Nhân kỷ niệm 60 năm ngày kết nghĩa Hoằng Hóa - Điện Bàn (20-7-1963 - 20-7-2023): Hoằng Hóa - Điện Bàn nghĩa nặng, tình sâu
60 năm đã đi qua, dù trong khói lửa chiến tranh hay trong bộn bề công việc, trên con đường dựng xây quê hương, đất nước hôm nay, mối lương duyên lịch sử giữa hai đơn vị Hoằng Hóa - Điện Bàn luôn được Nhân dân, cán bộ hai địa phương dày công giữ gìn và vun đắp. Đó mãi là niềm tự hào, là tài sản tinh thần vô giá của hôm nay và mai sau.
Lãnh đạo thị xã Điện Bàn trao tặng bức tranh tượng Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ cho cán bộ, Nhân dân huyện Hoằng Hóa. Ảnh: CTV
Sự lựa chọn của lịch sử
Năm 1963, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngày càng trở nên ác liệt, cùng với nhiều phong trào thi đua diễn ra sôi nổi khắp cả nước, miền Bắc nước ta còn tổ chức các phong trào “Vì miền Nam ruột thịt” mang đậm nghĩa tình Bắc - Nam. Nổi bật là phong trào kết nghĩa giữa các tỉnh, thành phố, các huyện miền Bắc với các tỉnh, thành phố, các huyện miền Nam. Tại Thanh Hóa, ngày 12-3-1960, lễ kết nghĩa giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam được tổ chức trọng thể.
Những năm sau đó, cùng với các huyện, thị xã khác trong tỉnh, huyện Hoằng Hóa đã tổ chức lễ kết nghĩa với huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam vào ngày 20-7-1963. Đây là sự kiện lịch sử có ý nghĩa chính trị sâu sắc, tạo ra giá trị tinh thần, vật chất to lớn, động viên, cổ vũ Đảng bộ và Nhân dân hai đơn vị trong thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng của hai tỉnh Thanh Hóa và Quảng Nam ngày ấy. Từ sự kiện lịch sử ấy, Hoằng Hóa luôn “kề vai, sát cánh” với người anh em Điện Bàn, dõi theo, cổ vũ, động viên trên mọi trận tuyến.
Hình ảnh Điện Bàn anh em đã thấm sâu trong lòng Hoằng Hóa, trở thành nguồn sức mạnh tinh thần thúc giục quân, dân Hoằng Hóa trên mặt trận sản xuất và chiến đấu. Hình ảnh hàng ngàn thanh niên Hoằng Hóa nối tiếp nhau vượt ngàn dặm Trường Sơn đầy gian khổ, hiểm nguy vào chi viện cho chiến trường Quảng Nam với lý tưởng “xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai” như chưa bao giờ phai và luôn xúc động trên từng trang sử.
Thi đua với tiền tuyến, quân và dân Hoằng Hóa ở hậu phương đã anh dũng đánh trả quyết liệt 2 cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, “chia lửa” với chiến trường miền Nam. Nhân dân Hoằng Hóa đã đóng góp hàng chục vạn tấn lương thực, thực phẩm chi viện cho Điện Bàn với tinh thần tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì Điện Bàn thân yêu. Những phong trào: “Nhớ miền Nam, xây dựng miền Bắc”, “Phụ nữ Điện Bàn đấu tranh chống Mỹ - Phụ nữ Hoằng Hóa cấy nhanh, cấy khéo”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”... đã lan tỏa rộng khắp ở các vùng miền của Hoằng Hóa. Nhiều nhà máy, xí nghiệp, những cánh đồng 5 tấn, công trình thủy lợi, công trình văn hóa mang tên Điện Bàn được gọi tên với tình cảm thân thương như: “Cánh đồng Điện Bàn”, “Vườn cây Điện Bàn”, “Đội cấy Điện Bàn”, “Công trình Điện Bàn”...
