đấu tranh mạnh mẽ sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động.
Hai là, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, quy định về quan hệ, tiếp xúc với cá nhân, tổ chức nước ngoài của quân nhân, cán bộ chiến sĩ, như Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Bộ Chính trị, về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; Thông tư số 202/2016/TT-BQP, ngày 12-12-2016, của Bộ Quốc phòng, quy định về bảo đảm an toàn thông tin trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Công văn số 630/BVAN-P9, ngày 22-2-2019, của Cục Bảo vệ an ninh Quân đội, về việc hướng dẫn thực hiện công tác Bảo vệ an ninh cá nhân, tổ chức nước ngoài của quân nhân... Xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Ba là, thúc đẩy mạnh mẽ công tác thông tin tuyên truyền, lan tỏa những hình ảnh tốt đẹp, sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam; của các đơn vị lực lượng vũ trang. Đẩy mạnh việc tuyên truyền và tích cực tham gia cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Bốn là, thực hiện tốt công tác dân vận; công tác nêu gương; thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; phát động quần chúng tích cực tham gia phong trào đấu tranh, bảo vệ Đảng, chế độ, đất nước.
Nguy cơ về an ninh lương thực và an ninh năng lượng
Thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực chưa từng có. Theo cảnh báo của Liên hợp quốc, nguy cơ xảy ra nạn đói ở nhiều nơi trong năm 2022 đang hiện hữu. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Hiện nay, khả năng cung ứng lương thực toàn cầu đang trở nên “bấp bênh” khi khó tìm được nguồn cung thay thế bởi chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn do ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga và U-crai-na; sự biến đổi khí hậu ở nhiều nơi trên thế giới cũng tác động không nhỏ tới nguồn cung cho thị trường thế giới.
Chính phủ của một số quốc gia đã phải nhanh chóng rút lại quyết định “giải cứu” thế giới bằng lương thực của mình, chỉ xuất khẩu một lượng lương thực rất hạn chế và dành hầu hết sản lượng phục vụ nhu cầu trong nước. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) dự báo, dưới tác động căng thẳng của cuộc xung đột giữa Nga - U-crai-na - hai nước sản xuất nông nghiệp lớn của thế giới - số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực sẽ gia tăng thêm ít nhất 33 triệu người, hầu hết ở vùng phía Nam sa mạc Xa-ha-ra ở châu Phi. Các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng thế giới cho rằng, các hạn chế xuất khẩu đang có nguy cơ làm trầm trọng hơn đà gia tăng giá lương thực toàn cầu, gây hiệu ứng đô-mi-nô lên các quốc gia khác, trong đó có các quốc gia xuất khẩu nông sản chủ yếu trong khu vực Đông Nam Á như Việt Nam.
Bên cạnh an ninh lương thực, việc bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững cũng được xác định là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam. Trong đó, các vấn đề về giá cả và sự đa dạng về nguồn cung là những yếu tố có tính quyết định.
Thế giới đang chật vật đối phó với cuộc khủng hoảng giá dầu mỏ và khí đốt, thậm chí có xu hướng quay lại duy trì sử dụng nhiệt điện than để bảo đảm nguồn cung năng lượng. Kể từ khi cuộc xung đột Nga - U-crai-na xảy ra, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã tiến hành hàng loạt biện pháp cấm vận Nga, dẫn đến giá dầu mỏ và giá khí đốt tăng vọt. Do giá nhiên liệu và giá điện tăng cao, hầu hết các quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng chậm, lạm phát leo thang, đời sống người dân bị thắt chặt và bất ổn về chính trị. Điều này đã dẫn đến các chính sách giải quyết thiếu hụt năng lượng bằng việc thúc đẩy sản xuất nhiên liệu hóa thạch, dù biết đây là cách thức không thân thiện với môi trường. Đối với Việt Nam, vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng luôn được ưu tiên hàng đầu. Qua số liệu Dự thảo Quy hoạch Điện VIII của Bộ Công Thương, có thể thấy an ninh năng lượng trong nước ta đang đối mặt với một số vấn đề:
Thứ nhất, với đề xuất nguồn điện khí hóa lỏng (LNG) sẽ chiếm 16,4% công suất toàn hệ thống điện vào năm 2030 và 14,8% vào năm 2035 cho thấy, việc bảo đảm an ninh năng lượng sẽ gặp nhiều khó khăn, trở ngại vì nguồn LNG này phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, giá cả biến động khó lường, không thể kiểm soát.
