Nhận định chứng khoán 31-7: Còn cơ hội ở nhóm cổ phiếu nào?
Thị trường chứng khoán dễ dàng vượt qua mốc cản 1.200 điểm và xu hướng tăng điểm được dự báo còn tiếp tục trong trung, dài hạn. Những nhóm cổ phiếu nào tiềm năng từ nay tới cuối năm?
Với 4/5 phiên tăng điểm, đặc biệt trong phiên tăng mạnh mẽ cuối tuần, VN-Index đã tăng 21.8 điểm (+1,8% so với tuần trước) trong tuần từ 24 đến 28-7. Thanh khoản thị trường ghi nhận 5/5 phiên có khối lượng giao dịch cao hơn mức trung bình 20 ngày và đây là tuần ghi nhận mức thanh khoản kỷ lục từ đầu năm đến nay.
Thị trường có rung lắc nhưng tiếp tục đi lên là nhận định của bà Nguyễn Thị Ngân Tuyền, Trưởng phòng phân tích khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán Maybank.
Thông tin đáng chú ý trong tuần qua là nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục bán ròng với giá trị bán ròng đạt 1.333 tỉ đồng. Đóng góp của tuần qua đã hạ mức mua ròng từ đầu năm đến nay của nhóm này về 7.123 tỉ đồng. Trong khi đó, tự doanh các công ty chứng khoán vẫn duy trì mua ròng. Dòng tiền tự doanh mua tiếp tục mua ròng tuần thứ 5 liên tiếp với giá trị đạt 524 tỉ đồng. Qua đó, dòng tiền mua ròng từ đầu năm của nhóm này được nâng lên mức 4.405 tỉ đồng.
Về ngắn hạn, thị trường đóng cửa tuần ở mốc cao cho thấy sự "sung sức" đáng kể từ phía người mua. Xu hướng chủ đạo của thị trường vẫn là tăng với xung lực thậm chí có phần mạnh hơn xét trong ngắn hạn. Dù vẫn có khả năng tồn tại các pha điều chỉnh, tích lũy ngắn hạn đan xen, rủi ro đe dọa xu hướng tăng vào lúc này là thấp. Nhà đầu tư vì vậy vẫn có thể giữ cho mình một tỉ trọng cổ phiếu ở mức cao và tận dụng các pha rung lắc để tối ưu hóa danh mục.
Bà Nguyễn Hoàng Bích Ngọc, Trưởng phòng Phân tích, Khối khách hàng tổ chức, Công ty chứng khoán Mirae Asset nhận định dầu khí, ngân hàng, công nghệ thông tin nhiều triển vọng. "Những ngành, lĩnh vực nhà đầu tư có thể cân nhắc trong chiến lược đầu tư trung, dài hạn theo quan điểm của tôi là dầu khí, ngân hàng, công nghệ thông tin" - bà Ngọc nói.
Dầu khí: Chính phủ và Bộ Công Thương đang đẩy nhanh tiến độ để sớm phê duyệt FID (quyết định đầu tư cuối cùng), từ đó làm cơ sở để dự án Lô B Ô Môn được triển khai đồng bộ. Trong cuối tháng 6, nhiều sự kiện ghi nhận sự chuyển biến tích cực liên quan đến lô B như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nhận bàn giao hai dự án nhiệt điện (Ô Môn III & IV) từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Gói thầu EPCI#1 thi công phần giàn xử lý trung tâm, hệ thống nhà ở và tháp đốt khí với giá trị 1,1 tỉ USD đã được phê duyệt và giao cho Liên danh PVS và McDermott…
Ở lĩnh vực ngân hàng: Đối với chiến lược đầu tư trung và dài hạn, ưu tiên chọn các ngân hàng có chiến lược kinh doanh thận trọng và kết quả kinh doanh bền vững trong nhiều năm trở lại đây như ACB và nhóm các ngân hàng quốc doanh với nhiều lợi thế trong huy động và cho vay kinh doanh.
Các đợt cắt giảm lãi suất liên tục và chỉ đạo hạ lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng mang lại luồng gió mới cho tăng trưởng tín dụng. Tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ dần phục hồi từ quý 3 năm 2023 với tăng trưởng kỳ vọng cho năm 2023 vào khoảng 10-12%.
Ở lĩnh vực công nghệ thông tin, Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nguồn chip nhập khẩu và chưa tham gia nhiều vào chuỗi cung ứng chip. Nói cách khác, vẫn còn dư địa tăng trưởng cho các công ty có hàm lượng công nghệ cao và tiềm lực đầu tư lớn.
Trong khâu thiết kế, một số doanh nghiệp như FPT, Viettel và CMG đã tiến hành nghiên cứu và FPT đã tham gia vào lĩnh vực thiết kế chip nhằm phục vụ nhu cầu nội địa. Trong khâu sản xuất, FPT đã sản xuất được ba dòng chip (gia công tại Hàn Quốc dưới thương hiện FPT) và nhận được đơn hàng xuất khẩu với quy mô 25 triệu chip (dự kiến xuất khẩu trong 2024-2025)…
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận định trong ngắn hạn nhà đầu tư nên tiếp tục giữ vị thể nắm giữ cổ phiếu để có hành động phù hợp. Nếu chỉ số tiếp tục đi lên, nhà đầu tư có thể tìm kiếm những cổ phiếu mạnh hơn. Ba nhóm có thể dẫn dắt đà tăng của chỉ số là bất động sản, ngân hàng, sản xuất thực phẩm, và kỳ vọng nhóm bất động sản sẽ giúp thị trường có đà tăng mạnh nhất.
"Nếu thị trường có áp lực điều chỉnh cần cơ cấu danh mục, chốt lời tại một số cổ phiếu đã có lời để bảo vệ thành quả, bán bớt lượng margin ra để giải ngân tại cổ phiếu khác" - ông Minh khuyến cáo.