Một điều đặc biệt mà nhiều người đã từng nhận định, tình cảm kết nghĩa Hoằng Hóa - Điện Bàn như một sự tiền định, là nhân duyên lựa chọn của lịch sử. Hai địa phương anh em đều có khá nhiều nét tương đồng về địa hình, địa mạo, về truyền thống văn hóa, lịch sử, con người. Hòa vào dòng sông Mã, thấm đượm phù sa của sông Thu Bồn, hai vùng đất Hoằng Hóa - Điện Bàn đều được mệnh danh là vùng “địa linh nhân kiệt”. Nếu như vùng đất Điện Bàn sinh ra nhiều nhân tài cống hiến hết mình, làm rạng danh quê hương, đất nước, thì xuôi dòng Mã giang, vùng đất học Hoằng Hóa nổi danh vùng khoa bảng, văn chương với nhiều tên tuổi để lại dấu ấn trong sử sách, được người đời ngưỡng vọng về sự nghiệp và nhân cách. Cả hai đều là những vùng quê giàu truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng của xứ Thanh, xứ Quảng với những con người anh dũng, cần cù, sáng tạo, ham học hỏi, nghĩa tình, mến khách. Truyền thống lịch sử, văn hóa là nền tảng, là sức mạnh nội sinh để “hai anh em” cùng “chia lửa” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và cùng đồng hành, chia ngọt, sẻ bùi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cùng hướng đến tương lai
“Tuy không được sinh ra và lớn lên trên quê hương Hoằng Hóa, nhưng cơ duyên đã đến với tôi (tác giả - PV) vào đầu năm 2013 (năm kỷ niệm 50 năm Hoằng Hóa - Điện Bàn kết nghĩa), tôi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa luân chuyển, điều động về công tác tại huyện Hoằng Hóa. 10 năm gắn bó với địa phương trên những cương vị khác nhau, tôi đã được chứng kiến và trực tiếp tham gia những hoạt động nặng nghĩa, đậm tình, đầy cảm xúc của hai địa phương. Hằng năm, những đoàn công tác của thị xã Điện Bàn và huyện Hoằng Hóa thường xuyên qua lại thăm hỏi, làm việc cùng nhau, vừa trao đổi về tình hình địa phương, vừa chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Hai bên cùng nhau đóng góp, xây dựng các công trình lưu niệm, hỗ trợ làm những ngôi nhà tình nghĩa, trao tặng hàng ngàn suất quà dành tặng cho các gia đình chính sách, những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Đặc biệt, mỗi khi địa phương gặp khó khăn, lúc dịch bệnh, thiên tai, hoạn nạn... những dòng thư, lời động viên, chia sẻ và những phần quà đã kịp thời đến với nhau cùng giúp nhau cố gắng vượt qua”.
“Càng trân trọng, cảm phục tình cảm sâu đậm, thiêng liêng ấy, tôi càng cảm nhận được rằng, mối tình kết nghĩa son sắt ấy là sự bồi đắp của một quá trình dài lâu, gắn bó, đồng cam cộng khổ, chia ngọt, sẻ bùi của quân và dân hai đơn vị. Tình cảm ấy được ví von như dòng sông chung đầu hợp cuối, lắng đọng thiết tha, đã trở thành máu thịt, khắc sâu vào tâm khảm của các thế hệ người dân Hoằng Hóa - Điện Bàn anh em. Tuy khoảng cách địa lý xa hơn nửa nghìn cây số nhưng tình nghĩa lại ngày càng xích lại gần hơn”.
Gần 50 năm sau ngày giải phóng, từ một vùng đất bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Điện Bàn hôm nay đã xây nên những kỳ tích mới trong giai đoạn phát triển mới. Năm 2005, Điện Bàn được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”; năm 2010, hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện cơ bản trở thành huyện công nghiệp; năm 2015, huyện công bố trở thành thị xã, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì và thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2017, thu ngân sách đạt trên 1.400 tỷ đồng, là năm đầu tiên thị xã tự cân đối ngân sách. Thị xã Điện Bàn thay đổi từng ngày theo hướng văn minh, hiện đại, trở thành trung tâm động lực phía Bắc tỉnh Quảng Nam. Với những thành tựu quan trọng đã đạt được, những kinh nghiệm tích lũy trong quá trình phát triển, cộng với truyền thống anh hùng của quê hương đã trở thành nguồn sức mạnh nội lực quan trọng, tạo nền tảng vững chắc để thị xã Điện Bàn trở thành đô thị loại III trước năm 2030.
