Nhận định nguyên nhân bước đầu khiến cá nuôi lồng bè chết hàng loạt ở Hà Tĩnh
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Hà Tĩnh vừa có báo cáo nhanh về hiện tượng thủy hải sản nuôi trong lồng bè trên sông bị chết bất thường tại huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh.
Theo đó, ngay sau khi nhận được thông tin về hiện tượng thủy hải sản chết bất thường tại khu vực bara Đò Điệm (xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh), ngày 9-9, Sở TN-MT tỉnh đã trực tiếp đến hiện trường để khảo sát nắm tình hình, phối hợp tìm nguyên nhân hiện tượng trên.
Theo báo cáo của UBND xã Thạch Sơn, đêm ngày 8-9 đến sáng ngày 9-9, tại xã Thạch Sơn (khu vực bara Đò Điệm) có hiện tượng cá nuôi trong lồng bè chết bất thường. Thống kê bước đầu cho thấy có 56 hộ nuôi (262 ô lồng) dưới bara Đò Điệm với khối lượng 64.030kg cá chẽm bị chết.
Qua nắm thông tin ở các địa phương lân cận, tại xã Thạch Đỉnh, huyện Thạch Hà, có 8 hộ nuôi (16 ô lồng) với 2.500kg cá chẽm và cá hồng bị chết; tại huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, có 1 hộ nuôi cá lồng bè ven sông Nghèn (đoạn trên bara Đò Điệm) cũng có hiện tượng cá chẽm bị chết với số lượng ít.
Sở TN-MT đã đi khảo sát trên sông Đò Điệm (phía trên và dưới bara Đò Điệm) và trên sông Nghèn cách bara khoảng 3 - 4km. Qua khảo sát cho thấy, có hiện tượng hải sản chết rải rác ở các khu vực này.
Hải sản bị chết chủ yếu là các loài sống ở tầng giữa và tầng đáy (có cả cá tự nhiên nước ngọt và nước lợ); nước trên sông Nghèn, sông Đò Điệm tại thời điểm khảo sát có màu đục, đỏ sẫm, hai bên bờ sông có nhiều bèo tây. Qua phỏng vấn người dân địa phương, trước ngày 9-9, nước trên sông bình thường, nhìn khá trong và trước thời điểm mở cống bara Đò Điệm thì trên mặt sông hầu như có bèo tây phủ kín).
Tại buổi kiểm tra, khảo sát, Sở TN-MT đã chỉ đạo Trung tâm Quan trắc TN-MT lấy 17 mẫu nước tại 9 vị trí, gồm: Phía dưới bara Đò Điệm (trên sông Đò Điệm) lấy 13 mẫu tại 7 vị trí (giữa dòng lấy tại 3 vị trí với 9 mẫu ở các tầng (mặt, giữa, đáy); hai bên bờ sông ở khu vực nuôi lồng bè lấy 4 mẫu (tầng mặt) tại 4 vị trí đối xứng nhau; phía trên bara Đò Điệm lấy 4 mẫu tại 2 vị trí: 1 vị trí giữa sông (cách bara khoảng 30m) lấy 3 mẫu (tầng mặt, giữa, đáy) và trên sông Nghèn cách bara Đò Điệm khoảng 3 - 4km lấy 1 mẫu ở tầng mặt.
Từ đó, bước đầu Sở TN-MT có một số nhận định về nguyên nhân hiện tượng thủy hải sản chết bất thường. Thời gian qua, trên sông Nghèn có rất nhiều bèo tây, đặc biệt trước đợt mưa lũ vừa rồi, bèo tây phủ gần kín mặt sông, quá trình sinh trưởng đã làm tăng hàm lượng các chất hữu cơ trong nước.
Do hạn hán nên bèo tây bị chết và phân hủy, tích tụ, lắng xuống sông. Sau lũ lụt, lượng bèo tây trên mặt và phần tích tụ lâu nay bị cuốn đi, kết hợp thời tiết nắng nóng (mấy ngày qua, thời tiết nắng nóng), làm tăng nhanh quá trình trao đổi nhiệt trong nước, nhiệt độ trong nước tăng làm cho quá trình phân hủy hữu cơ trong nước tăng mạnh, đặc biệt là phân hủy tầng đáy, làm cho lượng ô xy hòa tan trong nước giảm nhanh, có một số loại khí độc xuất hiện, chủ yếu là Metan (CH4), hydro sunfua (H2S)… làm cho nước có mùi.
Ngoài ra, nước lũ từ các khu vực đổ về đây bị tích tụ lại làm tăng hàm lượng cặn lơ lửng, kết hợp chất hữu cơ dẫn đến hàm lượng ôxy hòa tan trong nước giảm nhanh, gây ra hiện tượng thủy hải sản bị ngạt (thiếu ôxy) dẫn đến chết bất thường và đồng loạt.
Trước đó, theo kết quả quan trắc môi trường mạng lưới trên sông Nghèn trong năm 2018 và đầu năm 2019 cho thấy: Quý 2-2018 tại bara Đò Điệm có hàm lượng BOD vượt 2,3 lần, COD vượt 2,5 lần; Quý 4-2018 có hàm lượng Photphat vượt 1,87 lần so với QCVN 08:2015/BTNMT và tham khảo kết quả quan trắc từ Đề tài khảo sát đánh giá nghiên cứu đánh giá chất lượng nước sông Nghèn và đưa ra các biện pháp giảm thiểu thuộc dự án Quỹ Hỗ trợ tăng trưởng xanh – GGSF đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3247/QĐ-UBND ngày 30-10-2018 cho thấy, nước sông Nghèn đã bị ô nhiễm bởi các thành phần hữu cơ.