Nhận diện thực phẩm bẩn hoành hành dịp cận Tết
Khi mua thực phẩm, người dùng không nên quá phụ thuộc vào tem mác (vì tem mác giả rất nhiều), đương nhiên sản phẩm không có tem mác thì tuyệt đối không mua. Ngoài ra, cần nói không với tất cả thực phẩm có dấu hiệu lạ.
Liên tiếp các vụ thực phẩm bẩn bị phanh phui
Thời gian gần đây lực lượng chức năng các địa phương đã liên tiếp bắt giữ các vụ vận chuyển, tiêu thụ hàng tấn thực phẩm "bẩn", xử phạt hàng chục triệu đồng. Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Sơn La vừa phối hợp với Đội CSĐTTP về Kinh tế - Ma túy (Công an huyện Mai Sơn) kịp thời ngăn chặn và xử lý đối tượng vận chuyển hơn 1 tấn sản phẩm động vật đã đổi màu, bốc mùi hôi thối, có hiện tượng phân hủy không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm để kinh doanh, với tổng số tiền phạt và tiêu hủy trên 38 triệu đồng.
Chiều ngày 16/12/2023, Đội Cảnh sát Kinh tế Công an quận Bắc Từ Liêm đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 22, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội kiểm tra kho hàng thực phẩm đông lạnh trên địa bàn Tổ dân phố Trung 5, phố Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm. Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác liên ngành phát hiện trong kho hàng chứa khoảng hơn 1 tấn thực phẩm bẩn gồm chân gà, tràng lợn, trứng non, lòng lợn, lườn ngỗng. Chủ kho hàng là Đ.H.T (SN 1987) trú tại xã Nam Thanh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đã không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa.
Càng sát Tết Nguyên đán, tình trạng thực phẩm bẩn càng gia tăng, làm thế nào để lựa chọn đúng thực phẩm an toàn cho sức khỏe gia đình là bài toán khó. Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Tư vấn Nông nghiệp Nhiệt đới cho biết, khi mua thực phẩm, người dùng không nên quá phụ thuộc vào tem mác (vì tem mác giả rất nhiều), dù sản phẩm không có tem mác thì tuyệt đối không mua.
Với những loại thực phẩm được đóng gói sẵn, phải kiểm tra sản phẩm bên trong có còn nguyên vẹn hay không. Nhãn mác phải thể hiện đúng thông tin của sản phẩm, nhà sản xuất, ngày sản xuất, lô sản xuất, hướng dẫn sử dụng, thành phần cấu tạo chính của sản phẩm và đặc biệt phải có ngày sản xuất và ngày hết hạn. Đối với các sản phẩm chế biến sẵn nên chú ý nên thành phần phụ gia và các chất bảo quản sử dụng để bảo vệ sức khỏe gia đình được an toàn nhất.
Nên chọn những loại thịt có màu sắc đỏ sẫm hay đỏ tươi, vết cắt của thịt phải bình thường và khô ráo. Chúng ta nên tránh những loại thịt có màu hơi thâm, đen, xanh nhạt hay có màng nhầy ở phía bên ngoài. Tuyệt đối không nên mua những loại thịt có mùi lạ, mùi ôi thiu hay mùi kháng sinh bất thường.
Đối với các loại rau củ quả tươi ngon, giàu vitamin thì cách chọn thực phẩm sạch và an toàn nhất là quan sát bên ngoài bằng mắt. Nên chọn rau củ quả tươi, còn nguyên cuống, không bị tình trạng dập nát, bị sâu hay đốm lạ. Không nên mua rau đã bị dập, héo úa, có mùi lạ hay có có kích thước bên ngoài khá bất thường. Khi chọn rau trong siêu thị thì nên chú ý đến nơi sản xuất và độ tươi của rau, còn khi mua ở chợ nên quan sát và chọn lựa thật kỹ các loại rau này. Dù mua ở siêu thị hay chợ trước khi chế biến cũng nên ngâm với nước muối để tránh bị thuốc hay phân bón.
Để mua các loại cá tươi ngon chúng ta nên chọn những con cá đang còn sống và thở trong chậu hay bể. Nên chọn những con khỏe và còn nguyên vảy, còn nếu không còn sống thì cá và hải sản phải được bảo quản trong đá lạnh. Tránh mua các loại cá bị ươn hay có mùi lạ.
Cách nhận biết thực phẩm bẩn
Theo chuyên gia, có thể nhận biết được các dấu hiệu của thực phẩm bẩn. Đối với các loại ngũ cốc hoặc thực phẩm khô khác khi đã thấy bị mốc thì chúng ta không nên mua bởi thực phẩm mốc có thể chứa một số loại vi khuẩn có thể gây nên bệnh ung thư và ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Nhất là trong những loại ngũ cốc có dầu, khi bị mốc có thể sản sinh ra nấm aflatoxin, loại nấm này có nguy cơ gây bệnh ung thư gan cho người dùng. Vì thế nguyên tắc lựa chọn thực phẩm an toàn đầu tiên là bỏ qua những loại thực phẩm khô đã bị mốc.
Đối với những loại thực phẩm đóng hộp hay có bao bì thì nên chú ý đến nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm. Với những loại thực phẩm không có nguồn gốc rõ ràng thì chúng ta không nên mua và sử dụng chúng. Đặc biệt cũng nên quan tâm đến thành phần các loại chất bảo quản thực phẩm và phụ gia bên trong sản phẩm chế biến sẵn để tránh tình trạng dị ứng với cơ thể. Những loại rau củ quả có mùi lạ thì đây có thể là mùi của loại thuốc trừ sâu. Chính vì thế nếu rau quả có tình trạng bị mùi lạ khó chịu thì cũng không nên mua những loại thực phẩm này. Nên chọn rau quả tươi, không có mùi lạ.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), càng cận Tết, người tiêu dùng càng cần cần cẩn thận hơn khi mua và sử dụng thực phẩm. Với những loại có bao bì đóng gói thì phải có nhãn mác, hạn sử dụng. Nếu sản phẩm không có thông tin này thì không nên mua vì khi xảy ra sự cố không ai chịu trách nhiệm. Người Việt hay có thói quen mua thực phẩm đóng gói để biếu tặng, thắp hương, để dành chờ dịp đông đủ mới lấy ra ăn mà không để ý hạn sử dụng cũng như điều kiện bảo quản. Điều này dẫn đến nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
"Đối với thức ăn ở hàng quán, đơn giản nhất theo ông bà đã dạy đó là "nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm" - nên chọn quán ăn sạch sẽ, người bán trong trang phục tinh tươm, tránh những quán ăn bẩn thỉu. Những quán ăn quá đông khách cũng nên dè chừng bởi khi quá tải rất khó kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm; còn quán ế khách rất dễ bán đồ thừa, kém chất lượng. An toàn nhất là tự chế biến thực phẩm tại nhà. Nếu đi ăn hàng quán, nên chọn nơi có địa chỉ uy tín", PGS.TS Thịnh nói.
Chuyên gia khuyến cáo, hiện nay, thực phẩm trên thị trường rất đa dạng, phong phú, vào ngày mùng 1-2 Tết, các cơ sở kinh doanh đã có thực phẩm tươi sống để bán nên không nhất thiết phải tích trữ thực phẩm. Chúng ta xác định Tết Nguyên đán là thời điểm 'chơi Tết', nghỉ xuân, không còn 'ăn Tết' như thời bao cấp, vì vậy cần tránh việc tích trữ quá nhiều thực phẩm vừa mất dinh dưỡng, vừa gia tăng nguy cơ ngộ độc.