Nhận diện và phát huy giá trị Di sản ký ức
Sáng 5/11, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và Câu lạc bộ Phụ nữ với Di sản văn hóa, cùng Quỹ Mãi mãi tuổi 20 tổ chức tọa đàm giao lưu với chủ đề 'Di sản ký ức'.
TS Lê Thị Minh Lý, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa chia sẻ: Di sản ký ức là vô cùng quan trọng. “Di sản ký ức không có một cái gì có thể thay thế, ký ức nối tiếp mãi và là điểm tựa cho mỗi con người chúng ta kể cả ký ức vui hay buồn. Đây là một loại hình di sản riêng, nó không phải là vật thể cũng không phải là phi vật thể”- TS Lê Thị Minh Lý nói.
Cũng tại buổi tọa đàm, những khách mời là nhân chứng lịch sử, chủ thể của di sản ký ức đã kể lại một số câu chuyện, hồi ức từ đó chứng minh di sản ký ức có mặt ở khắp mọi nơi, gắn bó mật thiết với đời sống.
Đó là ký ức về sự hy sinh của toàn bộ y bác sỹ, thương bệnh binh Trạm phẫu thuật tiền phương Q21, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước qua chia sẻ của Đại tá Nguyễn Cao Lưu, nguyên Phó Trung đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Trung đoàn 4-Quân khu Trị Thiên, Trưởng ban liên lạc CCB Trung đoàn 4 và o Phạm Thị Đào, nguyên cán bộ địch vận, du kích huyện Quảng Điền, Trưởng ban liên lạc cựu du kích- những nhân chứng của sự kiện lịch sử năm đó.
Thượng tá Lê Vũ Huy, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nói: “Khái niệm Di sản ký ức còn khá mới mẻ. Tuy nhiên những gì thuộc về ký ức thì nó gắn với sự kiện, gắn với lịch sử và gắn với bảo tàng. Khi triển khai những nhiệm vụ chuyên môn của bảo tàng, đặc biệt là công tác sưu tầm thì những người làm công tác bảo tàng đã đi khai thác những nội dung thông tin, truyện kể của mỗi một nhân vật, cựu chiến binh, chủ nhân hiện vật thì đó là ký ức được tập hợp, được ghi lại trao truyền lại cho cán bộ làm công tác bảo tàng. Trên cơ sở đó những người làm công tác bảo tàng sẽ biên tập lại thành những câu truyện hoàn chỉnh thông qua cả những nguồn sử liệu…từ đó có những dữ liệu hoàn chỉnh hơn. Trên cơ sở đó làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục cho công chúng đến tham quan bảo tàng”.
Di sản ký ức không chỉ là câu chuyện của quá khứ, nó còn là thông điệp của cha ông gửi tới thế hệ mai sau. Vì thế di sản ký ức cần được giữ gìn và phát huy giá trị. Xác định bảo tàng là một trong những nơi lưu giữ ký ức, điều này đòi hỏi bảo tàng phải có những thay đổi trong sưu tầm và trưng bày để bảo tàng giới thiệu lịch sử một cách sinh động hơn, như là không gian đầy ắp những ký ức. Không gian đó không chỉ mang đến cho du khách cơ hội học tập, trải nghiệm mà còn tạo sự đồng cảm nhằm chạm đến được cảm xúc của du khách.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nhan-dien-va-phat-huy-gia-tri-di-san-ky-uc-522760.html