Nhận diện, phòng tránh 6 chiêu thức lừa đảo trên mạng xã hội
6 trong 24 hình thức lừa đảo trực tuyến đã được xác định là điểm nóng tại Việt Nam hiện nay gồm: lừa đảo đầu tư; lừa đảo việc làm; lừa đảo tài chính; lừa đảo cho vay; lừa đảo xổ số; lừa đảo mạo danh
Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền Thông vừa phối hợp với Tập đoàn Meta phát động chiến dịch "Nhận diện lừa đảo" năm 2024, nhằm chia sẻ tới cộng đồng người dùng mạng xã hội các hình thức phòng tránh lừa đảo trực tuyến hữu ích.
Chiến dịch tập trung vào 6 trong 24 hình thức lừa đảo trực tuyến đã được xác định là điểm nóng tại Việt Nam gồm: lừa đảo đầu tư; lừa đảo việc làm; lừa đảo tài chính; lừa đảo cho vay; lừa đảo xổ số; lừa đảo mạo danh.
1. Lừa đảo đầu tư
2. Lừa đảo việc làm
3. Lừa đảo tài chính
4. Lừa đảo cho vay
5. Lừa đảo xổ số
6. Lừa đảo mạo danh
Chiến dịch sẽ bao gồm một loạt các hình ảnh và video ngắn về cách nhận diện và xử lý lừa đảo trực tuyến được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội của Meta và Cục An toàn thông tin cũng như trên website Tư Duy thời đại số của Meta.
Đặc biệt, chiến dịch cũng sẽ có sự tham gia của các nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng tại Việt Nam, nhằm lan tỏa những bí kíp hay và dễ nhớ để ai cũng có thể học theo và bảo vệ bản thân khỏi những nguy cơ lừa đảo trên môi trường mạng.
Theo ông Nguyễn Phú Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin cho biết, mạng xã hội là mảnh đất màu mỡ cho các tội phạm mạng thực hiện hành vi lừa đảo, bởi chỉ cần một phút chủ quan, lơ là và thiếu kiến thức, người dân có thể sập bẫy bất cứ lúc nào. "Với chiến dịch "Nhận diện lừa đảo" năm nay, chúng tôi đặt mục tiêu trang bị cho mọi công dân số khả năng tự định vị các bẫy lừa đảo, nâng cao kỹ năng tự bảo vệ mình trên không gian mạng" – ông Lương nhấn mạnh.
Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về lừa đảo trực tuyến là một trong những ưu tiên hàng đầu của Cục An toàn thông tin. Khi mỗi người dân, mỗi đối tượng yếu thế biết được cách nhận diện và cảnh giác hơn với các thủ đoạn lừa đảo, sẽ giúp cho câu chuyện lừa đảo trực tuyến được giảm thiểu phần nào trong thời gian tới.
Đại diện Tập đoàn Meta, ông Ruici Tio, Quản lý Chương trình Chính sách An toàn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, cho biết sự an toàn và bảo mật của người dùng trên các nền tảng luôn được phía doanh nghiệp ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, Meta cam kết ngăn chặn những hành vi lừa đảo làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng, cũng như tăng cường giáo dục nhận biết về các hành vi này.
Năm 2023, Tập đoàn Meta cũng đã đã triển khai giai đoạn đầu tiên của chiến dịch "Nhận diện lừa đảo" dành riêng cho Việt Nam. Qua đó, tiếp cận hàng triệu người dùng và thu hút hàng trăm nghìn lượt truy cập Cổng thông tin an toàn trực tuyến Tư duy thời đại số của Meta.
"Chương trình hợp tác với Cục An toàn thông tin trong năm nay nhằm mục tiêu tiếp tục nâng cao kỹ năng của người Việt Nam trong việc xác định và đối phó với các hành vi lừa đảo trực tuyến. Chúng tôi mong muốn tất cả người dùng chủ động trang bị kiến thức về tầm quan trọng của việc cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo trên mạng" – ông Ruici Tio nói.
Theo số liệu của Bộ Công an, trong năm 2023 đã khởi tố 1.500 vụ án vì tội lừa đảo trên không gian mạng, tổng số tiền người dân bị lừa đảo là 8.000 - 10.000 tỉ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Tuy nhiên, đây chỉ là con số dựa trên những sự việc người dân đến trình báo cơ quan công an, trên thực tế con số này có thể còn cao hơn vì nhiều người dân không đi trình báo. Cũng trong thời gian này, cổng cảnh báo an toàn thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã nhận được gần 17.400 phản ánh về trường hợp lừa đảo trực tuyến hướng đến người dùng internet Việt Nam. Trong đó, tổng số tiền người dân đã bị lừa đảo được ghi nhận hơn 300 tỉ đồng.
Các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến được nhận định ngày càng tinh vi, khó nhận biết bởi các đối tượng tội phạm mạng liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, triệt để lợi dụng công nghệ mới để tấn công, xâm nhập, lừa đảo quy mô lớn, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, đe dọa cuộc sống của người dân. Thống kê cho thấy, tỉ lệ người dùng nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo hiện chiếm đến 73%.