Nhân Lễ Phật đản 2025: Phát huy tinh thần Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội

Trong kháng chiến chống ngoại xâm và làm nghĩa vụ quốc tế, nhiều nhà tu hành tại Đồng Nai đã cởi áo cà sa khoác chiến bào lên đường bảo vệ Tổ quốc. Thời bình, các nhà sư vừa tu tập Phật pháp, vừa dấn thân thực hiện các phong trào thi đua yêu nước.

Thượng tọa Thích Huệ Tánh, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Long Khánh, Trụ trì chùa Xuân Hòa (thành phố Long Khánh), dâng hương tưởng niệm công đức liệt sĩ. Ảnh: S.Thao

Thượng tọa Thích Huệ Tánh, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Long Khánh, Trụ trì chùa Xuân Hòa (thành phố Long Khánh), dâng hương tưởng niệm công đức liệt sĩ. Ảnh: S.Thao

Điều này góp phần thể hiện xuyên suốt tinh thần “Hộ quốc an dân”, phát huy tinh thần Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội của Phật giáo Việt Nam.

Nhà sư - liệt sĩ Thích Tuệ Minh

Tại chùa Xuân Hòa (nằm trong cụm di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đình Xuân Lộc - chùa Xuân Hòa), một trong những bảo tháp của các đời trụ trì tại đây có bảo tháp của nhà sư Thích Tuệ Minh (tên khai sinh Thiêm Nam Hưng).

Thượng tọa Thích Huệ Tánh, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam thành phố Long Khánh, trụ trì chùa Xuân Hòa, cho hay năm 1925, chùa được thành lập và xây dựng trên phần đất cạnh đình Xuân Lộc với tên gọi ban đầu là chùa Làng. Thời kỳ Pháp thuộc, các nhà sư tại chùa Xuân Hòa đã tham gia Phong trào Việt Minh cứu nước. Ngày 27-8-1945, cơ sở cách mạng chùa Xuân Hòa và đình Xuân Lộc cùng các cơ sở cách mạng khác đã tham gia cướp chính quyền và giành thắng lợi.

Đồng Nai hiện có hơn 700 tự viện Phật giáo với gần 1 triệu tín đồ.

Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời Kêu gọi toàn quốc kháng chiến, các nhà sư tại chùa tiếp tục cất giấu vũ khí, lương thực và thuốc men tiếp tế cho các cơ sở cách mạng. Năm 1947, thực dân Pháp khám xét và phát hiện lựu đạn tại chùa. Sau đó, chúng chặt đầu một nhà sư và một phật tử để thị uy. Sau khi giặc rút đi, nhân dân thương mến an táng 2 người hy sinh vì nước.

Tiếp nối truyền thống của các nhà sư tiền bối, nhà sư Thích Tuệ Minh tiếp tục tham gia kháng chiến với hình thức là cơ sở cách mạng hoạt động tại chùa để tiếp tế vũ khí, lương thực, thuốc men cho các cơ sở cách mạng và là chiến sĩ Vệ quốc đoàn Chi đội 10 Biên Hòa.

Cũng theo thượng tọa Thích Huệ Tánh, năm 1951, trong một lần làm công tác tiếp tế cho bộ đội, nhà sư Thích Tuệ Minh bị giặc Pháp bắt. Dù chịu tra tấn dã man nhưng nhà sư vẫn giữ vững khí tiết của người cách mạng. Đến ngày 17 tháng Chạp cùng năm, nhà sư qua đời vì vết thương quá nặng, hưởng dương 52 tuổi. Sau khi nhà sư Thích Tuệ Minh hy sinh, các thế hệ trụ trì, tăng, phật tử tại chùa tiếp bước hoạt động cách mạng... Đây là niềm tự hào của các thế hệ tăng, ni, phật tử không chỉ tại chùa Xuân Hòa mà còn của tỉnh Đồng Nai.

Năm 1997, nhà nước công nhận nhà sư Thích Tuệ Minh là liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Để tưởng nhớ nhà sư - liệt sĩ, phát huy truyền thống hộ quốc an dân của Phật giáo, chùa Xuân Hòa lấy ngày mất của nhà sư Thích Tuệ Minh (17-12) làm ngày giỗ và là ngày tổng kết công tác phật sự tại chùa.

Còn theo nguyên Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Trần Thanh Hùng, ngoài nhà sư - liệt sĩ Thích Tuệ Minh, trong quá khứ, nhiều nhà sư tại Đồng Nai đã cởi cà sa khoác chiến bào hay tạm dừng việc tu tập Phật pháp để lên đường nhập ngũ làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ với đất nước, các chiến sĩ - nhà sư này đã trở về chùa tiếp tục tu tập Phật pháp và đóng góp rất tốt trong các phong trào thi đua yêu nước.

Chủ động tham gia các phong trào thi đua yêu nước

Tiếp nối truyền thống “Hộ quốc an dân”, trong thời kỳ hòa bình và xây dựng đất nước phát triển, các nhà sư Phật giáo tiếp tục phát huy tinh thần: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” khi tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động xã hội khác.

Đồng Nai hiện có 15 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập do nhà nước cấp phép hoạt động được quản lý, vận hành bởi các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo. Những địa điểm này đang chăm sóc trên 1,3 ngàn trường hợp người già neo đơn, trẻ mồ côi, trẻ em khuyết tật. Một nửa số cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập do Nhà nước cấp phép hoạt động này do các nhà tu hành Phật giáo điều hành.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang, những cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập do chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo, trong đó có Phật giáo tham gia quản lý, vận hành đang tạo nên mái nhà thứ hai cho những hoàn cảnh kém may mắn, nhất là trẻ em, người cao tuổi không nơi nương tựa. Điều này góp phần san sẻ gánh nặng với Nhà nước trong thực hiện công tác an sinh xã hội.

Theo thượng tọa Thích Huệ Khai, Trưởng ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh, chức sắc, chức việc vận động tín đồ đồng thuận với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm huy động sức mạnh của tín đồ đóng góp vào sự phát triển và ổn định của tỉnh cũng như cả nước. Ngoài ra, mỗi năm, Phật giáo Đồng Nai kết nối trên 200 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động an sinh xã hội để tri ân người có công với cách mạng, giúp đỡ người hoàn cảnh khó khăn.

Theo Trưởng lão hòa thượng Thích Nhật Quang, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh GHPG Việt Nam, năm 1975, được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền các cấp, ngôi chùa ban đầu của thiền viện Thường Chiếu ngày nay đã được xây dựng tại huyện Long Thành. Sau đó, được sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự yêu mến của quần chúng mà thiền viện Thường Chiếu ngày càng được phát triển, mở rộng.

Sông Thao

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202505/nhan-le-phat-dan-2025-phat-huy-tinh-than-dao-phap-dan-toc-chu-nghia-xa-hoi-2b51173/