Nhận diện sách giáo khoa giả

Tổng cục quản lý thị trường tổ chức phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện sách giáo khoa và đồ dùng học tập' tại 62 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm từ nay đến hết 24/8/2024.

Có mặt tại phòng trưng bày mới thấy nếu không có mẫu vật so sánh, có lẽ không ai dám chắc cuốn sách đang cầm trên tay là thật hay giả. Sách giả không chỉ là chất lượng giấy hay in ấn kém mà còn có thể nguy hiểm hơn rất nhiều.

PGS.TS Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, cho biết: "Dòng 11 trang 72 vở bài tập toán 5, công thức toán bị đánh sai. Sách thật của chúng tôi là dấu = thì sang sách giả thành dấu +. Như vậy một công thức toán đã bị sai lệch. Trong quá trình họ scan hoặc đánh máy lại sách thật của chúng tôi để in sách giả, sai lệch về kiến thức như thế này rất nghiêm trọng. Đặc biệt là đối với những kiến thức như bản đồ, đường biên giới, biển đảo, lãnh thổ… mà màu sắc, kiến thức bị sai thì chúng ta hình dung xem hậu quả lớn thế nào".

Nhiều sai sót ở các bản in giả.

Nhiều sai sót ở các bản in giả.

Sách và đồ dùng học tập, những vật dụng rất quan trọng cho việc truyền đạt và tiếp nhận kiến thức, chứa đựng bao nhiêu trí tuệ, tâm huyết của tác giả và các nhà xuất bản bị những kẻ không quan tâm đến kiến thức mà chỉ biết đến lợi nhuận tìm mọi cách để sản xuất lậu kiếm tiền. Theo cơ quan chức năng, sự bùng nổ của thương mại điện tử thời gian gần đây cũng đem sách và dụng cụ học tập giả lan xa hơn.

Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục Trưởng Cục Nghiệp vụ - Tổng Cục Quản lý thị trường, đánh giá: "Khi nhìn trên website không thể biết được đây là thật hay giả, chỉ có cầm trên tay giở cuốn sách đó ra mới biết. Hoặc bản đồ cũng chỉ nhìn được một góc, không thể nhìn hết để biết được bản đồ này có phản ánh đúng không, có vi phạm gì không. Đây là khó khăn thách thức không chỉ với QLTT mà với tất cả các cơ quan chức năng. Trước tình hình đó, Tổng cục QLTT đã có những biện pháp song song việc tiến hành xử lý".

Các sản phẩm sách, thiết bị giáo dục bị làm giả rất khó phân biệt.

Các sản phẩm sách, thiết bị giáo dục bị làm giả rất khó phân biệt.

Phòng trưng bày “Nhận diện sách giáo khoa và đồ dùng học tập” chia thành hai khu vực chính, trưng bày gần 100 loại hàng hóa với trên 400 sản phẩm là các loại sách và đồ dùng học tập phổ biến trên thị trường hiện nay. Phần lớn sản phẩm vi phạm được trưng bày do lực lượng QLTT phát hiện, thu giữ khi thực thi công vụ.

Đánh giá về việc trưng bày sách giả, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, cho rằng: "Không chỉ là những khách đến đây tham quan hiểu được, phân biệt được sách thật sách giả, mà những khán giả, độc giả, thính giả của các cơ quan truyền thông báo chí cũng sẽ nâng cao nhận thức về việc phân biệt sách thật, sách giả".

Từ đầu năm tới nay, hàng trăm nghìn xuất bản phẩm giả mạo bao bì, nhãn hàng hóa đã bị phát hiện. Chỉ khi người đọc ý thức được việc mua và đọc sách thật là hành vi văn hóa và tôn trọng pháp luật, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình và cộng đồng, xã hội, thì nạn sách giả, sách lậu mới có thể bị loại bỏ.

Quốc Dũng

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/nhan-dien-sach-giao-khoa-gia-260465.htm