Nhân lên những giá trị văn hóa gia đình tốt đẹp

Trong thời hiện đại, việc coi trọng các giá trị văn hóa gia đình sẽ góp phần giữ vững ổn định xã hội, làm cho những giá trị tích cực lan tỏa trong đời sống.

Gia đình là cội nguồn sức mạnh

Gia đình và hôn nhân là một giá trị quan trọng ở Việt Nam và là thiết chế xã hội phổ biến. Nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho thấy, phần lớn những người được hỏi vẫn khẳng định tầm quan trọng của hôn nhân. Quan điểm của nhóm những người chưa kết hôn cho thấy xu hướng hôn nhân vẫn là xu hướng chủ đạo trong tương lai (với 80,5% số người chưa kết hôn cho biết sẽ “kết hôn, có gia đình”, 46,2% cho rằng “thanh niên đến tuổi trưởng thành phải lập gia đình”; tỷ lệ người đồng ý với việc sống độc thân thấp hơn nhiều so với số người không đồng ý). Giá trị của gia đình cũng đã được chứng minh bằng nhiều thực tế. Vừa qua, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Việt Nam và nhiều nước thực hiện giãn cách xã hội, khi ấy, giá trị gia đình và văn hóa gia đình của người Việt được nhìn rõ hơn. Kết quả thực tế đã chứng minh những giá trị văn hóa gia đình Việt Nam góp phần giúp chúng ta chiến thắng dịch bệnh, trở thành một trong những hình mẫu của thế giới.

Ở góc độ nhỏ hơn, giá trị gia đình, văn hóa gia đình một lần nữa được lan tỏa trong Lễ tuyên dương 20 gia đình trẻ tiêu biểu lần thứ nhất-năm 2020 do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tổ chức cách đây ít ngày. Một trong số đó là gia đình anh Nguyễn Văn Thìn (34 tuổi), giáo viên Trường Trung cấp nghề số 11 TP Vĩnh Yên và chị Nguyễn Thị Việt Hà (34 tuổi), Giám đốc Trung tâm Khai Trí (Vĩnh Phúc). Trải qua sóng gió cuộc sống, khi anh gặp tai nạn rồi bệnh tật, chị một mình vừa chăm chồng, chăm con nhỏ mới sinh, vừa tận tâm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn. Để có được hạnh phúc, gia đình họ luôn tâm niệm về sự đồng thuận. Chị Hà tâm sự: “9 năm, quãng thời gian đủ dài để tôi hiểu được rằng, sau tất cả chỉ có gia đình mới là điều quan trọng nhất. Tôi càng hiểu rõ hơn rằng, gia đình hạnh phúc không phải là gia đình sống trong một ngôi nhà to mà là một ngôi nhà đầy ắp tiếng cười, niềm hạnh phúc và tin tưởng nhau tuyệt đối. Vợ chồng yêu thương, hòa thuận lẫn nhau, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn và luôn ủng hộ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống và công việc”.

 Người dân bản Ngòi, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc, Hòa Bình) hướng dẫn các cháu làm bánh cổ truyền.

Người dân bản Ngòi, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc, Hòa Bình) hướng dẫn các cháu làm bánh cổ truyền.

Gạn đục khơi trong văn hóa gia đình

Những giá trị văn hóa gia đình cho thấy đã thực sự đi vào cuộc sống, len lỏi vào từng “tế bào” của xã hội chứ không phải nằm trên những lý thuyết hay văn bản giấy tờ. Giá trị gia đình Việt Nam đã góp phần làm nên những con người Việt Nam, xã hội Việt Nam của thời đại mới, thích ứng, hội nhập nhưng vẫn giữ bản sắc. Điều này được khẳng định, được nhân lên qua các chương trình, phong trào, những cuộc vận động như toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới; toàn dân chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em... Sau gần 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam ra đời (2001), đến nay, từ Trung ương tới địa phương, nhiều bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố đã có chỉ đạo triển khai những hoạt động thiết thực như tôn vinh các gia đình tiêu biểu, trong đó có các gia đình trẻ, các gia đình cao niên, gia đình khuyết tật, các hoạt động từ thiện, nhân đạo, thăm hỏi, động viên và tổ chức các hội thi về văn hóa ứng xử trong gia đình, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, về tiêu chí ứng xử trong gia đình, vận động và khuyến khích các gia đình Việt Nam tổ chức bữa cơm đoàn viên, bữa cơm sum họp.

Bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng: “Các gia đình văn hóa tiêu biểu là những tấm gương sáng, khẳng định trên thực tiễn mô hình gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, gia đình vượt khó đi lên, gia đình nhiều thế hệ chung sống mẫu mực, gia đình văn hóa thực sự là "tổ ấm" của mỗi người, là môi trường văn hóa lành mạnh của xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”.

Theo PGS, TS Lê Thị Bích Hồng, giảng viên cao cấp Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội, những thành tố quan trọng của văn hóa gia đình truyền thống như: Gia phong, gia đạo, gia huấn có phần chưa được chú ý một cách đầy đủ, toàn diện trong cuộc sống hiện đại. Từ sự thiếu quan tâm đó đã dẫn đến những hệ lụy liên quan đến sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của từng thành viên trong gia đình. Chính điều đó đã, đang, sẽ tác động trực tiếp đến gia đình-thành lũy kiên cố nhất góp phần bảo vệ, duy trì và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tuy nhiên, những giá trị cốt lõi mang tính tích cực vẫn là ưu thế. Vì thế chúng ta phải luôn hướng tới những điều tích cực, làm sao để tất cả người Việt Nam đều cùng tham gia vào xây dựng những giá trị tốt đẹp nhất của gia đình Việt Nam. Hơn lúc nào hết, ba cột trụ quan trọng gia đình-làng-nước vốn là những thực thể gắn bó chặt chẽ với nhau không được lơi lỏng và càng không thể tách rời trong cuộc sống hiện đại hôm nay. Đó chính là khối đoàn kết cộng đồng tạo nên sức mạnh Việt Nam.

Bài và ảnh: LAN DỊU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/nhan-len-nhung-gia-tri-van-hoa-gia-dinh-tot-dep-624735