Nhận diện sớm để ngăn chặn các vụ lừa đảo chuyển tiền
Thời gian qua, có nhiều vụ chuyển tiền vào tài khoản cho đối tượng lừa đảo được nhân viên ngân hàng và lực lượng công an kịp thời phát hiện, ngăn chặn vào giờ chót. Những vụ việc xảy ra cũng là lời cảnh báo cho người dân cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo tinh vi của kẻ gian.
“Thót tim” chặn đứng các vụ lừa đảo
Theo cơ quan công an, các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến ngày càng phức tạp. Đối tượng lừa đảo phần lớn ở nước ngoài. Khi thực hiện các vụ lừa đảo, kẻ gian sử dụng những tài khoản ngân hàng do người Việt Nam đứng tên hoặc tài khoản đứng tên công ty ở Việt Nam để tiếp nhận nguồn tiền chiếm đoạt được. Sau đó, các đối tượng nhanh chóng chuyển tiền qua nhiều tài khoản khác và chuyển ra nước ngoài, khiến cho việc thu hồi tài sản bị lừa đảo gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc khi người dân chưa bị mất tài sản là rất quan trọng.
Thời gian qua, cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) Công an tỉnh phối hợp với nhân viên MBBank chi nhánh Đồng Nai (phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa) ngăn chặn nhiều vụ chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo. Gần nhất là vụ lực lượng công an và MBBank chi nhánh Đồng Nai ngăn chặn một người dân chuyển 140 triệu đồng cho kẻ gian.
Một cán bộ PA05 Công an tỉnh cho biết, sau khi nhận tin báo từ nhân viên ngân hàng về trường hợp một khách hàng nữ có nhiều dấu hiệu nghi là nạn nhân của tội phạm lừa đảo qua mạng nên đã nhanh chóng đến ngân hàng phối hợp xử lý.
Qua trao đổi, lúc đầu người phụ nữ này cung cấp rất ít thông tin liên quan đến việc chuyển tiền. Đồng thời cho rằng, nếu ngân hàng không “hỗ trợ” chuyển tiền thì tìm đến ngân hàng khác để thực hiện giao dịch. Tuy nhiên, cán bộ công an đã giải thích để người này sớm nhận ra thủ đoạn của tội phạm lừa đảo. Tuy nhiên, cũng phải mất cả giờ thuyết phục người phụ nữ này (tên T.) mới chịu kể ra toàn bộ sự việc và hợp tác với cơ quan chức năng.
Theo đó, bà T. thường lên Facebook xem thông tin và kết bạn làm quen với nhiều người. Cuối tháng 8-2024, bà kết bạn với một người đàn ông ở nước ngoài. Người này hứa hẹn sẽ sớm đến Việt Nam thăm và làm thủ tục ở lại lâu dài với bà T.
Khi tình cảm trở nên “thân thiết” thì người này ngỏ lời mượn tiền bà T. để giải quyết công việc. Tin lời, bà T. đã gom được 140 triệu đồng để gửi cho người này. Đến khi được các cán bộ ngân hàng và công an ngăn cản việc chuyển tiền, bà T. vẫn không tin mình đã bị lừa. Chỉ đến khi các cán bộ công an chỉ ra những điểm bất thường của mối quan hệ này thì bà T. mới tỉnh ngộ và dừng việc chuyển tiền lại.
Một vụ việc khác, cơ quan chức năng đã giúp ngăn chặn kịp thời một trường hợp suýt chuyển 50 ngàn USD cho đối tượng lừa đảo. Bà N.T.N. (70 tuổi, ngụ thành phố Biên Hòa) bị đối tượng lạ gọi điện thông báo có liên quan đến một vụ án ma túy. Bà N. phủ nhận thông tin này thì đối tượng gọi điện yêu cầu bà phải chứng minh bằng cách cung cấp thông tin cá nhân, các nguồn tài sản mà bà đang sở hữu. Khi bà N. cung cấp các thông tin cá nhân của mình thì bất ngờ đối tượng gửi lệnh bắt bà để nhằm uy hiếp và đưa nạn nhân vào sự hoảng loạn.
