Nhận diện và đấu tranh với âm mưu phân biệt vùng miền khi sáp nhập tỉnh

BHG - Tên làng, xã, tỉnh không chỉ đơn thuần là một danh xưng hành chính mà còn mang trong mình chiều sâu văn hóa, lịch sử và bản sắc dân tộc. Mỗi cái tên thường gắn liền với một sự kiện, địa danh, con người hay đặc điểm tự nhiên đặc trưng của vùng đất đó. Qua tên gọi, người ta có thể phần nào hiểu được cội nguồn, quá trình hình thành và phát triển của một cộng đồng cư dân.

Trong tiến trình xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển đất nước theo hướng bền vững, việc tổ chức lại đơn vị hành chính, trong đó có sáp nhập các tỉnh, thành phố là một bước đi cần thiết và mang tính chiến lược lâu dài. Tuy nhiên, song hành với quá trình cải cách hành chính đó là sự xuất hiện của nhiều luận điệu xuyên tạc, mang tính chia rẽ, kích động kỳ thị và phân biệt vùng miền. Những âm mưu này không chỉ nhằm gây hoang mang trong dư luận mà còn đe dọa đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc – nền tảng vững chắc cho sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Những chiêu bài quen thuộc của các thế lực thù địch là lợi dụng sự khác biệt về văn hóa, phong tục, ngôn ngữ, trình độ phát triển giữa các địa phương để dựng lên luận điệu phân biệt vùng miền. Khi có thông tin sáp nhập tỉnh, thành phố, chúng lợi dụng tâm lý hoài nghi, e ngại của một bộ phận người dân để gieo rắc sự chia rẽ thông qua việc tạo ra sự so sánh giữa hai địa phương sắp sáp nhập, từ dân trí, văn hóa, lịch sử cho đến trình độ quản lý và phát triển kinh tế, rồi quy chụp giá trị của địa phương này cao hơn địa phương kia. Chúng thêu dệt rằng việc sáp nhập là để “xóa tên” một địa phương có bề dày lịch sử, nhằm “áp đặt” văn hóa của vùng khác, làm mất đi bản sắc, truyền thống địa phương. Những luận điệu như “tỉnh A sẽ mất bản sắc vì bị tỉnh B nuốt chửng” hay “người tỉnh này sẽ bị xem thường khi chung một đơn vị hành chính với tỉnh khác”. Một số đối tượng lợi dụng tinh thần yêu quê hương theo hướng tiêu cực, làm thơ, vè biến thành sự bài xích, kỳ thị người nơi khác, kỳ thị vùng miền với nội dung như “Cùng một tỉnh mà khác tình”, “Giọng quê tôi – Giọng quê anh”, “Một tỉnh hai lòng”… đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội, tạo ra tâm lý khép kín, cục bộ, phản đối việc sáp nhập.

Tất cả những hành động đó đều nằm trong âm mưu “diễn biến hòa bình”, sử dụng các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội để làm xói mòn niềm tin của Nhân dân vào chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Nếu các âm mưu chia rẽ, kích động kỳ thị vùng miền không được kịp thời phát hiện và xử lý, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng: Làm suy yếu khối đại đoàn kết dân tộc, làm mất đi tính thống nhất trong hành động và tư tưởng; những xung đột trên mạng có thể lan rộng ra ngoài đời thực, tạo ra các vụ việc gây rối trật tự công cộng, làm chậm trễ tiến độ thực hiện chủ trương sáp nhập.

Để nhận diện và đấu tranh với âm mưu kỳ thị, phân biệt vùng miền khi tổ chức sáp nhập tỉnh, thành phố, thiết nghĩ các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần chủ động tuyên truyền, giải thích rõ ràng, minh bạch về mục tiêu, lộ trình, lợi ích của việc sáp nhập, giúp người dân hiểu đúng và ủng hộ chủ trương này. Cùng đó là đẩy mạnh giáo dục về tinh thần đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, loại bỏ tư tưởng cục bộ địa phương. Cơ quan chức năng cần làm tốt công tác quản lý, kịp thời xử lý các thông tin giả, xuyên tạc, gây chia rẽ vùng miền. Các cơ quan Tuyên giáo – Dân vận, báo chí truyền thông, thành viên Ban Chỉ đạo 35 từ Trung ương đến địa phương cần đi đầu trong việc vạch trần các âm mưu chia rẽ, thông qua các bài viết phân tích, phản biện có chiều sâu; xây dựng các kênh thông tin chính thống, đa dạng hình thức để định hướng dư luận xã hội một cách hiệu quả. Đặc biệt, khi triển khai chủ trương sáp nhập, cần tổ chức nhiều cuộc đối thoại công khai, minh bạch với sự tham gia của người dân, chuyên gia và chính quyền. Qua đó, tiếp nhận ý kiến đóng góp xây dựng, đồng thời giải tỏa tâm lý lo ngại, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Cần xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng tình hình để tuyên truyền thông tin sai lệch, kích động thù hằn vùng miền, chia rẽ dân tộc, qua đó không chỉ có tác dụng răn đe mà còn củng cố niềm tin của Nhân dân vào pháp luật và sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Việc tổ chức lại đơn vị hành chính là một chủ trương lớn, đúng đắn, xuất phát từ yêu cầu phát triển đất nước bền vững và toàn diện. Tuy nhiên, để nhận diện và kiên quyết đấu tranh với các âm mưu lợi dụng sự sáp nhập tỉnh, thành phố để kích động kỳ thị, phân biệt vùng miền là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, cảnh giác với các thông tin độc hại, đồng thời phát huy tinh thần đoàn kết, yêu nước, hướng tới mục tiêu chung là xây dựng một đất nước giàu mạnh, văn minh, công bằng, dân chủ. Đoàn kết các vùng miền không chỉ là biểu hiện của bản sắc dân tộc mà còn là điều kiện tiên quyết để Việt Nam vững bước trên con đường phát triển và hội nhập quốc tế.

MINH KHAI

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202505/nhan-dien-va-dau-tranh-voi-am-muu-phan-biet-vung-mien-khi-sap-nhap-tinh-4781afd/