Phó Thủ tướng: Sớm hoàn thiện Nghị quyết về đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tại cuộc họp chiều 8/7 về dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị liên quan đến đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long chủ trì cuộc họp về dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Ảnh: VGP/Đức Tuân.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long chủ trì cuộc họp về dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Ảnh: VGP/Đức Tuân.

Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương, các bệnh viện, tập đoàn y tế và đại diện các tổ chức quốc tế.

Định hướng thảo luận, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, thời gian qua, Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng có nhiều văn bản liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Do đó, việc xây dựng Nghị quyết mới của Bộ Chính trị cần lý giải rõ nội dung có gì mới, khác biệt, cụ thể hơn so với các văn bản trước đây, qua đó khẳng định tính cấp thiết của việc ban hành nghị quyết này.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị phải lý giải bằng được nội dung có gì mới, có gì khác một cách cụ thể hơn. Ảnh: VGP/Đức Tuân.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị phải lý giải bằng được nội dung có gì mới, có gì khác một cách cụ thể hơn. Ảnh: VGP/Đức Tuân.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu của Tổng Bí thư về dự thảo Nghị quyết phải đáp ứng các tiêu chí: mang tính chiến lược, tính hành động, tính đột phá và bảo đảm khả thi.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết: Trước bối cảnh kỷ nguyên mới – với hội nhập quốc tế sâu rộng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, biến đổi khí hậu, cùng những thay đổi sâu sắc trong mô hình bệnh tật – công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đang đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có.

Đó là gánh nặng kép bệnh tật, sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm, tình trạng già hóa dân số, cũng như yêu cầu ngày càng cao của người dân về chất lượng dịch vụ y tế. Bên cạnh đó, những "điểm nghẽn", "nút thắt" về thể chế, cơ chế tài chính, nguồn nhân lực, năng lực y tế cơ sở, tự chủ trong cung ứng thuốc và trang thiết bị... vẫn là rào cản lớn. Thực tiễn đòi hỏi cần có tư duy mới, cách làm mới và những giải pháp mang tính đột phá.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Đức Tuân.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Đức Tuân.

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Nghị quyết mới không thay thế các nghị quyết, chỉ thị, kết luận trước đây, mà tập trung giải quyết các vấn đề mới, vấn đề lớn, các điểm nghẽn, nút thắt; xác định rõ mục tiêu, lộ trình, trách nhiệm cụ thể trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhằm tạo đột phá trong công tác này, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới".

Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Nghị quyết là: Giai đoạn 2025–2030: mỗi năm sẽ tăng cường ít nhất 1.000 bác sĩ về làm việc có thời hạn tại y tế cơ sở; giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho chăm sóc y tế xuống còn 30%; từ năm 2026, mỗi người dân được khám sức khỏe định kỳ hoặc khám sàng lọc miễn phí ít nhất 1 lần/năm theo chỉ định chuyên môn; được lập hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý sức khỏe theo vòng đời...

Tại cuộc họp, các đại biểu cũng góp ý về việc xây dựng các trung tâm y tế chuyên sâu, phát triển đào tạo bác sĩ nội trú, thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân trong lĩnh vực y tế, bảo đảm nguồn nhân lực cho hệ thống y tế…

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long khẳng định, các ý kiến đều thống nhất với phần lớn nội dung của dự thảo Nghị quyết, tập trung góp ý vào các vấn đề cụ thể. Bộ Y tế cần tiếp tục tiếp thu, chắt lọc các ý kiến, sớm hoàn thiện dự thảo để trình Bộ Chính trị.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế tập trung làm rõ và nhấn mạnh hơn nội dung về chính sách dân số và chăm sóc sức khỏe con người. Đồng thời, cần nghiên cứu các đột phá về đầu tư, cơ sở vật chất, trang thiết bị, chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ với cán bộ y tế, kèm theo số liệu cụ thể. Ngoài ra, cần có đề xuất mô hình tổ chức bộ máy y tế địa phương theo hướng tinh gọn, bỏ khâu trung gian, hướng đến mô hình 2 cấp.

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/pho-thu-tuong-som-hoan-thien-nghi-quyet-ve-dot-pha-trong-cong-tac-cham-soc-suc-khoe-nhan-dan-169250708190737006.htm