Nhận định sai lầm của chúng ta đối với loài mèo từ trước đến nay
Mèo không vô tâm như vẻ bề ngoài của nó. Đằng sau 'lớp vỏ' lạnh lùng, mèo gắn bó với con người chúng ta hơn tưởng tượng.
Từ xưa đến nay, chó là loài động vật vẫn được xem là người bạn thân nhất đối với con người. Với những đức tính như hòa đồng, dễ bảo và trung thành, không có gì lạ khi khoảng hơn 10.000 năm qua loài chó chiếm được tình cảm của tất cả mọi người. Một loài động vật khác, cũng đồng hành với con người từ những thời điểm khởi nguyên, nhưng loài mèo có nhiều điểm "bất ổn" hơn nhiều. Không chỉ bí ẩn, lạnh lùng mà mèo còn bị mang tiếng là chỉ tìm đến con người chúng ta khi cần cho ăn.
Một nghiên cứu khoa học gần đây đã phần nào "minh oan" cho mèo, chứng minh chúng cũng là loài động vật gắn bó với chủ nhân giống như những đứa trẻ.
Chủ nhân của công trình, nhà khoa học chuyên về nghiên cứu hành vi động vật thuộc trường đại học bang Oregon, bà Kristyn Vitale cho biết: "Tôi đã luôn biết rằng loài mèo thích tương tác với mình. Tuy nhiên, trong lĩnh vực khoa học, mọi thứ đều phải được kiểm nghiệm".
Không có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về hành vi của loài mèo từ trước cho đến nay. Nguyên nhân là do các nhà khoa học cho rằng mèo không phải là loài động vật xã hội, do đó chúng rất khó để làm việc cùng. Nhờ công nghệ mà khoảng cách này đã được dần xóa nhòa.
"Những ác cảm về việc loài mèo không quan tâm hay lười tương tác với con người có lẽ đã đến lúc cần phải chấm dứt", tiến sỹ Vitale nhận định.
Trước đó, bà và các cộng sự đã từng phát hiện ra phần lớn các con mèo thích chơi đùa với con người hơn là việc vòi vĩnh đồ ăn hay là nghịch những món đồ chơi. Trong nghiên cứu mới nhất, nhóm các nhà khoa học này đã tìm ra rằng mèo có thể điều chỉnh hành vi dựa trên sự chú ý của người khác dành cho chúng. Mèo cực kỳ nhạy cảm với cảm xúc và tâm trạng của chủ nhân của chúng và đặc biệt, mèo nhận biết được tên gọi của chúng.
Tuy nhiên, vẫn có những mâu thuẫn trong việc liệu loài mèo có thực sự gắn bó với chủ nhân của chúng hay không. Bởi vậy, nhóm các nhà khoa học đã quyết định thực hiện thêm những bài kiểm nghiệm.
Khoảng 79 chú mèo con và 38 chú mèo trưởng thành đã được tham gia vào một bài kiểm tra thường được sử dụng đối với chó và các loài linh trưởng nhằm tìm mối liên hệ giữa chúng và người nuôi.
Thí nghiệm kéo dài 6 phút. Người chủ và mèo sẽ cùng nhau bước vào một căn phòng xa lạ. Sau hai phút, chủ nhân sẽ rời khỏi căn phòng và bỏ lại những con mèo của mình. Tiếp tục sau đó 2 phút, chủ nhân sẽ quay lại căn phòng để các nhà khoa học nghiên cứu phản ứng của những chú mèo.
Theo đó, hơn 2/3 số mèo đều có thái độ hào hứng, chào đón chủ nhân của chúng quay trở lại. Điều này có nghĩa, những con mèo xem chủ nhân của chúng là vùng an toàn dù có ở trong những vùng đất xa lạ. Hành vi này giống như khi những đứa trẻ chào đón cha mẹ quay trở về, vững tâm hơn và tiếp tục khám phá miền đất mới.
Những con mèo còn lại, tránh mặt hoặc bám chặt lấy chủ nhân, không có nghĩa chúng có mối quan hệ không tốt với con người mà chỉ là không xem họ là vùng an toàn, có thể giảm thiểu căng thẳng.
Kết quả trên gần như tương đồng với những gì chó và trẻ em thể hiện ở những bài kiểm tra. Đối với con người, tỷ lệ khoảng 65% cho thấy sự gắn bó với người trong sóc. Còn ở chó, tỷ lệ này đạt khoảng 58%.
"Tỷ lệ thống kê trên cho thấy sự tương đồng về tính xã hội của con người và những loài động vật đồng hành. Những bài kiểm tra như thế này sẽ giúp các nhà khoa học khám phá nhiều điều bí ẩn về quá trình tiến hóa, thích nghi của các loài động vật, trong đó có cả con người chúng ta", nhà khoa học nghiên cứu về hành vi tại đại học Sophia - Tokyo, Atsuko Saito nói.
Sau cuộc thí nghiệm trên, các nhà khoa học tiếp tục thực hiện tiếp bài kiểm tra đối với những chú mèo được huấn luyện. Và một lần nữa, kết quả chỉ ra rằng việc huấn luyện không ảnh hưởng đến hành vi gắn bó giữa mèo và chủ nhân của chúng.
Các nhà nghiên cứu nhận định, mối liên kết được hình thành giữa mèo và chủ nhân được duy trì ổn định theo thời gian. Do đó, những tương tác đầu tiên giữa mèo với người được cho là rất quan trọng.