Nhận định u ám của tình báo Mỹ đối với viễn cảnh toàn cầu
Giới chức tình báo Mỹ đưa ra bức tranh tổng thể xám màu về tương lai thế giới, với nhận định cho rằng đại dịch COVID-19 làm trầm trọng thêm bất bình đẳng kinh tế, tiêu hao nguồn lực nhà nước, kích động chủ nghĩa dân tộc.
Ngày 9/4, Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ (NIC) đã cho công bố báo cáo 4 năm một lần có tiêu đề “Các xu hướng toàn cầu đến năm 2040: Một thế giới cạnh tranh hơn”. Không thuộc diện mật, nhưng tài liệu chiến lược này đã vạch ra một tầm nhìn về môi trường an ninh quốc tế trong tương lai.
Năm nay, báo cáo được xây dựng để giúp các nhà hoạch định chính sách cũng như người dân lượng định được các nhân tố sẽ định hình thế giới trong 20 năm tới, cụ thể là bốn nguồn lực về kinh tế, môi trường, công nghệ và nhân chủng học.
Báo cáo đánh giá xu thế toàn cầu năm 2021 của NIC dành một phần dung lượng đáng kể đề cập đến tác động của đại dịch COVID-19. Nhóm chuyên gia soạn thảo đã gọi đây là một cú đứt gãy toàn cầu mang tính đặc trưng nhất, tác động lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, với những hệ quả nặng nề về y tế, kinh tế, chính trị, an ninh, không chỉ hiện nay, mà sẽ còn đeo đuổi các nước và cả thế giới trong những năm tới.
“COVID-19 đã làm rung chuyển những mặc định bấy lâu nay cho rằng thế giới có khả năng thích ứng và chống chọi tốt. Nó tạo ra những bất trắc mới về kinh tế, quản trị, địa chính trị và cả công nghệ”, báo cáo nêu rõ.
Nhìn về tương lai xa, tài liệu của NIC nêu ra nhiều lý do khiến các nước phải quan ngại về nhiều khía cạnh của cuộc sống. Ví như, NIC dự báo biến đổi khí hậu sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề an ninh lương thực, an ninh nguồn nước tại các nước nghèo, tăng tốc dịch chuyển di cư toàn cầu.
Những thành quả về y tế, giáo dục, thu nhập hộ gia đình đạt được trong nhiều thập kỉ qua sẽ rất khó được duy trì, phát triển lên một bước, do có sự xuất hiện của “những cơn gió nghịch” không chỉ do đại dịch, mà còn do tình trạng già hóa dân số cũng như nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Những bước tiến về công nghệ cũng có thể giúp xử lý những vấn đề nảy sinh, nhất là về biến đổi khí hậu, dịch bệnh. Nhưng nó cũng có thể gây ra những căng thẳng mới. Các nhân tố nhà nước và phi nhà nước sẽ chạy đua nhằm đạt được thế lãnh đạo, thống trị trong khoa học và công nghệ; điều này tiềm ẩn các nguy cơ khuếch đại cũng như ảnh hưởng về kinh tế, quân sự, an ninh, xã hội - báo cáo của NIC nhận định.