Nhận diện tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ câu chuyện sách giáo khoa

Nhận diện tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường và từ câu chuyện sách giáo khoa là đóng góp từ một số đại biểu liên quan đến nội dung về thực hành tiết, tiết kiệm chống lãng phí được thảo luận tại hội trường chiều 2/6.

Đề cập đến vấn đề chống lãng phí trong câu chuyện về sách giáo khoa, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, quá trình xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa hay vấn đề giấy mực đã đẩy giá sách giáo khoa tăng lên. Ngoài ra, còn có một nguyên nhân nữa là số đầu sách trong từng bộ sách tăng hơn rất nhiều so với bộ sách cũ.

Bà NGUYỄN THỊ MAI HOA - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: “Đối với các gia đình có nguồn thu nhập thấp thì việc mỗi năm học đến cần chi phí cho con em đi học là một gánh nặng. Điều đó đã được phản ánh rất nhiều. Vì vậy, việc tuyên truyền cũng như có những giải pháp để tăng cường ý thức tiết kiệm, chống lãng phí trong việc mua sắm sách giáo khoa là một trong những giải pháp cần làm. Cụ thể của nguyên nhân khiến giá sách giáo khoa của các lớp tăng từ 2 đến 4 lần không phải chỉ vì chi phí tăng trên từng đầu sách mà là do số lượng đầu sách. Đề nghị Bộ Giáo dục Đào tạo quy định sách nào là sách giáo khoa bắt buộc phải mua, sách nào là sách tham khảo".

Đại biểu Lưu Bá Mạc bày tỏ đồng tình về vấn đề này và cho rằng, các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản triển khai và thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tuy nhiên, đại biểu kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung này vào trong giảng dạy.

Ông LƯU BÁ MẠC - Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn: “Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp để đưa nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào giảng dạy hoặc tích hợp vào tiết học một cách phù hợp trong các hoạt động trải nghiệm, chương trình ngoại khóa tại các cơ sở giáo dục và đào tạo. Nội dung này cũng nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho các đối tượng là các em học sinh, sinh viên và giải pháp này có thể góp phần xây dựng được văn hóa về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong xã hội trong tương lai gần”.

Ông NGÔ TRUNG THÀNH - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk:“Cần đề ra giải pháp hiệu quả để giáo dục, rèn luyện và xây dựng ý thức tiết kiệm chống lãng phí cho mọi người, cán bộ công chức. Chúng ta không thể thực hiện tốt được công tác Thực hiện tiết kiệm chống lãng phí khi mà chỉ hô hào như vậy, trong khi ngay từ trên ghế nhà trường, các em học sinh dường như đã thực hiện điều ngược lại".

Để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt hiệu quả cao, đại biểu đề nghị cần quán triệt sâu sắc, hiệu quả hơn nữa để việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ăn sâu vào ý thức, trở thành suy nghĩ thường trực trong mỗi việc làm hằng ngày của đảng viên, cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu. Cần phát huy hơn nữa vai trò giám sát của nhân dân, phải tạo cơ chế thuận lợi hơn nữa để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp nhân dân tham gia giám sát hiệu quả.

Thực hiện : Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/lang-phi-va-cau-chuyen-sach-giao-khoa-cua-nganh-giao-duc