'Nhận diện nguy cơ tham nhũng để chủ động phòng ngừa'

'Các lĩnh vực công chứng, chứng thực, thừa phát lại, bán đấu giá tài sản luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp. Sở Tư pháp với vai trò là cơ quan tham mưu giúp cho UBND thành phố thực hiện công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực này cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát', Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn nhấn mạnh trong phát biểu tại buổi làm việc với Sở Tư pháp Hà Nội.

Chiều 24-7, Đoàn kiểm tra số 3 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội do đồng chí Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn làm Trưởng đoàn đã kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020” tại Sở Tư pháp Hà Nội.

Quyết liệt trong công tác PCTN, thực hành tiết kiệm chống lãng phí

Báo cáo tại buổi kiểm tra, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn cho biết, trong những năm qua, Sở Tư pháp luôn xác định công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên thực hiện, gắn với việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ.

Sở đã ban hành 15 kế hoạch triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, Ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU, UBND TP về công tác PCTN, lãng phí. Đưa nội dung công tác PCTN, lãng phí là một trong các tiêu chí chấm điểm, đánh giá trong công tác thi đua, khen thưởng, trong kiểm điểm hàng năm.

Đảng ủy và Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy cơ quan Sở Tư pháp đã ban hành 9 kế hoạch và tiến hành kiểm tra giám sát đối với 23 chi bộ trực thuộc, 3 đồng chí bí thư chi bộ. Nội dung kiểm tra, giám sát tập trung vào việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) và các nhiệm vụ công tác trọng tâm hàng năm, trong đó có nội dung về PCTN, lãng phí. Qua kiểm tra đã chỉ rõ những ưu điểm, hạn chế cần khắc phục; chưa phát hiện hành vi tham nhũng phải xử lý theo quy định.

Với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) thành phố, Sở Tư pháp luôn xác định công tác tuyên truyền, PBGDPL về PCTN; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài. Hàng năm, đã tham mưu giúp UBND Thành phố ban hành các kế hoạch về công tác PBGDPL trên địa bàn TP và tổ chức triển khai thực hiện.

Công tác kiểm tra, giám sát cũng được Đảng ủy, cơ quan Sở Tư pháp tiến hành thường xuyên, trong đó đặc biệt chú trọng công tác tự kiểm tra nội bộ cơ quan, các bộ phận, cán bộ công chức thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, giải quyết TTHC. Sở Tư pháp đã thường xuyên thực hiện kiểm tra công vụ.

Theo đó, năm 2017, Sở Tư pháp đã tiến hành kiểm tra trách nhiệm công chức trong việc giải quyết thủ tục hành chính theo phản ánh đã phát hiện và xử lý kỷ luật đối với 04 công chức (cảnh cáo đối với 01 công chức; khiển trách đối với 03 công chức) và điều động 04 công chức vi phạm làm công tác khác.

Năm 2018, Sở Tư pháp tiến hành kiểm tra trách nhiệm công chức trong việc giải quyết thủ tục hành chính theo phản ánh. Kết quả kiểm tra cho thấy: không có cơ sở xác định nội dung phản ánh là đúng. Tuy nhiên, Sở Tư pháp đã yêu cầu người đứng đầu Phòng chuyên môn, Trưởng bộ phận một cửa nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác quản lý điều hành, giao việc và điều chuyển vị trí việc làm đối với 01 công chức. Thông qua việc xử lý cán bộ như trên thể hiện trách nhiệm của Sở Tư pháp trong việc phát hiện, xử lý đối với hành vi tiêu cực, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và các biện pháp phòng ngừa.

Trong công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo, từ ngày 26-4-2016 đến ngày 30-6-2019, Sở Tư pháp đã tiến hành 18 cuộc thanh tra đối với 112 tổ chức về các lĩnh vực công chứng, chứng thực, hộ tịch, đấu giá tài sản, trọng tài thương mại, luật sư, thừa phát lại. Qua thanh tra đã phát hiện các hành vi vi phạm, Chánh Thanh tra Sở đã ban hành 83 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 80 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền phạt là 567.500.000 đồng.

Sở Tư pháp đã thụ lý giải quyết 07 đơn tố cáo, 01 đơn khiếu nại của công dân thuộc thẩm quyền. Qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Sở Tư pháp đã phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc Sở Tư pháp…

Lưu ý lĩnh vực, đối tượng dễ xảy ra tham nhũng

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn ghi nhận, đánh giá cao kết quả triển khai Chương trình 07-CTr/TU tại Sở Tư pháp. Theo đồng chí Đào Đức Toàn, Đảng ủy, người đứng đầu Sở Tư pháp đã luôn quan tâm và có ý thức trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện công tác PCTN, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức người lao động đối với lĩnh vực này ngày càng được nâng lên. Sở đã triển khai cụ thể 2 bộ quy tắc ứng xử, cải thiện hình ảnh của cơ quan hành chính nhà nước nói chung, của Sở Tư pháp nói riêng.

Tuy nhiên, theo đồng chí Đào Đức Toàn, đây mới chỉ là kết quả bước đầu. Một số nội dung thực hiện Chương trình 07-CTr/TU có tính hiệu quả lâu dài chưa được thể hiện rõ. Hiện vẫn còn một số đơn vị triển khai kế hoạch PCTN mang tính hình thức. Số lượng các cuộc thanh tra thực hiện pháp luật về PCTN chưa nhiều. Sở còn thiếu quy chế nội bộ về PCTN. Đặc biệt, vẫn còn có những vụ việc nhỏ xảy ra ảnh hưởng đến hình ảnh của cơ quan “gác cổng” lĩnh vực tư pháp… Do đó, Sở Tư pháp cần nỗ lực hơn nữa để khắc phục những tồn tại này.

Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn lưu ý: "Các lĩnh vực công chứng, chứng thực, thừa phát lại, đấu giá tài sản do Sở Tư pháp phụ trách sẽ tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ phức tạp. Sở Tư pháp cần chủ động nhận diện nguy cơ, tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên và đột xuất".

Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn lưu ý: "Các lĩnh vực công chứng, chứng thực, thừa phát lại, đấu giá tài sản do Sở Tư pháp phụ trách sẽ tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ phức tạp. Sở Tư pháp cần chủ động nhận diện nguy cơ, tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên và đột xuất".

Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính và tăng cường hiệu quả công tác quản lý trên các lĩnh vực. Chú ý đến việc tổ chức đánh giá cán bộ công chức viên chức hàng tháng; rà soát các vị trí việc làm của từng phòng. Xác định rõ lĩnh vực, đối tượng dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí để đề ra các giải pháp phòng ngừa cụ thể, kịp thời.

Đồng chí Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn cũng lưu ý, Sở Tư pháp cần tăng cường tham mưu cho lãnh đạo thành phố, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy Hà Nội về công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều cơ quan phối hợp giải quyết, đang phát sinh bất cập như công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN. Trên cơ sở đó, nhằm nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật về PCTN cho cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên các sở, ngành và các tầng lớp nhân dân.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhan-dien-nguy-co-tham-nhung-de-chu-dong-phong-ngua-156502.html