Nhận diện tiêu dùng Trung Quốc sau cú 'bốc hơi' 55 tỷ USD của PDD Holdings
PDD Holdings, một trong những điểm sáng còn lại trong bức tranh tiêu dùng Trung Quốc, đang trở nên mờ nhạt bởi nền kinh tế chững lại đã ảnh hưởng đến cả nhu cầu những mặt hàng dễ tiếp cận nhất.
"Suy giảm tiêu dùng là vấn đề lớn"
Trong cảnh báo mới nhất gửi đến thị trường, PDD Holdings - chủ sở hữu nền tảng mua sắm trực tuyến Temu - đã khiến các nhà đầu tư ngạc nhiên khi đưa ra triển vọng kinh doanh u ám bất thường.
Trong cuộc họp công bố lợi nhuận vào ngày 26/8, giám đốc điều hành Chen Lei đã đề cập ít nhất 8 lần rằng doanh thu và lợi nhuận sụt giảm là điều "không thể tránh khỏi" khi tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Ông Chen phân trần với các nhà phân tích rằng: "Chúng tôi đang thấy nhiều thách thức mới ở phía trước, từ nhu cầu tiêu dùng thay đổi, cạnh tranh ngày càng gay gắt và sự bất ổn trong môi trường toàn cầu".
Giám đốc điều hành PDD Holdings và các phó tướng đã thận trọng cho biết họ vẫn kỳ vọng vào sức tiêu dùng của thị trường Trung Quốc trong dài hạn bởi đây là một ưu tiên lớn của Bắc Kinh trong việc tái cân bằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Sau công bố triển vọng kinh doanh gây thất vọng, cổ phiếu PDD đã "bốc hơi" 29%, mức giảm mạnh nhất được ghi nhận, đồng nghĩa rằng vốn hóa thị trường của nhà bán lẻ trực tuyến Trung Quốc bị thổi bay 55 tỷ USD. Tương tự, cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông của hai đối thủ cạnh tranh là Alibaba và JD.com cũng "đỏ lửa" với mức giảm 5%.
Cảnh báo triển vọng không mấy sáng sủa của PDD đã khiến các nhà đầu tư sửng sốt vì nhà bán lẻ trực tuyến này lâu nay ghi điểm nhờ chiến lược giá thấp áp dụng cho nền tảng mua sắm nội địa Pinduoduo và nền tảng Temu cho thị trường nước ngoài, nhằm thu hút những người mua sắm thận trọng với giá cao ở thời điểm kinh tế biến động chưa từng có.
Kết quả kinh doanh của PDD củng cố thêm về bức tranh tiêu dùng ảm đạm của thị trường Trung Quốc. Trước đó, chuỗi thức ăn nhanh Din Tai Fung - một trong những thương hiệu nhà hàng phổ biến nhất Trung Quốc - tuyên bố rằng họ sẽ đóng cửa hơn 10 cửa hàng; còn Starbucks cho biết doanh thu tại Trung Quốc của họ lao dốc 14% trong quý II/2024.
Ông Joshua Crabb, giám đốc thị trường vốn khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại công ty quản lý tài sản Robeco Hong Kong, cho rằng: "Sự suy giảm trong tiêu dùng Trung Quốc là vấn đề lớn".
Xu hướng tiêu dùng đã thay đổi
Trong khi Starbucks và Din Tai Fung từ lâu đã vật lộn kinh doanh trong bối cảnh tâm lý thị trường bất ổn, thì triển vọng kinh doanh của PDD rất đáng ngạc nhiên vì nó đã tổng hợp và phân tích xu hướng tiêu dùng Trung Quốc trong nhiều năm qua, trong đó có việc từ chối các mặt hàng xa xỉ để tìm đến các lựa chọn thay thế cấp thấp hơn.
Theo Bloomberg, tiêu dùng - động lực chính của nền kinh tế Trung Quốc - đã suy yếu trong năm nay sau khi phục hồi từ đại dịch Covid-19 vào năm ngoái. Trong bối cảnh cắt giảm việc làm và tiền lương trên diện rộng cùng với giá bất động sản lao dốc, người tiêu dùng Trung Quốc đã trở nên thận trọng hơn trong chi tiêu, dẫn đến cuộc chiến giá cả khốc liệt ở nhiều ngành hàng/lĩnh vực, trong đó có ô tô.
Doanh số bán lẻ tại Trung Quốc chỉ tăng hơn 3% trong 7 tháng đầu năm 2024, một con số gây thất vọng so với mức tăng trưởng hơn 8% trong giai đoạn trước đại dịch Covid-19.
Bloomberg dẫn kết quả khảo sát được ngân hàng trung ương được thực hiện vào quý II/2024 cho hay, niềm tin của người dân Trung Quốc về thu nhập trong tương lai đã giảm xuống mức tồi tệ nhất kể từ cuối năm 2022, một trong những giai đoạn phong tỏa chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt nhất.
Gần một nửa số người được khảo sát phàn nàn về tình hình việc làm "tồi tệ và khó khăn" và tỷ lệ thất nghiệp lên cao nhất kể từ cuối năm 2022.
Giám đốc điều hành PDD cho biết, đã có một sự thay đổi căn bản trong hành vi của người tiêu dùng Trung Quốc. "Người tiêu dùng đang đưa ra quyết định sáng suốt hơn để cân bằng giữa chất lượng và giá trị", ông Lei nói. "Để ứng phó, chúng tôi đã hợp tác với các thương hiệu và nhà sản xuất chất lượng cao để tạo ra các sản phẩm tùy chỉnh đáp ứng những nhu cầu đa dạng này".
Trong mắt một số nhà đầu tư, các nhà điều hành PDD chỉ đang cố gắng kiềm chế kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ. Trước đó, Phố Wall đã đặt cược doanh thu của PDD tăng gần gấp đôi trong quý II năm nay và kết quả là doanh thu của nhà bán lẻ trực tuyến này đã tăng 86%.
Kết quả kinh doanh của PDD "hàm ý về mức tiêu dùng yếu và cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, quan điểm của các nhà quản lý công ty này về lợi nhuận dài hạn đang giảm là quá bảo thủ", hai nhà phân tích Eddy Wang và Kathy Zhu của Morgan Stanley, bình luận.
Hiện tại, nhiều nhà đầu tư vẫn hy vọng PDD sẽ tăng trưởng vượt trội hơn các đối thủ trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động. "Chúng tôi tin rằng PDD là công ty thương mại điện tử Trung Quốc duy nhất có thể vượt trội hơn tốc độ tăng trưởng của ngành", hai nhà phân tích của Morgan Stanley nhấn mạnh.