Theo một cán bộ PA05 Công an tỉnh, khi nắm được thông tin bà N. có nguồn tiền của con gái gửi từ nước ngoài về, đối tượng đã buộc bà phải chuyển tiền vào tài khoản mà đối tượng cung cấp để “phục vụ công tác điều tra”. Quá trình thực hiện kế hoạch lừa đảo, đối tượng liên tục gọi điện yêu cầu bà N. không tiết lộ thông tin cho bất kỳ ai “nếu không muốn vướng vào rắc rối”. Khi biết bà N. báo vụ việc này cho con gái ở nước ngoài, đối tượng lừa đảo đe dọa “sẽ khởi tố” luôn cả người con của bà. Sợ mẹ bị lừa, con gái bà N. gọi điện về cho mẹ để ngăn chặn nhưng bà không nghe máy, mà tiếp tục thực hiện theo các yêu cầu của kẻ gian. Lúc này, con gái bà N. phải tức tốc bay về Việt Nam để ngăn chặn vụ việc, vì đã chuyển về cho mẹ 50 ngàn USD trước đó.
Khi đặt chân đến thành phố Biên Hòa, con gái của bà N. đã liên hệ với ngân hàng và cán bộ PA05 Công an tỉnh trình báo, phối hợp ngăn chặn vụ việc chuyển tiền nói trên thành công.
Để ngăn chặn tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, tại Kỳ họp HĐND tỉnh vào tháng 7-2024, Giám đốc Công an tỉnh, đại tá Nguyễn Hồng Phong đã nêu giải pháp “4 không, 2 phải”: “không sợ, không tham, không kết bạn với người lạ và không chuyển khoản nếu không biết rõ người mà mình đang giao tiếp là ai”. Giải pháp 2 phải là: phải nâng cao cảnh giác và phải trình báo nhanh với cơ quan chức năng khi gặp vụ việc có dấu hiệu lừa đảo.
Kịp thời phát hiện, ngăn các vụ lừa đảo
Theo cơ quan công an, việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn được những vụ chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo là thành công lớn trong việc phòng ngừa tội phạm, nhất là phòng ngừa thiệt hại tài sản cho người dân. Nhưng để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vụ việc này, đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa người bị hại với cơ quan chức năng.
Một cán bộ PA05 Công an tỉnh cho biết, quá trình giải quyết các vụ việc trên cho thấy, các đối tượng lừa đảo đánh vào tâm lý lo sợ của nạn nhân để thực hiện kế hoạch lừa đảo. Ngay cả khi nạn nhân đến các quầy giao dịch ngân hàng để thực hiện bước cuối cùng là chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo mà vẫn còn mang tâm lý sợ hãi. Đây cũng chính là điểm khác biệt để các nhân viên ngân hàng có thể nhận diện trong số khách hàng đâu là nạn nhân của các vụ lừa đảo. Bên cạnh đó, sự nhạy bén, ý thức trách nhiệm của các nhân viên ngân hàng cũng giúp phát hiện sớm các vụ lừa đảo.
Chị Nguyễn Thị Ngọc, nhân viên MBBank chi nhánh Đồng Nai, người đã nhiều lần phát hiện, ngăn chặn thành công các vụ lừa đảo chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng, cho biết việc phát hiện và hỗ trợ khách hàng tránh được những vụ lừa đảo gặp không ít khó khăn. Để nhận ra đâu là những khách hàng “gặp vấn đề” trong số rất nhiều khách hàng đến giao dịch hàng ngày, đòi hỏi các nhân viên giao dịch phải nhạy bén. Tuy nhiên, điều khó khăn không chỉ phát hiện ra các vụ việc, mà còn là việc giải thích, thuyết phục để khách hàng tin tưởng và hợp tác.
Như trường hợp ngăn chặn bà N.T.D. (60 tuổi, ngụ thành phố Biên Hòa) chuyển 180 triệu đồng cho đối tượng lừa đảo vào tháng 5-2024. Chị Ngọc cho biết, trong vụ việc này, chị đã phát hiện ra thái độ bất thường của bà D. ngay khi đến quầy giao dịch. Sau đó, việc cung cấp thông tin bất nhất về đối tượng nhận tiền đã khiến chị khẳng định đó là một vụ lừa đảo. Vụ việc sau đó đã được MBBank chi nhánh Đồng Nai phối hợp với PA05 Công an tỉnh ngăn chặn thành công.
Thời gian tới, MBBank chi nhánh Đồng Nai sẽ tiếp tục phối hợp với lực lượng công an để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ lừa đảo trên không gian mạng. Để phát hiện sớm các vụ việc lừa đảo, các nhân viên ngân hàng phải thường xuyên tuyên truyền cho khách hàng khi đến giao dịch. Bên cạnh đó, phía ngân hàng sẽ chủ động cung cấp thông tin cảnh báo của cơ quan công an cho khách hàng khi đến giao dịch.