Nhận diện thủ đoạn chống phá 'Bộ tứ trụ cột' Nghị quyết của Đảng

Bốn Nghị quyết được xem là 'bộ tứ trụ cột' trong xây dựng và phát triển đất nước đang được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tích cực triển khai thực hiện. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động đã đưa ra những luận điệu suy diễn, bịa đặt, xuyên tạc với mục đích chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp đổi mới ở nước ta.

Ảnh: VGP

Ảnh: VGP

Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành 4 nghị quyết gồm: Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59-NQ/TW về “Hội nhập quốc tế trong tình hình mới”; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.

Bốn Nghị quyết trên được xem là “bộ tứ trụ cột” trong xây dựng và phát triển đất nước đang được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tích cực triển khai thực hiện. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động đã lợi dụng việc Đảng ta ban hành các Nghị quyết trên để đưa ra những luận điệu suy diễn, bịa đặt, xuyên tạc với mục đích chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp đổi mới ở nước ta.

Luận điệu suy diễn, bịa đặt, xuyên tạc chống phá các Nghị quyết “bộ tứ trụ cột” của Đảng

Ngay sau khi Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được triển khai, các thế lực thù địch đã ráo riết đăng tải các bài viết bịa đặt, xuyên tạc. Chúng rêu rao rằng Nghị quyết 57 đặt mục tiêu quá cao, không khả thi, Đảng Cộng sản Việt Nam đang “ngộ nhận”, “tự huyễn hoặc” trong bối cảnh Việt Nam còn hạn chế về hạ tầng công nghệ, từ đó suy diễn Nghị quyết 57 chẳng qua chỉ là “mồi nhử” để “chiêu hiền đãi sĩ”.

Một số trang mạng của các thế lực phản động đăng tải những suy diễn cực đoan, thậm chí xuyên tạc trắng trợn rằng với Nghị quyết số 59-NQ/TW, Việt Nam đang từ bỏ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, “ngả về phương Tây”, “bản sắc xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đang dần phai nhạt”.

Một số tài khoản YouTube và TikTok đã lan truyền thông tin sai lệch rằng Nghị quyết 66 NQ/TW “tạo rào cản kinh doanh”, “không phù hợp với tiến bộ xã hội”.

Các tổ chức phản động lưu vong, phần tử cơ hội chính trị, chống đối tạo ra các diễn đàn mạng, tung ra những luận điệu xuyên tạc, bóp méo bản chất của mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; chúng rêu rao rằng việc khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân là đang “chuyển đổi sang nền kinh tế tư bản dưới vỏ bọc xã hội chủ nghĩa”, “thừa nhận bóc lột”, là sự lật đổ chính sách, “bất nhất” với quan điểm của Đảng; sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân làm suy yếu vai trò của kinh tế nhà nước và tập thể, dẫn đến bất bình đẳng xã hội và mất kiểm soát tài nguyên quốc gia. Những luận điệu này không chỉ cố tình bóp méo tư duy đổi mới của Đảng, phủ nhận thành quả của mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, gây hoài nghi trong dư luận mà còn nhằm phá hoại niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Khoa học và Công nghệ - Đột phá chiến lược đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững

Trong gần 40 năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, khoa học và công nghệ có những bước tiến quan trọng về mọi mặt, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về lúa gạo và một số mặt hàng nông sản, thủy sản chủ lực. Nhân tố khoa học và công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.

Số lượng công bố quốc tế của các nhà khoa học Việt Nam tăng trung bình 26% mỗi năm, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam xếp hạng thứ 56 trong bảng xếp hạng Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam có ba chỉ số đứng đầu thế giới, trong đó lần đầu tiên có Chỉ số xuất khẩu hàng hóa sáng tạo. Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA đã hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về trí tuệ nhân tạo của NVIDIA và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam.

Những thành tựu đó đã đóng góp thiết thực cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, thúc đẩy năng suất, chất lượng và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, giữ vững quốc phòng và an ninh quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân, tạo nên thế và lực mới cho đất nước.

