Nhân lên kho tàng di sản văn hóa độc đáo của dân tộc Dao
Xuân 2020 - Dân tộc Dao ở huyện Vị Xuyên có những giá trị di sản văn hóa thể hiện rõ nét ở đặc điểm cư trú, trang phục, tín ngưỡng… Với bản tính thân thiện, cởi mở, thật thà, chất phác, đồng bào Dao sống rất tình cảm, họ nương tựa vào nhau, sống đoàn kết, giúp đỡ nhau để vươn lên trong cuộc sống. Xưa kia, do phá rừng làm nương rẫy, nên các nhà ở dựng tạm bợ và cách xa nhau. Ngày nay, người Dao đã định canh định cư, quy hoạch nơi ở theo loại hình quần tụ công xã nông thôn. Họ chọn những nơi thuận lợi cho hoạt động kinh tế, gần rừng, gần nguồn nước. Nhà ở được dựng theo các tầng bậc cao, thấp khác nhau, lấy quan hệ dòng họ, làng xóm đùm bọc, chia sẻ làm tinh thần.
Trong văn hóa truyền thống của người Dao, nhà ở có nét kiến trúc rất riêng biệt. Nhà sàn của người Dao cao 8m, dài 12m, rộng 10m, gồm 6 hàng chân có 25 xà xiên, chân cột được kê bằng đá suối do thiên nhiên bào gọt nhẵn phẳng. Mái nhà có 2 mái dài 14m, rộng 7m và 2 mái trái. Nhà sàn người Dao Lùng Tao, xã Cao Bồ ở quá giang có chạm chìm chữ Hán nôm ghi năm, tháng, ngày, giờ dựng nhà. Gian giữa là nơi đặt bếp lửa. Gian đầu là nơi đặt cầu thang lên xuống và là nơi tiếp khách, gian trái là nơi để đồ đạc gia đình. Buồng ngủ ở dãy ô hành lang phía nhìn về nơi mặt trời mọc. Buồng ngủ đầu tiên tiếp giáp sau lưng bàn thờ là ông bà hoặc bố mẹ, các con, cháu ngủ ở các buồng cạnh 2 bên. Các nhà sàn đều có gác xép để bảo quản lương thực. Tất cả các đều theo hướng lưng tựa vào đồi, mặt nhìn xuống suối hoặc ruộng nước.
Theo phong tục của người Dao, họ thờ thần lửa, thần núi và thờ tổ tiên. Người Dao không có tập tục sắp lễ, thắp hương vào ngày mùng 1 và ngày rằm âm lịch hàng tháng mà trong 1 năm chỉ thắp hương vào các dịp Tết truyền thống như: Tết Nguyên đán, Rằm tháng Giêng, mùng 6 tháng 6, Rằm tháng 7. Ngày nay, đồng bào dân tộc Dao sinh sống trên địa bàn huyện Vị Xuyên còn giữ được một số nét tín ngưỡng đáng quý. Vào ngày lập Xuân, nhà nào cũng có người đại diện đi gieo trồng lúa, ngô, lạc, đậu... để cầu cho một năm được mùa no ấm. Ngày Cốc vũ (mưa rào) trong năm, gia đình có 1 người ra hái búp chè non về đun cho cả nhà cùng uống, cầu mong mọi người được sức khỏe, tươi trẻ.
Đầu Xuân, người Dao thường làm lễ Cắm cô (còn gọi là lễ tập trung) để cầu may, lộc, phúc đầu năm. Mỗi hộ đóng góp 1 lít rượu, 1 con gà, 1 cặp bánh cùng tập trung tại nhà già làng. Chủ trì làm lễ cúng thiên - địa do thầy mo hoặc già làng, gồm 2 phần: Lễ cúng thiên ở ngoài trời tại giàn phơi đầu nhà sàn hoặc chọn nơi đất đẹp, bằng phẳng để hành lễ, lễ cúng địa ở trong nhà.
Có thể nói, kho tàng văn nghệ dân gian người Dao rất đa dạng. Họ hát cọi mỗi bài 7 đoạn, 14 câu hát đối gồm 1 bài 14 câu giao duyên. Khi vào lễ hội cúng thiên địa (gọi là tìm man) có bài múa cúng tập thể gồm những người giúp việc cho thầy tạo làm. Các nhạc cụ truyền thống của người Dao có: Trống loại 2 mặt và loại 1 mặt làm bằng da sơn dương hoặc da ngựa, chiêng, chọe đồng, chuông lắc đồng. Người Dao có truyền thống trị bệnh bằng thực vật ở rừng. Người bị ốm suy nhược, mới đẻ con, các bệnh ngoài da, gãy xương, rắn cắn đều được chữa hiệu quả bằng Đông y. Trong văn hóa ẩm thực của người Dao có các món ăn truyền thống rất đặc trưng như: Cá suối muối, thịt muối chua, xôi trắng, xôi ngũ sắc…
Trong quá trình phát triển, hội nhập, việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống là hết sức quan trọng. Đồng thời, cần tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của các dân tộc anh em, làm cho các giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao ngày càng đặc sắc.
Bài, ảnh: Nguyễn Ngân