Thứ hai, đối với điện gió trên bờ, dự kiến chiếm 11% công suất toàn hệ thống vào năm 2030 và 14,3% vào năm 2045; điện gió ngoài khơi chiếm 4,8% vào năm 2030 và đến 2045 là 17% và điện mặt trời dự kiến chiếm 19,4% vào năm 2045 là bước đột phá chuyển dịch năng lượng. Tuy nhiên, rất khó để có thể bảo đảm an ninh năng lượng nếu chỉ trông chờ vào điện gió, điện mặt trời vì hai nguồn năng lượng này không mang tính ổn định.
Thứ ba, dự thảo Quy hoạch điện VIII chưa xem xét đến phát triển điện hạt nhân đến năm 2045, trong khi hiện nay, điện hạt nhân đang đóng góp trên 10% sản lượng điện toàn cầu và chiếm 1/3 trong số các loại nguồn điện được tạo ra bằng công nghệ phát thải các-bon thấp.
Do sưạ̉nh hưởng lẫn nhau của các quốc gia trong mạng lưới hội nhập sâu rộng, để ngăn chặn sự gia tăng của xu hướng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trong những năm tới, các quốc gia cần ưu tiên mở rộng sản xuất lương thực bằng cách cung cấp nguồn lực đầu vào thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp cũng như bảo vệ vật nuôi. Bên cạnh đó, các quốc gia cần nhanh chóng chuyển đổi hệ thống nông sản mang lại hiệu quả hơn, toàn diện hơn, linh hoạt hơn và bền vững hơn, đồng thời nỗ lực giảm thiểu tình trạng thất thoát, lãng phí lương thực, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, canh tác. Trên bình diện quốc tế, tăng cường hợp tác đa phương nhằm thúc đẩy an ninh lương thực, bảo đảm các chuỗi cung ứng, sản xuất, phân phối... luôn được duy trì. Cùng với đó, khu vực nhà nước và tư nhân cần tham gia vào các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị nông sản để hỗ trợ những nông dân sản xuất nhỏ và các hộ gia đình.
Đối với vấn đề an ninh năng lượng, việc bảo đảm an ninh và phát triển bền vững được xác định là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của nước ta. Hiện nay để đối phó với vấn đề thiếu hụt năng lượng, một số nước trên thế giới đã tiến hành bơm thêm dầu và hồi sinh nhiệt điện than. Tuy nhiên, giải pháp này dễ khiến các nước rơi vào thế mâu thuẫn với mục tiêu phát triển bền vững. Nhằm tránh rơi vào tình trạng như vậy, chúng ta cần có những tính toán, cân nhắc cụ thể về việc phát triển các nguồn điện thay thế, ít phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài và xây dựng hệ thống lưu trữ điện năng với mục tiêu cơ bản là bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển bền vững. Tính đến thời điểm này, Thủ tướng Chính phủ chưa phê duyệt Quy hoạch điện VIII, do vậy, vẫn còn cơ hội để bổ sung lĩnh vực phát triển điện hạt nhân vào giai đoạn 2030 - 2045 nhằm tạo thêm nguồn điện ổn định, phát thải thấp thay thế nhiệt điện than. Để thực hiện được mục tiêu này, cần có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư từ nhiều thành phần kinh tế khác nhau bỏ vốn vào phát triển thị trường năng lượng, giúp cho công cuộc chuyển dịch năng lượng của Việt Nam thành công trong thời gian tới.
Việc nhận diện rõ các nguy cơ, thách thức đe dọa đến an ninh quốc gia trong thời kỳ hội nhập kinh tế của Việt Nam chính là tiền đề để chúng ta nghiên cứu, đưa ra những bước đi phù hợp, chủ động ứng phó với những thách thức, góp phần giữ vững môi trường an ninh ổn định, trật tự xã hội, đưa đất nước ngày một phát triển bền vững hơn.
PGS, TS NGUYỄN TRÚC LÊ - TS VŨ DUY
Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội
---------------------
(1) Xem: Khoản 1, Điều 3, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022
(2) Hiệp ước Basel II là phiên bản thứ hai của Hiệp ước về vốn của Basel, trong đó đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (BCBS)
(3) Basel III là Hiệp ước Basel III, được xây dựng dựa trên các tài liệu của Basel I và Basel II, nhằm tìm cách cải thiện năng lực của ngân hàng để đối phó với căng thẳng tài chính và kinh tế, cải thiện quản lý rủi ro và tăng cường tính minh bạch của ngân hàng
(4) Basel IV là Hiệp ước Basel IV, là phiên bản đang được xây dựng
(5) Là một hình thức tấn công mạng, tấn công giả mạo - kẻ tấn công đóng giả một đơn vị uy tín để lừa đảo người dùng.
Theo Tạp chí Cộng sản