Thi đua cùng “người anh em” Điện Bàn, từ một huyện thuần nông, quê hương Hoằng Hóa hôm nay phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội khi quy mô kinh tế của huyện được đánh giá xếp thứ 4 toàn tỉnh, thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 5 toàn tỉnh (ước năm 2023 đạt 66,24 triệu đồng). Sau khi được công nhận là huyện nông thôn mới năm 2019, Hoằng Hóa đã có những bước phát triển vượt bậc về kết cấu hạ tầng giao thông, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, thu hút đầu tư, phát triển du lịch Hải Tiến. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Hoằng Hóa đang quyết tâm cao, nỗ lực lớn để phát huy tiềm năng, thế mạnh, tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, trở thành huyện nằm trong tốp dẫn đầu của tỉnh vào năm 2025 và trở thành thị xã trước năm 2030. Kết quả đó, ngoài sự cố gắng vượt bậc của cán bộ, quân và dân Hoằng Hóa, sự tạo điều kiện giúp đỡ của tỉnh Thanh Hóa, còn có sự đùm bọc, sẻ chia, đồng hành, gắn kết của thị xã Điện Bàn kết nghĩa.
Hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày kết nghĩa Hoằng Hóa - Điện Bàn trong những ngày tháng 7 này, hai đơn vị đã xây dựng kế hoạch cụ thể, đồng thời phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa cho sự kiện này như: tổ chức đưa các đồng chí nguyên lãnh đạo chủ chốt huyện Hoằng Hóa về thăm Điện Bàn; tổ chức cuộc thi viết “Tìm hiểu 60 năm Hoằng Hóa - Điện Bàn - nghĩa nặng, tình sâu”; xây dựng phim tài liệu, các chương trình phát thanh, truyền hình, hướng dẫn thông tin tuyên truyền, cổ động trực quan; tổ chức sưu tầm hiện vật, hình ảnh giới thiệu, quảng bá về vùng đất và con người, đặc biệt là những hiện vật, hình ảnh liên quan đến những sự kiện kết nghĩa, giao lưu trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và những thành tựu trong hòa bình xây dựng giữa hai địa phương; tổ chức phòng trưng bày chuyên đề Điện Bàn - Hoằng Hóa; thực hiện biên tập đặc san 60 năm Hoằng Hóa - Điện Bàn...
Như một cách để ôn lại truyền thống, hướng tới tương lai, tiếp tục phát huy những giá trị cao quý của Nhân dân Điện Bàn - Hoằng Hóa trong giai đoạn phát triển mới, hai địa phương đã xác định, bên cạnh những hoạt động truyền thống, tri ân, đền ơn đáp nghĩa và thăm hỏi thường xuyên lẫn nhau giữa hai đơn vị, Hoằng Hóa - Điện Bàn sẽ tăng cường hơn nữa việc giáo dục truyền thống lịch sử của hai quê hương để các thế hệ hôm nay và mai sau tiếp tục kế thừa, tiếp nối và phát huy. Hai đơn vị dự kiến sẽ xây dựng những công trình biểu tượng trực quan khẳng định, khắc ghi truyền thống, tuyên truyền rộng rãi cho các thế hệ trẻ của mỗi đơn vị hiểu biết, trân trọng về mối tình kết nghĩa Hoằng Hóa - Điện Bàn; lựa chọn tuyến đường đẹp nhất qua trung tâm huyện Hoằng Hóa để đặt tên đường Điện Bàn và tuyến đường tại Điện Bàn mang tên Hoằng Hóa.
Phát huy những nét tương đồng giữa hai địa phương và những kinh nghiệm gắn bó trong 60 năm cùng hợp tác, phát triển, Hoằng Hóa - Điện Bàn sẽ tiếp tục “kề vai, sát cánh”, đẩy mạnh hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển ở các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Nổi bật như hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác về đầu tư phát triển du lịch biển tại Khu du lịch biển Hải Tiến (Hoằng Hóa) và biển Hà My (Điện Bàn) với quy mô khu vực và quốc tế. Hợp tác, giúp nhau phát triển trên lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại, phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, nhất là trong nuôi trồng thủy sản. Chia sẻ những kinh nghiệm trong phát triển, quản lý đô thị khi Điện Bàn đã có nhiều kinh nghiệm sau gần 10 năm được công nhận là thị xã.
60 năm một chặng đường song hành cùng với lịch sử dân tộc Việt Nam, Hoằng Hóa - Điện Bàn đã xây nên một tượng đài bất tử của mối tình kết nghĩa thắm thiết, bền lâu, son sắt, thủy chung giữa hai địa phương mà không phải nơi nào cũng có được. Đó là niềm tự hào, là sức mạnh nội sinh tạo động lực và niềm tin để hai địa phương cùng hợp tác, phát triển, hướng tới tương lai và cùng giữ gìn, bồi đắp để mối quan hệ đặc biệt ấy mãi mãi bền chặt, xanh tươi và trường tồn.