Nhân lên cộng đồng tử tế

'Khi một sinh viên được giúp đỡ, VietSeeds không yêu cầu bạn ấy giúp đỡ ngược lại VietSeeds. Thay vào đó, bạn sẽ cố gắng hoàn thiện bản thân thật tốt và tiếp tục giúp đỡ thế hệ sau cũng như đóng góp cho xã hội qua nhiều hình thức khác nhau', chị Huyền Tôn Nữ Cát Tường, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Quỹ học bổng VietSeeds, chia sẻ về tinh thần Pay It Forward (Đáp đền tiếp nối) đã và đang được lan tỏa.

 Tại Vietseeds, các bạn trẻ được trao cả cơ hội, kỹ năng để lan tỏa tinh thần đáp đền tiếp nối. Ảnh: Vietseeds

Tại Vietseeds, các bạn trẻ được trao cả cơ hội, kỹ năng để lan tỏa tinh thần đáp đền tiếp nối. Ảnh: Vietseeds

Ươm những mầm tốt

Theo chị Cát Tường, kể từ khi thành lập năm 2011, đội ngũ sáng lập VietSeeds đã có một niềm tin: Không ai có thể thành công một mình. Vì vậy, mọi hoạt động của VietSeeds đều xoay quanh nỗ lực tạo ra và lan tỏa những giá trị tốt đẹp cùng nhau. “Bằng cách đó, sự tử tế sẽ không ngừng được nhân lên. Chúng ta sẽ có một cộng đồng tử tế, một xã hội nơi mọi người kết nối với nhau bằng sự thấu cảm và sẻ chia”, chị Cát Tường chia sẻ thêm.

Để ươm mầm những điều tử tế ấy, ở mỗi mùa tuyển sinh, VietSeeds đều lựa chọn đặt niềm tin vào những “hạt mầm” kiên cường nhất - những bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng đầy tiềm năng và khao khát thay đổi, cống hiến cho xã hội. Từ đó, những hạt mầm sẽ lớn lên thành cây xanh, tiếp tục che chở và dìu dắt các thế hệ tiếp nối.

Bằng chứng rõ rệt nhất cho tinh thần Pay It Forward là những dự án lan tỏa, nối dài từ chính những người trưởng thành ở VietSeeds. Green Puzzle - Giải cứu pin cũ của các bạn sinh viên VietSeeds khu vực TPHCM là một minh chứng. Theo bạn Lê Thị Thùy Dương, người sáng lập, trưởng dự án thế hệ đầu tiên và hiện đang giữ vai trò cố vấn, cho biết, sau khoảng gần 1,5 năm hoạt động, đã có 700kg pin cũ được thu gom và xử lý với 20 trạm thu hồi pin; 3 chương trình kết hợp giáo dục kiến thức về thu gom pin và đổi pin lấy quà. Dự án do nhóm sinh viên thế hệ thứ 9 và 10 ở TPHCM khởi xướng, hiện đã được bàn giao cho các bạn sinh viên thế hệ thứ 11 tiếp tục triển khai, mở rộng.

Từ 11 sinh viên ban đầu, các dự án vì cộng đồng ở VietSeeds ngày càng tăng cả về lượng và chất như: Cẩm nang bệnh viện, Nhận thức cộng đồng về trầm cảm sau sinh - CAPD, Chắp cánh cho em, Be Loved Be Yourself…, hay School for Stay Strong Saigon - chiến dịch gây quỹ và tổ chức chuỗi sự kiện giáo dục tổ chức vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến căng thẳng ở TPHCM. Hơn 1 năm qua, thế hệ sinh viên thứ 9, 10 và 11 đã tổ chức thành công gần 30 dự án cộng đồng với ý tưởng đa dạng: từ môi trường, giáo dục, nông nghiệp đến quản lý tài chính, giáo dục giới tính, sức khỏe tinh thần...

Hiểu đúng, hành động đúng

Theo Thùy Dương, điều quan trọng nhất để tinh thần Pay It Forward được lan tỏa là sự biết ơn. Cô chia sẻ: “Mỗi sinh viên đã nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người, từ nhà tài trợ, cố vấn, cho đến đội ngũ VietSeeds... để rồi sau đó chúng tôi thể hiện sự biết ơn bằng những hành động tử tế tương tự với cộng đồng của mình”.

Tại VietSeeds, các bạn trẻ được trao cơ hội, kỹ năng để lan truyền tinh thần đáp đền tiếp nối Ảnh: VIETSEEDS

Tại VietSeeds, các bạn trẻ được trao cơ hội, kỹ năng để lan truyền tinh thần đáp đền tiếp nối Ảnh: VIETSEEDS

Và, để tinh thần ấy tại VietSeeds được lan tỏa, truyền động lực và nhân rộng hơn nữa, các bạn sinh viên không hề đơn độc. Họ luôn được theo sát, đồng hành và nhận nhiều sự hỗ trợ từ đội ngũ vận hành, các nhà cố vấn, tài trợ cả về vật chất và giá trị tinh thần (lời khuyên, hỗ trợ truyền thông, lan tỏa dự án). Các buổi đào tạo về kỹ năng quản lý dự án giúp các bạn có thêm kinh nghiệm, bớt đi sự bỡ ngỡ, dù ai cũng tràn đầy ước muốn được sẻ chia và cống hiến. Như trong dự án Wings - Chuỗi lớp học kỹ năng mềm cho học sinh cấp 3, các bạn nhận được cố vấn đến từ nhà giáo dục Bùi Trân Phượng, người từng có nhiều cống hiến, xuất hiện trong Top 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2016, 2017 theo bình chọn của tạp chí Forbes Vietnam.

Có thể thấy, hiện nay tinh thần Pay It Forward đang được nhiều bạn trẻ tiếp nối, nhiều dự án cộng đồng được tạo ra, là một tín hiệu đáng mừng. “Tôi nghĩ những dự án thật sự đem lại tác động tích cực cho cộng đồng sẽ bền vững vì đối tượng thụ hưởng liên quan là minh chứng rõ ràng nhất”, Thùy Dương nhấn mạnh.

Trong xu thế chung, chị Cát Tường cho rằng, những trường hợp “hô hào khẩu hiệu” có lẽ là điều khó tránh khỏi và các dự án sáo rỗng, chỉ đánh bóng tên tuổi, không tạo được tác động tích cực, khó bền vững, dần dần sẽ bị đào thải. Nếu chỉ là hô hào khẩu hiệu đơn thuần sẽ không đủ sức mạnh để thay đổi nhận thức và hành động của mỗi cá nhân.

“Hô hào khẩu hiệu hay xây dựng hình ảnh không hoàn toàn xấu. Nhưng nó chỉ nên là một giá trị đi kèm sau khi tinh thần Pay It Forward được lan tỏa, ý nghĩa của việc nhận lại - cho đi được thấu hiểu và thực hành đúng nghĩa”, chị Cát Tường khẳng định.

Chị Cát Tường cho biết: “Toàn bộ ý tưởng này xuất phát từ sự thấu hiểu của chính các bạn sinh viên với cộng đồng xung quanh, sự đồng cảm và ước mong được tạo ra những tác động tích cực cho xã hội. Thông qua việc triển khai dự án cùng nhau, các bạn có cơ hội phát triển các kỹ năng như làm việc nhóm, lãnh đạo nhóm, giải quyết vấn đề, giao tiếp, quản trị thời gian...”.

VĂN TUẤN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhan-len-cong-dong-tu-te-post688094.html