Nhận định chứng khoán 20/2: VN-Index tiếp tục đà tăng, hướng về mức 1.245 điểm
Thị trường chứng khoán có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong phiên hôm nay 20/2 và VN-Index hướng về mức 1.245 điểm. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp và thị trường có thể xảy ra nhịp điều chỉnh kỹ thuật, các nhóm cổ phiếu có thể sẽ phân hóa, trong đó nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn có thể sẽ còn điều chỉnh, trong khi đó, dòng tiền có thể tìm kiếm đến các nhóm cổ phiếu khác.
Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 20/2
VN-Index sắp tiệm cận cản mạnh 1.250 điểm
Lực cầu ngắn hạn luân chuyển tốt sau khi thị trường vượt lên trên vùng kháng cự tâm lý mạnh 1.200 điểm với thanh khoản tăng, qua đó giúp VN-Index tiếp tục có phiên giao dịch vượt qua đỉnh giá năm 2018 (1.211 điểm). Kết phiên giao dịch ngày 19/2, VN-Index tăng 15,27 điểm (+1,26%) lên mức 1.224.97 điểm hướng đến vùng giá 1.235 điểm -1.255 điểm tương ứng vùng đỉnh tháng 08 và 09/2023. HNX-Index tăng 0,33 điểm (+0,14%) lên mức 233,37 điểm. Độ rộng duy trì tích cực với 387 mã tăng giá (16 mã tăng trần), 277 mã giảm giá (6 mã giảm sàn) và 148 mã giữ giá tham chiếu.
Thanh khoản trên hai sàn niêm yết gia tăng mạnh lên 26.369,07 tỉ đồng giao dịch, vượt mức trung bình với khối lượng giao dịch trên VN30 tăng mạnh 57,04% so với phiên trước thể hiện thị trường tích cực, lực cầu, dòng tiền ngắn hạn luân chuyển liên tục và gia tăng đột biến trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Sau diễn biến tích cực phiên trước, nhóm cổ phiếu VIC, VHM, VRE ... tiếp tục có diễn biến rất nổi bật trong phiên 19/2 khi tăng giá mạnh, thanh khoản rất đột biến với: VIC (+6,94%), VRE (+6,89%), VHM (+6,67%), bên cạnh các mã tích lũy kéo dài, chưa tăng giá mạnh trong VN30 như POW (+4,35%), MSN (+4,08%), GAS (+3,52%)... thay thế nhóm cổ phiếu ngân hàng dẫn dắt thị trường vượt đỉnh giá cao nhất năm 2018. Các cổ phiếu dầu khí, phân bón sau giai đoạn tích lũy đa số mã cũng tăng giá tích cực, thanh khoản gia tăng mạnh. Các cổ phiếu bất động sản, khu công nghiệp có diễn biến khá phân hóa khi đa số chịu áp lực điều chỉnh nhẹ, thanh khoản giảm, ngoài các mã tăng giá mạnh của nhóm cổ phiếu VIC, CCL (+6,89%), NRC (+6,00%)....
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), trong ngắn hạn đà tăng của VN-Index có thể sẽ gặp khó khăn bởi thị trường sẽ có rung lắc và có thể điều chỉnh khi tiệm cận vùng 1.250 điểm. Về trung hạn, VN-Index duy trì vận động trong khu vực cân bằng để hình thành nền tích lũy mới và thị trường sẽ hình thành nền tích lũy trong biên độ 1.150 điểm - 1.250 điểm.
“Thị trường vận động tích cực và VN-Index đã vượt lên trên cản tâm lý ngắn hạn 1.200 điểm và sắp tiệm cận cản mạnh 1.250 điểm. Thị trường có thể sẽ có rung lắc trong thời gian tới, do đó, nhà đầu tư ngắn hạn không nên mua đuổi. Với nhà đầu tư trung, dài hạn, thị trường đang dần củng cố và hình thành nền tảng tích lũy nhưng quá trình này sẽ kéo dài, nhà đầu tư trung dài hạn nếu đã cơ cấu xong danh mục ổn định, nếu muốn giải ngân thêm nên chờ đợi các giai đoạn điều chỉnh của thị trường”, chuyên gia của SHS nêu quan điểm.
VN-Index tiếp tục đà tăng, hướng về mức 1.245 điểm
Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), thị trường tăng điểm tốt trong phiên 19/2 nhưng điểm đáng chú ý là đến từ nhóm cổ phiếu trụ, tác động mạnh đến điểm số, đặc biệt là trong phiên chiều khi nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn tăng trần. Độ rộng thị trường gia tăng vào cuối phiên với 60% số mã trên HOSE chuyển sang sắc xanh tiếp tục ủng hộ cho xu hướng tăng của chỉ số.
“Tuy nhiên, rủi ro sẽ càng tăng lên cùng với điểm số của VN-Index. Do đó, các nhà đầu tư tiếp tục dừng mua và duy trì tỷ trọng ở ngưỡng 40-50% cổ phiếu”, chuyên gia của ASEANSC lưu ý.
Trong khi đó, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong phiên hôm nay 20/2 và chỉ số VN-Index hướng về mức 1.245 điểm. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp và thị trường có thể chỉ xảy ra nhịp điều chỉnh kỹ thuật và các nhóm cổ phiếu có thể sẽ phân hóa, trong đó nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn có thể sẽ còn điều chỉnh, trong khi đó, dòng tiền có thể tìm kiếm đến các nhóm cổ phiếu khác. Nhìn chung, dòng tiền chưa có dấu hiệu rút khỏi thị trường, nhưng điểm tiêu cực là đà tăng của thị trường ảnh hưởng nhiều từ nhóm cổ phiếu Vingroup, điều này có thể sẽ khiến đà tăng của thị trường khó bền vững và gây ra tâm lý chốt lời ở các nhóm cổ phiếu khác.
“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và hạn chế gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư ngắn hạn cũng có thể tìm kiếm cơ hội ngắn hạn ở nhóm cổ phiếu Vingroup (VIC, VHM, VRE) khi nhóm cổ phiếu này đều đã xác nhận xu hướng tăng với chiến lược mua lướt sóng ngắn hạn”, chuyên gia của YSVN khuyến nghị.