NHẬN DIỆN RÕ HƠN, SÁT HƠN NHÓM NGƯỜI TIÊU DÙNG DỄ BỊ TỔN THƯƠNG

Một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sáng 26/5 là quy định về người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Các ý kiến đề nghị cần sửa đổi quy định này nhằm giúp nhận diện rõ hơn, sát hơn nhóm này, bổ sung các cách thức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, đồng thời cần xác định mang tính bao quát một số nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương.

Toàn cảnh phiên thảo luận sáng 26/5 tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá cao Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu nhiều ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, các ý kiến tham gia thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội để đảm bảo thực hiện mục tiêu bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng. Nhiều ý kiến bày tỏ quan tâm đến quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương tại Điều 8 của dự thảo Luật.

Bàn về dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thảo luận và thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng, đa chiều và trước tình hình người tiêu dùng bị xâm hại, thiệt hại gia tăng về quy mô, số lượng bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, phi truyền thống ở Việt Nam hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế

Quan tâm đến vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương tại Điều 8, đại biểu Nguyễn Thị Sửu nêu rõ, tại thời điểm mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về tiếp cận thông tin sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp là điều hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, kiến nghị tại điểm d xem xét nâng quy định thời gian phụ nữ nuôi con từ 12 tháng lên 36 tháng tuổi cho phù hợp, thống nhất với Luật Trẻ em quy định tại khoản 3 Điều 43 và các quy định của Bộ luật Hình sự liên quan đến bảo vệ bà mẹ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

Đồng thời cần bổ sung một điểm là: đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự vào nhóm các đối tượng yếu thế như theo khoản 2 Điều 24 của Bộ luật Dân sự để được tạo điều kiện giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày.

Góp ý về Điều 8 bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng, theo thống kê ở khoản 1, người tiêu dùng dễ bị tổn thương rất khó nhận biết bằng mắt thường, ví dụ như người cao tuổi, phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng hoặc thành viên hộ nghèo thì khó nhận biết bằng mắt thường. Do đó, để bảo đảm thực hiện được việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị quy định vào khoản 2 Điều này và ngay tại điểm a “việc người tiêu dùng phải đưa ra tài liệu, giấy tờ xác định mình là người tiêu dùng dễ bị tổn thương để tổ chức, cá nhân kinh doanh biết trước khi tham gia giao dịch, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ”.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định

Về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương mà rất nhiều đại biểu đã quan tâm, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đánh giá cao với nội dung đã tiếp thu, bổ sung của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với nội dung này, qua đó giúp nhận diện rõ hơn, sát hơn nhóm này, bổ sung các cách thức bảo vệ quyền người tiêu dùng dễ bị tổn thương, phương thức, biện pháp, trình tự, thủ tục phù hợp với từng đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương.

Để quy định này sát hơn với thực tế cuộc sống, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm bày tỏ đồng tình với ý kiến đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn Thừa Thiên Huế để điều chỉnh điểm d khoản 1 Điều 8 quy định các đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương có nhóm đối tượng là phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.

Mặc dù hiện nay việc quy định 7 nhóm đối tượng này sẽ là liệt kê, cũng có thể không đầy đủ, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm vẫn đồng tình với phương án là nêu cụ thể 7 nhóm đối tượng này, bởi vì có thể nói đây cũng là những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Để việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương một cách hiệu quả hơn, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đề nghị tại Điều 6 về nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bổ sung thêm một nguyên tắc là ưu tiên người tiêu dùng dễ bị tổn thương vào cuối khoản 3.

Để cụ thể hóa nguyên tắc mới được bổ sung này, tại các quy định cụ thể của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đề nghị tại điểm a khoản 2 Điều 8 bổ sung thêm nội dung “người tiêu dùng dễ bị tổn thương được các tổ chức xã hội ưu tiên tham gia hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hỗ trợ khi có tranh chấp xảy ra”.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang

Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đề nghị cần xác định mang tính bao quát một số nhóm đối tượng, người tiêu dùng dễ bị tổn thương, tránh việc liệt kê cụ thể mà vẫn bỏ sót đối tượng này.

Tại khoản 1 Điều 8 của dự thảo luật xác định người tiêu dùng dễ bị tổn thương là người tiêu dùng tại thời điểm mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về tiếp cận thông tin sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp.

Đồng thời, dựa trên những bất lợi về tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp để xác định có 7 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, gồm người cao tuổi theo quy định của pháp luật người cao tuổi; người khuyết tật theo quy định của pháp luật người khuyết tật; trẻ em theo quy định của pháp luật trẻ em; người dân tộc thiểu số, người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; phụ nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi; người bị bệnh hiểm nghèo theo quy định của pháp luật; thành viên hộ nghèo theo quy định của pháp luật.

Như vậy, so với dự thảo luật trình tại Kỳ họp thứ 4 thì đại biểu Trần Văn Tuấn nhận thấy, dự thảo Luật lần này đã tăng thêm 2 nhóm. Mặc dù vậy, đại biểu cho rằng, vẫn có những ý kiến đặt ra là có còn sót đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương nào nữa hay không, sao không bổ sung thêm đối tượng này hay đối tượng khác. Ví dụ, có ý kiến đề nghị cần xem xét đối với đối tượng là phụ nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi như đại biểu Nguyễn Thị Sửu của Đoàn Thừa Thiên Huế đã nêu, hay cần quy định rõ đối tượng là phụ nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi là con đẻ hay con nuôi.

Ngoài ra, đại biểu Trần Văn Tuấn nhận thấy, việc liệt kê 7 nhóm đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương như trong dự thảo thì trong một số trường hợp cũng khó nhận diện cụ thể như ý kiến của đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn Nam Định.

Đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Do vậy, đại biểu Trần Văn Tuấn cho rằng, việc xác định 7 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương như trong dự thảo Luật mang tính liệt kê, một số đối tượng cụ thể có thể chưa đầy đủ, chưa bao quát hết mà càng liệt kê thì càng dễ thiếu nên dễ dẫn đến việc bỏ sót đối tượng, không có chính sách, biện pháp phù hợp đối với các đối tượng. Vì vậy, đại biểu Trần văn Tuấn đề nghị cần sửa đổi, biên tập lại khoản 1 Điều 8 trong dự thảo luật theo hướng cần xác định mang tính bao quát một số nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương và đề xuất có 4 nhóm. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ tiếp tục cụ thể hóa các đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương với những chính sách phù hợp.

Cụ thể, đề nghị sửa lại khoản 1 Điều 8 như sau: Người tiêu dùng dễ bị tổn thương là người tiêu dùng tại thời điểm mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp gồm:

a. Những người có nhận thức, hiểu biết hạn chế.

b. Những người bị bệnh tật, khuyết tật.

c. Những người nghèo, người có thu nhập thấp.

d. Những người sinh sống ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn.

Ngoài ra, tại điểm d khoản 3 Điều này, đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị nghiên cứu sửa đổi cụm từ “lợi dụng yếu tố dễ bị tổn thương để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng” thành “lợi dụng yếu tố được ưu tiên bảo vệ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng”./.

Bích Ngọc

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=76254