Nhân hệ số khi tính điểm tuyển sinh lớp 10 có đảm bảo không học lệch?
Hiện tại có nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về số môn thi và cách tính điểm thi của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT ở một số địa phương, trong đó có Hà Nội.
GD&TĐ - Hiện tại có nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về số môn thi và cách tính điểm thi của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT ở một số địa phương, trong đó có Hà Nội.
Kiến nghị chỉ nên thi 3 môn
Tới thời điểm hiện tại, một số tỉnh/thành như Nam Định, Hưng Yên, Cao Bằng, Ninh Bình, Phú Thọ, Khánh Hòa... đã công bố phương án thi vào lớp 10 năm học 2022-2023. Theo một vị lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định, địa phương này quyết định tuyển sinh vào lớp 10 với ba môn gồm Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ là phù hợp với tình hình thực tế.
"Trong suốt thời gian từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Trong đó, ngành giáo dục cũng bị tác động không nhỏ khi thầy trò nhiều nơi phải chuyển đổi hình thức dạy học liên tục từ trực tiếp sang trực tuyến và ngược lại. Việc chốt phương án thi vào lớp 10 chỉ với ba môn sẽ góp phần làm giảm áp lực cho học sinh cũng như phụ huynh để các nhà trường có kế hoạch ôn luyện phù hợp cho khối 9", vị này nhấn mạnh.
Báo cáo tại buổi làm việc giữa đoàn công tác của Bộ GD&ĐT và Thường trực Thành ủy Hà Nội mới đây, lãnh đạo TP Hà Nội cho biết, thành phố dự kiến sẽ giữ ổn định phương thức tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023 như năm học trước. Tức, thí sinh sẽ vẫn làm 4 bài thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; riêng môn thi thứ 4 sẽ được công bố trong tháng 3. Năm 2022, TP Hà Nội dự kiến có khoảng 110 nghìn học sinh lớp 9 dự xét tốt nghiệp THCS. Trong đó có gần 100 nghìn em dự tuyển sinh vào lớp 10 THPT.
Em Hồng Nhung, học sinh lớp 9 tại quận Thanh Xuân bày tỏ mong muốn thành phố sẽ cho thi 3 môn thay vì 4 môn như năm ngoái. Lý do mà nữ sinh này đưa ra là do thời gian qua, bản thân em cũng bị nhiễm Covid-19, phải thực hiện cách ly và học online tại nhà thông qua ứng dụng Zoom với cô giáo trên lớp. Dù chỉ sau chưa đầy một tuần em trở về âm tính nhưng lại đến lượt cô giáo cũng trở thành F0 nên lớp của em đã chuyển toàn bộ sang học trực tuyến. Việc ôn học online các môn để phục vụ thi vào lớp 10 vốn đã vất vả, nay lại thêm môn thứ 4 các em sẽ không có đủ thời gian để ôn thêm.
Là đơn vị có tới gần 1.000 học sinh và giáo viên thành F0 chỉ sau một thời gian ngắn đi học, Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Cầu Giấy, Hà Nội) đã phải chuyển đổi hình thức dạy học hoàn toàn sang trực tuyến từ nhiều ngày nay.
Cô Văn Thùy Dương - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay: "Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là chương trình giáo dục định hướng nghề nghiệp gồm 7 môn học bắt buộc và 5 môn học tự chọn. Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ đều có mặt trong 7 môn học bắt buộc. Còn vấn đề thi 3 hay 4 môn, thành phố nên có sự tính toán hợp tình và hợp lý. Các em đã phải trải qua thời gian học trực tuyến trong gần hết năm học này. Nếu bắt buộc phải thi thêm môn thứ 4 sẽ tạo áp lực cho học sinh. Hơn nữa, nhiều ý kiến từ phía phụ huynh và học sinh cũng bày tỏ quan điểm nên thi vào lớp 10 với 3 môn để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay".
Có nên nhân hệ số điểm thi vào lớp 10?
Một trong những vấn đề khác được dư luận quan tâm liên quan đến kỳ thi vào lớp 10 THPT, đó là cách tính điểm. Hiện tại, một số địa phương vẫn áp dụng nhân hệ số hai với bài thi môn Toán và Ngữ văn, riêng môn Ngoại ngữ lại chỉ nhân hệ số 1.
Chia sẻ về câu chuyện này, TS Vũ Thu Hương - Nguyên Giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, việc nhân hệ số với một môn nào đó chỉ góp phần làm tăng việc "học lệch" và "bệnh thành tích", không có điểm số nào thể hiện tuyệt đối được năng lực thực sự của học sinh trong các lĩnh vực đã học.
Cũng theo vị nữ chuyên gia, từ năm học 2020-2021, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 26/2020 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều về Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011 nên đã có một số thay đổi so với trước đây.
Tại khoản 6, điều 2 của Thông tư 26/2020 đã hướng dẫn: “Thay thế cụm từ "của 1 trong 2 môn Toán, Ngữ văn" tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 của Điều 13 bằng cụm từ "của 1 trong 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ”. Theo đó, môn Ngoại ngữ đã có vị thế ngang hàng với môn Ngữ văn và Toán trong việc xếp loại, công nhận danh hiệu học tập cho học sinh.
Vì vậy, các địa phương cần thay đổi theo hướng dẫn của Thông tư số 26/2020 của Bộ GD&ĐT để tính điểm hệ số 1 cho tất cả các môn thi cho phù hợp với thực tế. Nếu tính điểm hệ số 2 thì chỉ nên áp dụng cho khối trường THPT chuyên. Với các trường THPT hệ không chuyên chỉ nên tính điểm hệ số 1 để tạo sự công bằng và phù hợp với thực tiễn.
"Ở một số nước trên thế giới vẫn thi tất cả các môn để học sinh học rộng thay vì học sâu. Mỗi môn thi có thể tiến hành ở các lớp dưới như lớp 8, 7 (cấp THCS) khi học sinh đó chủ động học xong toàn bộ chương trình. Khi đó, việc học tập hoàn toàn là chủ động và áp lực điểm số được giảm bớt. Đến năm cuối cấp, các học sinh thi nốt những môn chưa hoàn thành. Đây cũng là một cách để giảm bớt áp lực thi cử mà vẫn đảm bảo học sinh biết rộng và nắm được kiến thức tổng hợp" - TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh.