Nhận diện nguy cơ về tham nhũng quyền lực

Trong khuôn khổ hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc, Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TPHCM phối hợp Sở TT-TT TPHCM, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tổ chức tọa đàm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong tác phẩm 'Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh' của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Các đại biểu chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: TTXVN

Các đại biểu chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: TTXVN

Tham gia chương trình có các diễn giả: PGS-TS Nguyễn Viết Thông, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM; PGS-TS Vũ Tình, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV TPHCM; PGS-TS Hà Minh Hồng, nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH-NV TPHCM.

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, TS Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Giám đốc Chi nhánh NXB Chính trị Quốc gia Sự thật tại TPHCM, nói: “Cuốn sách cho thấy sự nhất quán giữa nói và làm; sự kiên trì đấu tranh không ngừng nghỉ; sự thống nhất giữa những nung nấu nhiều năm và hành động quyết liệt trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để xây dựng, chỉnh đốn Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Cuốn sách là tài liệu rất giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn, có thể coi là cuốn cẩm nang về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược, được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân đánh giá cao, bạn bè quốc tế ghi nhận; đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ cái gốc của tham nhũng chính là do sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở cán bộ, đảng viên”.

Cùng quan điểm này, PGS-TS Nguyễn Viết Thông chia sẻ: “Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trước tiên phải nhận diện cho đúng, những biểu hiện của tham nhũng, tiêu cực. Thứ hai là nhận diện cho rõ nguy cơ tham nhũng, tiêu cực. Và cuối cùng là làm rõ mục đích, lực lượng, phương pháp, phương châm, tư tưởng chỉ đạo trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Trong quyển sách, đồng chí Tổng Bí thư cũng chỉ ra những điểm mới trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đó là không chỉ có tham nhũng về vật chất, kinh tế, mà còn có tham nhũng chính sách, pháp luật và điều này còn nguy hiểm hơn tham nhũng về kinh tế rất nhiều lần”.

Phát biểu tại tọa đàm, PGS-TS Vũ Tình cho rằng: “Nói đến tham nhũng, đại đa số chúng ta vẫn nghĩ đến tham nhũng về kinh tế, của cải vật chất. Nhưng theo tôi, nguy hiểm hơn tham nhũng về kinh tế, đó là tham nhũng quyền lực, tham nhũng chính trị. Tham nhũng quyền lực phá nát chính sách cán bộ của chúng ta. Với nhân dân, nhận diện và phân biệt những điều này còn hạn chế, vì thế công tác tuyên truyền cần phải thực hiện rất bài bản và sâu rộng đến mọi người dân”.

Đại biểu và các diễn giả tham gia tọa đàm cũng nhìn nhận, để đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả, điều quan trọng trước nhất là mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm và dũng khí trước Đảng, trước nhân dân; phải đặc biệt phát huy được vai trò tiên phong, gương mẫu, đó là nền tảng, là cơ sở quan trọng để làm nên uy tín của người đảng viên. Chính sự tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên là nguồn sức mạnh to lớn quy tụ sự đoàn kết, nhất trí của quần chúng nhân dân và toàn xã hội, không chỉ đấu tranh trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, mà còn quyết định thắng lợi của sự nghiệp đổi mới hiện nay.

Bên cạnh đó, việc đấu tranh với tiêu cực trên môi trường mạng hiện nay cũng được các đại biểu quan tâm và đặt vấn đề, bởi ảnh hưởng từ các tiêu cực trên mạng xã hội đã tác động không nhỏ tới đời sống và hành vi người dân.

KIM LOAN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhan-dien-nguy-co-ve-tham-nhung-quyen-luc-post686734.html