Nghị quyết 57-NQ/TW ra đời tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng ta đối với sự phát triển của khoa học, công nghệ, xem đây đột phá chiến lược, là bệ đỡ, bệ phóng để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới.

Nghị quyết 59-NQ/TW - Hội nhập để mở rộng không gian phát triển, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong tình hình mới

Từ một đất nước bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, Đảng ta chủ trương hội nhập với thế giới để tái thiết đất nước, thu hút đầu tư, tiếp thu công nghệ, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong gần 40 năm đổi mới, từ một đất nước bị bao vây, cô lập, trình độ phát triển thấp, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia trên thế giới, thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 34 quốc gia, bao gồm tất cả các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức quốc tế và khu vực, là một trong 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất toàn cầu, và thuộc nhóm 10 quốc gia có lượng kiều hối cao nhất thế giới. Quy mô kinh tế của nước ta đã tăng gần 100 lần so với năm 1986, thu nhập bình quân đầu người từ dưới 100 USD đã tăng lên gần 5.000 USD. Với việc ký kết và thực hiện 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam đã gắn kết kinh tế với hơn 60 nền kinh tế chủ chốt, tham gia sâu vào các chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Những con số ấn tượng trên minh chứng, khẳng định việc hội nhập quốc tế của Đảng ta là đúng đắn, mang ý nghĩa thời đại, tạo thế và lực đưa đất nước phát triển nhanh.

Hiện nay, thế giới đang biến chuyển hết sức nhanh chóng, phức tạp và khó lường, đặt ra nhiều thách thức cho đất nước. Trước bối cảnh đó, Nghị quyết 59-NQ/TW là “quyết sách đột phá", thể hiện bước ngoặt tư duy lớn của Đảng ta, khi lần đầu tiên hội nhập quốc tế được xác lập là một động lực chiến lược, có vai trò quyết định trong việc đưa đất nước vươn tới tầm cao mới. Nghị quyết đã định vị lại vai trò hội nhập quốc tế từ hình thức đối ngoại sang một chiến lược tổng thể, bao trùm lên mọi lĩnh vực - từ kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục đến khoa học, quốc phòng, công nghệ và môi trường. Nghị quyết là sự tiếp nối, sự kết tinh sâu sắc giữa tư duy lý luận sắc bén và tầm nhìn chiến lược toàn diện, đánh dấu sự nâng tầm nhận thức lý luận của Đảng ta về hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới.

Nghị quyết 66-NQ/TW - thúc đẩy quá trình đổi mới thể chế và pháp luật

Trong quá trình đổi mới, cải cách, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm, nỗ lực, ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; xác định thể chế, pháp luật có chất lượng, phù hợp với yêu cầu phát triển của thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân là yếu tố hàng đầu quyết định thành công của mỗi quốc gia. Do đó, dứt khoát nói “không” với bất cứ hạn chế, bất cập nào trong thể chế, pháp luật, trong thiết kế chính sách, soạn thảo pháp luật, hay tổ chức thực thi. Những năm gần đây, Quốc hội đã thông qua một khối lượng rất lớn các luật quan trọng như: Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Cư trú năm 2020, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản... Các quyền con người, quyền công dân theo hiến định tiếp tục được cụ thể hóa bằng pháp luật và thực hiện tốt hơn trên thực tế. Trên phương diện quốc tế, Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia các cơ chế toàn cầu và khu vực về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập các công ước quốc tế chủ chốt ở mọi lĩnh vực.

Kinh nghiệm thực tiễn ở cả Việt Nam và các nước cho thấy, hoàn thiện thể chế, pháp luật chính là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Trong bài viết: “Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình", Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định vai trò then chốt của thể chế và pháp luật trong tiến trình phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, phải tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật một cách đồng bộ, công khai, minh bạch...

Đất nước ta đang bước vào một kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ, không thể để một cơ thể cường tráng lớn lên trong một bộ quần áo thể chế quá chật chội. Trong bối cảnh nền kinh tế cần bứt phá, khoa học công nghệ phát triển nhanh, yêu cầu cải cách thể chế càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết; cần giải phóng các “điểm nghẽn” có nguyên nhân từ quy định pháp luật, bởi thời gian cộng với thể chế tốt chính là nguồn lực vô giá cho phát triển đất nước trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số hiện nay.

Vì vậy, cần khẳng định Nghị quyết 66-NQ/TW là kim chỉ nam hành động để bộ máy từ Trung ương đến địa phương hiện thực hóa khát vọng vươn mình của dân tộc, vì mục tiêu xây dựng một hệ thống pháp luật Việt Nam dân chủ, công bằng, đồng bộ, công khai, minh bạch, khả thi trong kỷ nguyên mới. Đây là minh chứng sinh động để phủ nhận, phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch bịa đặt “Pháp luật Việt Nam, một bước lùi đối với tiến bộ xã hội”.

Kinh tế tư nhân - Động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Kinh tế tư nhân bắt đầu được thừa nhận chính thức từ Đại hội VI (1986), khi Đảng khẳng định: “Cần sửa đổi, bổ sung và công bố rộng rãi chính sách nhất quán đối với các thành phần kinh tế..., sử dụng mọi khả năng của các thành phần kinh tế khác trong sự liên kết chặt chẽ và dưới sự chỉ đạo của thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa”. Trong công cuộc đổi mới, kinh tế tư nhân từng bước được nhìn nhận là một thành phần quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ta nhấn mạnh: Kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, Đảng đặt mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60-65%. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự nhất quán trong đường lối của Đảng nhằm phát triển kinh tế tư nhân trở thành “một động lực quan trọng” thúc đẩy tăng trưởng bền vững và nâng cao đời sống Nhân dân.

Sau gần 40 năm đổi mới đất nước, kinh tế tư nhân không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khu vực kinh tế tư nhân có hơn 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động. Thực tế, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã mạnh dạn đầu tư vào các dự án lớn như hạ tầng giao thông, đường cao tốc, sân bay mà không sử dụng ngân sách nhà nước. Những số liệu thuyết phục này cho thấy rõ việc phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam không phải là sự phủ nhận định hướng xã hội chủ nghĩa, mà là công cụ để huy động nguồn lực xã hội, phục vụ mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Trong bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, không chỉ đóng góp lớn vào GDP và tạo việc làm mà còn là lực lượng tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và ứng dụng công nghệ cao. Từ đó, Tổng Bí thư yêu cầu xóa bỏ mọi rào cản, định kiến đối với kinh tế tư nhân, xây dựng các chính sách hỗ trợ toàn diện để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển.

Hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, dân số già hóa nhanh chóng và áp lực từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong bối cảnh đó, kinh tế tư nhân được xác định là động lực quan trọng hàng đầu để thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết 68-NQ/TW đặt kinh tế tư nhân vào vị trí trung tâm là bước ngoặt chiến lược, giúp khơi thông nguồn lực xã hội và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Với “bộ tứ trụ cột” - Nghị quyết 57 tạo nền tảng công nghệ, Nghị quyết 59 mở rộng không gian hội nhập, Nghị quyết 66 cung cấp hành lang pháp lý và Nghị quyết 68 khơi dậy nguồn lực tư nhân - tất cả cùng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, đồng thời thể hiện tư duy đổi mới, tầm nhìn xa và khát vọng vươn mình của dân tộc Việt Nam. Trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân cần tỉnh táo nhận diện, kiên quyết đấu tranh và phản bác bằng những lập luận xác đáng, dựa trên thực tiễn và thành tựu đổi mới của đất nước, góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Đỗ Duy Đông (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nhan-dien-thu-doan-chong-pha-bo-tu-tru-cot-nghi-quyet-cua-dang-254322.htm