Nhân lên nghĩa cử cao đẹp

Có những bệnh nhân đứng trước lằn ranh sinh tử đã được kéo dài sự sống nhờ được ghép tim, gan, thận… bằng mô, tạng từ nguồn hiến tặng. Để góp phần nhân lên những nghĩa cử cao đẹp, năm 2023, các cấp Hội Chữ thập đỏ tập trung tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục đăng ký hiến mô, tạng...

Một ca ghép tạng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức. Ảnh: VGP

Một ca ghép tạng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức. Ảnh: VGP

Được sống nhờ ghép tạng

Từ nguồn mô, tạng hiến tặng, giới y học nước ta đã mang đến cuộc sống mới cho một số bệnh nhân mắc bệnh nặng. Gần đây nhất là nam bệnh nhân ở khu vực Tây Nguyên bị suy tim, thận giai đoạn cuối đã được kéo dài sự sống nhờ được ghép đa tạng (tim và thận) từ một bệnh nhân nữ không may chết não ở Hà Nội. Tiếp đó là bệnh nhân nữ ở tỉnh Bắc Giang bị suy tim, bệnh nhân nam ở tỉnh Ninh Bình bị nang đường mật, 2 bệnh nhân nam ở thành phố Hải Phòng bị suy thận cùng được ghép tạng từ một bệnh nhân nam bị tai nạn giao thông, dẫn đến chết não ở tỉnh Bắc Giang…

Để nhiều người đứng trước lằn ranh sinh tử được hồi sinh, những năm gần đây, các cơ quan chức năng tích cực tuyên truyền, vận động về ý nghĩa nhân văn cao cả của việc đăng ký hiến mô, tạng đến đông đảo người dân. Đến nay, cả nước có khoảng 170.000 người đã đăng ký hiến mô, tạng.

Trong công tác vận động người dân đăng ký hiến mô, tạng, các cấp Hội Chữ thập đỏ là đơn vị nòng cốt và có nhiều đóng góp tích cực. Theo Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa, giai đoạn 2017-2022, các cấp Hội vận động được gần 28.000 người đăng ký hiến mô, tạng, trong đó 671 người đã hiến giác mạc, 2 người đã hiến bộ phận cơ thể sau khi qua đời.

Tại Hà Nội, những năm qua, Hội Chữ thập đỏ thành phố phối hợp với các đơn vị chức năng phát động chương trình đăng ký hiến mô, tạng với chủ đề “Cho đi là còn mãi”, thu hút hàng trăm người đăng ký hiến tặng. Chị Đào Thùy Dung (40 tuổi), trú tại phường Kim Mã (quận Ba Đình) chia sẻ: “Tôi mong muốn sống một cuộc đời thật ý nghĩa nên đã đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết não với hy vọng sự sống được tiếp nối ở cơ thể khác”.

Mặc dù được một bộ phận người dân đăng ký tham gia, nhưng số ca hiến mô, tạng hiện còn ít so với số người không may bị chết não, càng ít hơn so với nhu cầu cần ghép mô, tạng của bệnh nhân.

Người dân xã Bản Lang, huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) đăng ký hiến mô, tạng.

Người dân xã Bản Lang, huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) đăng ký hiến mô, tạng.

“Mưa dầm, thấm lâu”

Góp phần lan tỏa, nhân lên những nghĩa cử cao đẹp, giai đoạn 2022-2027, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam yêu cầu các tổ chức hội tăng cường tuyên truyền về hiến mô, tạng lồng ghép với cuộc vận động hiến máu tình nguyện; chủ động ứng dụng công nghệ số trong công tác vận động để nâng cao hiệu quả. Những tập thể, cá nhân ghi dấu ấn đậm nét trong công tác này sẽ được tôn vinh, khen thưởng kịp thời.

Tại Hà Nội, Hội Chữ thập đỏ thành phố đã ban hành kế hoạch riêng về nội dung này. "Thông qua nhiều biện pháp được triển khai, chúng tôi đặt mục tiêu vận động ít nhất 100 người đăng ký làm việc nghĩa sau khi không may chết não; đồng thời thiết lập đội ngũ tình nguyện viên chữ thập đỏ nòng cốt tham gia tuyên truyền, vận động hiến mô, tạng ở cơ sở", Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội Đào Ngọc Triệu cho hay.

Ở cơ sở, việc vận động hiến mô, tạng nhân đạo cũng được mạng lưới chữ thập đỏ quan tâm triển khai. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Đan Phượng Bùi Thị Minh Nguyệt cho biết: “Huyện Đan Phượng sẽ phát động chương trình đăng ký hiến mô, tạng vào Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện năm 2023 (ngày 7-4 tới). Để người dân hiểu rõ hơn về chương trình ý nghĩa này, chúng tôi liên tục đưa thông tin đến với người dân qua hệ thống đài truyền thanh xã, thị trấn, qua các nhóm tuyên truyền lưu động và qua những tấm băng rôn, pano, khẩu hiệu treo trên các tuyến đường, phố lớn, khu vực trung tâm”.

Với cách làm tương tự, mạng lưới Hội Chữ thập đỏ trên địa bàn các huyện Ba Vì, Gia Lâm, Sóc Sơn... đưa nội dung, ý nghĩa của việc hiến mô, tạng đến từng khu dân cư, từng gia đình. Tuy nhiên, do còn những rào cản nên việc vận động người dân đăng ký hiến, mô tạng ở Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung vẫn gặp không ít khó khăn.

Từ kinh nghiệm dày dặn trong hơn 20 năm vận động hiến máu tình nguyện, ông Lê Đình Duật, trú tại phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) đánh giá, những khó khăn trong việc vận động hiến mô, tạng có phần giống với những khó khăn khi mới triển khai phong trào hiến máu tình nguyện. Để biến những thách thức thành cơ hội, cách tốt nhất là, những cán bộ, hội viên, tình nguyện viên nòng cốt của cuộc vận động này cần bền bỉ triển khai. Mưa dầm ắt sẽ thấm lâu!

Khoa học đã chứng minh, một người hiến mô, tạng sau khi chết não có thể mang lại sự sống, ánh sáng ít nhất cho 5 bệnh nhân. Người Việt Nam ta thường răn dạy nhau: “Cứu một mạng người, hơn xây 7 tòa tháp”. Ở góc độ này, có lẽ việc đăng ký hiến mô, tạng là biểu hiện rõ nhất của tấm lòng từ thiện. Mong rằng, chương trình vận động hiến mô, tạng từng bước lan tỏa, thấm sâu, giúp nhiều bệnh nhân có cơ hội kéo dài sự sống.

Hà Hiền

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/1059839/nhan-len-nghia-cu-cao-dep