Nhận định mới nhất của Mỹ về một số tên lửa Triều Tiên có thể gắn đầu đạn hạt nhân
Qua nhiều nghiên cứu, Mỹ xác nhận, vài trong số các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung của Triều Tiên có thể gắn cả đầu đạn thường lẫn đầu đạn hạt nhân.
Cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Mỹ (CRS) mới đây ra báo cáo về "Chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa Triều Tiên", nhận định rằng, trong số các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung của Bình Nhưỡng, một số loại có thể lắp cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân.
Trước đó, Triều Tiên cũng nhiều lần tuyên bố tên lửa đạn đạo kiểu mới của nước này có thể gắn đầu đạn hạt nhân chiến thuật.
Cũng theo báo cáo của Quốc hội Mỹ, chỉ có loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN-23, được mệnh danh là tên lửa Iskander phiên bản Triều Tiên, là một trường hợp cho thấy sự cải tiến đáng chú ý của tên lửa cỡ nhỏ do quốc gia Đông Bắc Á chế tạo.
Báo cáo cho thấy, loại tên lửa này có thể tấn công mọi mục tiêu trên bán đảo Triều Tiên, có thể gắn cả đầu đạn hạt nhân và đầu đạn thông thường. Ở giai đoạn cuối, tên lửa KN-23 đã được kích hoạt tính năng "bay lượn tầm thấp", nâng cao tốc độ và góc tấn công mục tiêu, giúp tên lửa khó bị đánh chặn hơn.
Tuy vậy, báo cáo này không đưa ra đánh giá về khả năng gắn đầu đạn hạt nhân của tên lửa KN-24, loại được mệnh danh là tên lửa chiến thuật đất đối đất ATACMS phiên bản Triều Tiên.
Văn bản trên chỉ khẳng định pháo tầm xa cỡ nòng siêu lớn KN-25 của Triều Tiên có thể gắn đầu đạn thông thường, tạo ra hiệu quả tương tự như tên lửa đạn đạo tầm ngắn, nhưng lại có chi phí kinh tế ít hơn.
Trong số các tên lửa đạn đạo tầm trung, tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn Sao Bắc Cực-2 (KN-15) được cho là có thể gắn đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường và có thể tấn công vào lãnh thổ Nhật Bản.
Báo cáo dẫn một tài liệu năm 2021 của Cục Tình báo quốc phòng Mỹ (DIA), đánh giá tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) của Bình Nhưỡng là Sao Bắc Cực-3 cũng có thể gắn đầu đạn hạt nhân.