Nhận diện những bất lợi nếu vẫn 'kiên định' thẻ từ
Từ đầu năm 2022 là thời điểm chính thức chuyển đổi toàn diện sang thẻ ATM gắn chip. Thẻ ATM từ tuy vẫn tiếp tục sử dụng được (nếu còn thời hạn sử dụng), nhưng người dân nếu vẫn cố 'kiên định' giữ thẻ ATM từ quá lâu mà không chuyển thẻ chip sẽ có thể đối diện với nhiều bất lợi, trong đó có cả yếu tố rủi ro cao của thẻ từ.
Thời điểm chuyển giao
Theo lộ trình quy định tại Thông tư số 41/2018/TT-NHNN, đến ngày 31/12/2021, 100% số thẻ có BIN (số nhận dạng ngân hàng) do Ngân hàng Nhà nước cấp đang lưu hành của tổ chức phát hành thẻ tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa.
Việc chuyển công nghệ thẻ được coi là giải pháp gia tăng an toàn hoạt động thẻ và thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ thẻ trong thời gian tới.
Việc chuyển công nghệ thẻ được coi là giải pháp gia tăng an toàn hoạt động thẻ và thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ thẻ trong thời gian tới. Theo ý kiến của ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) tại cuộc họp Chi hội thẻ thuộc Hiệp hội Ngân hàng diễn ra cuối năm 2021, công việc ưu tiên trong thời gian tới sẽ là đẩy mạnh chuyển đổi thẻ chip. Tuy nhiên, tiến độ chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip tại các ngân hàng còn chậm và ông Dũng cũng đề nghị Chi hội thẻ thời gian tới nên phối hợp với các đơn vị khẩn trương ban hành quy định chuyển đổi trách nhiệm về chuyển đổi thẻ chip nội địa giữa các thành viên.
Liên quan đến lộ trình chuyển đổi thẻ ATM chip, trong thời điểm trước đây, nội dung này đã gây một số hiểu lầm khi nhiều người cho rằng, sau ngày 31/12/2021 thì thẻ ATM theo công nghệ cũ (từ ATM từ) sẽ không sử dụng được nữa. Tuy nhiên, theo giải thích của Ngân hàng Nhà nước thời gian gần đây thì thẻ ATM từ vẫn sử dụng được sau thời điểm trên.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa ra yêu cầu các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ cần rà soát quy định pháp luật, hợp đồng hoặc thỏa thuận giữa tổ chức phát hành thẻ với chủ thẻ về việc phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng. Các đơn vị này phải đảm bảo các giao dịch thẻ của chủ thẻ diễn ra thông suốt, an toàn, không ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ thẻ và không đưa ra các chính sách, quy định trái với quy định pháp luật về hoạt động thẻ ngân hàng.
Mất lợi ích nếu “kiên định” không đổi thẻ
Giải thích của Ngân hàng Nhà nước phần nào đã giải tỏa tâm lý lo lắng trong một số người dân khi chưa kịp chuyển đổi sang thẻ chip (vẫn dùng được thẻ từ). Tuy nhiên, giới chuyên môn cũng khuyến cáo người dân nên sớm đổi thẻ để có được lợi ích tốt nhất về nhiều mặt.
Phía Ngân hàng Nhà nước dù có thông điệp cho biết thẻ từ vẫn tiếp tục sử dụng được sau 31/12/2021, nhưng cũng khuyến cáo người dân nên sớm chuyển đổi thẻ chip vì các tiện ích, tính năng ưu việt, an toàn của thẻ chip nội địa và rủi ro liên quan đến việc tiếp tục sử dụng thẻ từ…
Theo các chuyên gia về công nghệ bảo mật, thẻ ATM từ có mức độ bảo mật khá thấp bởi thông tin được lưu trên dải từ ở mặt sau của thẻ không được mã hóa.
Khi khách hàng cắm thẻ vào máy ATM hay quẹt thẻ trên máy POS, thông tin lưu trữ ở dải từ sẽ được đọc bởi các đầu đọc trong máy. Do vậy chỉ cần một thiết bị quẹt thẻ từ thông dụng, kẻ gian có thể dễ dàng đánh cắp thông tin thẻ, sau đó cũng dễ dàng tạo ra các thẻ giả với thông tin sao chép được, đồng thời gắn các thiết bị lén ghi lại động tác nhập mã PIN của khách hàng, qua đó có thể trộm tiền từ tài khoản của khách hàng.
Trong khi đó, thẻ ATM được gắn chip điện tử được thiết kế để ngăn chặn các hành vi gian lận nhờ có khả năng lưu trữ và mã hóa thông tin với độ bảo mật cao. Bởi lẽ, chip sẽ tạo dữ liệu mới mỗi khi khách hàng thực hiện giao dịch. Khi chủ thẻ sử dụng thẻ công nghệ chip tại một thiết bị đọc thẻ, thẻ sẽ tạo ra một chuỗi mã hóa duy nhất chỉ dành riêng cho giao dịch đó. Mã hóa này không thể sử dụng cho một giao dịch khác, người sử dụng thẻ không gặp phải rủi ro thông tin thẻ bị sao chép trong những trường hợp nêu trên.
Với xu hướng hiện nay, việc sử dụng thẻ ATM cũng đang chuyển dịch sang sử dụng cho các giao dịch thanh toán trong đời sống nhiều hơn là rút tiền mặt như trước kia. Theo đó, việc an toàn bảo mật trong việc “giao tiếp” giữa thẻ và các thiết bị sẽ ngày càng quan trọng đối với người sử dụng. Ông Đào Minh Tuấn - Chủ tịch Chi hội Thẻ (Hiệp hội Ngân hàng) cho biết, việc phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích đang góp phần giảm tỷ trọng doanh số rút tiền mặt từ 85% (năm 2019) xuống 82% (năm 2020) và 78% (năm 2021).
Ngoài ra, theo phản ánh từ phía các ngân hàng, một bất lợi khác – tuy không lớn – với những chủ thẻ chưa chuyển đổi thẻ giai đoạn này là sẽ phát sinh chi phí. Bởi lẽ, nhiều ngân hàng hiện đang có chính sách khuyến khích khách hàng chuyển đổi sang thẻ chip nên miễn phí đổi thẻ, qua giai đoạn khuyến mại này, khách hàng khi muốn đổi thẻ sẽ phải trả chi phí.
Một số tính năng ưu việt hơn của thẻ chip so với thẻ từ
Thẻ ATM chip có khả năng chống giả mạo và gian lận thông tin, ngăn chặn được việc người dùng bị đánh cắp thông tin và giảm thiểu rủi ro người khác sử dụng thẻ ATM khi bị mất thẻ.
Thẻ ATM chip được tích hợp tính năng thanh toán không chạm (contactless), cho phép người dùng không cần quẹt thẻ khi thanh toán mà chỉ cần chạm thẻ ngay trước thiết bị thanh toán tại quầy thu ngân và giao dịch sẽ được thực hiện. Điều này hạn chế sự tiếp xúc qua tay của người khác lên thẻ ATM cá nhân.