Nhận định đề thi Văn phi lý, tiến sĩ hy vọng có học sinh giỏi, bản lĩnh phản biện lại
Cho rằng câu hỏi thứ 2 trong đề thi học sinh giỏi Ngữ văn lớp 9, Hà Nội là bất hợp lý, tiến sĩ Văn học Trịnh Thị Thu Tuyết hy vọng sẽ có những học sinh bản lĩnh thực sự để phản biện lại đề.
Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp thành phố năm học 2019-2020 diễn ra ngày 8/1. Trong đó đề thi môn Ngữ văn, tại câu hỏi thứ 2, phần nghị luận văn học, đề bài yêu cầu học sinh so sánh nỗi niềm của người cha ở 2 tác phẩm: Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ) và Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng).
Theo TS Trịnh Thị Thu Tuyết, phép so sánh này không hợp lý, khi giữa 2 nhân vật được so sánh là Trương Sinh (tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương) và ông Sáu (Chiếc lược ngà) chỉ có điểm giống nhau duy nhất là hai người đàn ông đi lính khi đã có vợ con.
So sánh trong văn chương khác với so sánh ngoài đời, không thể cứ so sánh khi nhân vật cùng là cha, chồng hoặc con...Bởi khác với con người trong cuộc sống hiện ra ở đồng thời nhiều góc độ, nhân vật văn học có thể chỉ được quan sát, khám phá, miêu tả trong một vài bình diện.
Minh chứng cho điều này, TS Tuyết dẫn vài ví dụ, như Nguyễn Du chỉ khám phá, khắc họa nhân vật Hoạn Thư ở nét tính cách của người vợ, đó là sự ghen tuông (chứ không phải vai trò người con hay người mẹ); hay khắc họa Kim Trọng trong vai trò một người yêu (chứ không phải vai trò người chồng hay người cha), để cho thấy sự bất hợp lý khi so sánh hai nhân vật văn học không có nét tương đồng.
Trở lại với tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương, nhân vật Trương Sinh chỉ được tác giả Nguyễn Dữ quan sát và khắc họa ở bình diện duy nhất là vai trò người chồng của Vũ Nương. Đó là một người chồng gia trưởng, đa nghi, vũ phu, độc đoán... Người này đẩy người vợ đoan trang, hiền hậu, nết na với đầy đủ công dung ngôn hạnh vào cái chết đau đớn.
Trương Sinh có mẹ già, con dại, nhưng ngoại trừ vài chi tiết giao tiếp mờ nhạt, anh ta không hề được quan sát và khắc họa ở vai trò người con (dù hiếu thảo hay bất hiếu), người cha (với những nỗi niềm hay sự chăm sóc yêu thương...).
Trong khi đó, nhân vật ông Sáu trong Chiếc lược ngà lại được Nguyễn Quang Sáng chủ yếu khắc họa trong tình yêu thương, nỗi đau khổ, sự bất hạnh cùng niềm hạnh phúc… của một người cha.
“Bất kỳ câu hỏi so sánh nào cũng phải xuất phát từ nguyên tắc, chỉ so sánh sự khác nhau của những đối tượng cùng loại. Ví dụ chỉ có thể so sánh sự khác nhau của hai cái bút, hai cái xe, hai người cha hoặc hai dòng sông, không thể so sánh cây bút với cuốn sách, đôi giày với dòng sông...”, TS Tuyết nhấn mạnh.
Theo TS Trịnh Thị Thu Tuyết, vấn đề phi lý của đề bài còn thể hiện ở việc yêu cầu so sánh nỗi niềm của người cha trong 2 tác phẩm, trong khi đó nhân vật Trương Sinh có con trai nhưng không có nỗi niềm của người cha, mà chỉ có nhân cách kém cỏi của người chồng. Còn nhân vật ông Sáu trong Chiếc lược ngà lại được Nguyễn Quang Sáng khắc họa đặc biệt sâu đậm trong tất cả mọi nỗi niềm của tình phụ tử.
“Đó là yêu cầu so sánh hai đối tượng không cùng loại, cũng như yêu cầu so sánh thân phận người vợ của hai nhân vật Hoạn Thư (Truyện Kiều) với Mị (Vợ chồng A Phủ); so sánh nỗi bất hạnh của bé Đản và bé Thu trong hai tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ) và Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng); so sánh giằng xé nội tâm giữa nhân vật Tấm trong cổ tích với nàng Kiều của văn học trung đại”, TS Tuyết liệt kê một số ví dụ về các phép so sánh nhân vật văn học bất hợp lý như yêu cầu của đề bài.
Cô mong rằng, qua đề thi này, thành phố Hà Nội có thể tìm được một học sinh giỏi và bản lĩnh thực sự dám phản biện đề. Còn nếu không sẽ chỉ là những học trò ngoan hiền, đang cố gắng để tìm ra tâm tư của người cha trong hình ảnh một nhân vật không được khắc họa dưới góc độ của một người cha.