Nhân lên những việc làm tốt của nhân viên y tế
Dù ở trong hay ngoài bệnh viện, gặp các tình huống khẩn cấp, đe dọa sức khỏe, tính mạng của người dân, các bác sĩ, điều dưỡng đều nỗ lực, dốc hết khả năng để cứu chữa cho họ.
Những hành động đẹp đó đã và đang được lan rộng trong ngành Y tế, nhận được nhiều lời ngợi khen từ cộng đồng.
Giành giật sự sống cho mẹ con sản phụ
Với việc thực hiện thành công nhiều ca mổ sản khoa khó, điển hình là ca mổ lấy thai suy bị sốc phản vệ nặng, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con, tập thể ê-kíp mổ Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa Cao su Đồng Nai vừa được UBND tỉnh tặng bằng khen gương Người tốt, việc tốt năm 2022.
ThS-BS Nguyễn Đức Toản, Trưởng liên khoa Ngoại - Sản Bệnh viện Đa khoa Cao su Đồng Nai chia sẻ: “Sự ghi nhận của các cấp là nguồn động viên tinh thần to lớn, tạo động lực để các bác sĩ, điều dưỡng trong khoa cũng như trong bệnh viện làm tốt hơn nữa nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân”.
Theo bác sĩ Toản, cuối tháng 8-2022, thai phụ T.T.T. (32 tuổi, ngụ xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất) mang thai ở tuần thứ 39 đến Bệnh viện Đa khoa Cao su Đồng Nai để sinh con. 2 ngày sau nhập viện, thai phụ vỡ ối, toàn thân nổi mẩn, đau ngực, khó thở, mệt mỏi, rơi vào tình trạng phản vệ mức độ nặng, lơ mơ.
Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế LÊ QUANG TRUNG nhấn mạnh: “Những hành động đẹp của nhân viên y tế là những việc làm thiết thực nhất thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Những hành động này cần được tiếp tục lan tỏa không chỉ trong ngành Y tế mà toàn xã hội”.
Bệnh viện đã ngay lập tức cấp cứu cho bệnh nhân. Tuy nhiên, sau đó, thai phụ lịm dần, tim thai có dấu hiệu rời rạc, nồng độ oxy trong máu tụt, các đầu ngón chân tím đen. Thai phụ được hồi sức cấp cứu liên tục nên ít phút sau đó các nốt mề đay trên da giảm bớt, có phản xạ, ý thức trở lại. Mặc dù vậy, tim thai lại bắt đầu xấu đi nên các bác sĩ lại tiếp tục hồi sức cho thai nhi. Đến khi tim thai được cải thiện thì thai phụ lại lên cơn đau bụng dồn dập.
“Trước tình thế cấp bách, chúng tôi quyết định sẽ mổ lấy thai. Khi được đưa lên bàn mổ, các triệu chứng sốc phản vệ nặng của thai phụ tái diễn nên chúng tôi tiếp tục dùng phác đồ chống phản vệ nặng để điều trị cho thai phụ. Sau khi triệu chứng sốc phản vệ giảm, chúng tôi tiếp tục đặt nội khí quản rồi tiến hành mổ bắt em bé” - BS Toản cho hay.
Khó khăn vẫn chưa hết, quá trình mổ lấy thai, các bác sĩ phát hiện buồng tử cung của bệnh nhân chảy máu nhiều và có màu đen sẫm. Bệnh nhân chuyển sang sốc nên ê-kíp đã tiến hành hồi sức chống sốc cho bệnh nhân, đồng thời khâu ép cơ tử cung cầm máu và thắt động mạch tử cung lại. Sau 2 tiếng phẫu thuật, ca mổ thành công.
Nhớ lại ca mổ cấp cứu đặc biệt, BS Toản tâm sự, ca mổ rất khó khăn do ê-kíp vừa phải chống sốc cho sản phụ vừa phải tiến hành mổ để cứu cả 2 mẹ con. Trong mổ, sản phụ huyết động không ổn định, thai bị suy. Nếu không kịp thời mổ lấy thai, em bé sẽ suy tim thai và chết trong bụng mẹ, tính mạng của sản phụ cũng bị đe dọa.
Nhờ được cấp cứu kịp thời, sức khỏe của 2 mẹ con bệnh nhân sau đó ổn định, được xuất viện về nhà.
Cứu người ở mọi nơi
Đến nay, BS CKI Hoàng Đức Mạnh, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai vẫn nhớ như in kỷ niệm sơ cấp cứu cho thai phụ sinh rớt trên xe buýt.
BS Mạnh kể, thời điểm tháng 8-2022, anh đang trên xe buýt từ H.Thống Nhất về H.Tân Phú thì bất ngờ trên xe có một thai phụ đau bụng dữ dội kèm ra huyết, tình trạng rất nguy kịch. Trước tình huống khẩn cấp trên, BS Mạnh đã gọi điện cho bác sĩ chuyên khoa trong bệnh viện để được hướng dẫn xử trí. Đồng thời nhanh chóng đưa thai phụ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ, điều dưỡng ở đây tiếp tục sơ cấp cứu cho thai phụ. Sau đó, cùng nhân viên y tế chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để được cứu chữa kịp thời. Nhờ vậy, thai phụ đã qua cơn nguy kịch. BS Mạnh cùng những hành khách đi trên xe buýt cũng đã quyên góp 1,5 triệu đồng để giúp đỡ thai phụ.
Trong khi đó, vợ chồng anh Lê Xuân Sơn (kỹ thuật viên) và chị Lê Thị Nhung (điều dưỡng) của Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai lại kịp thời cấp cứu hồi sức thành công cho một em bé sơ sinh bị sinh rớt trong nhà vệ sinh.
Chị Nhung cho hay, chiều hôm xảy ra sự việc, 2 vợ chồng chị đang trên đường đến nhà chị gái của thai phụ T., 37 tuổi, ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa chơi. Khi gần đến nơi, 2 vợ chồng được biết chị T. vừa sinh rớt em bé trong nhà vệ sinh (trước ngày dự sinh khoảng 1 tháng) nên vội vàng chạy đến nhà chị T. (gần nhà chị gái) để giúp đỡ.
Đến nơi, vợ chồng chị Nhung nhận thấy em bé tím tái, có dấu hiệu thở yếu. Không chần chừ, anh Sơn lập tức gọi điện cho bác sĩ sản khoa của bệnh viện để được hướng dẫn hồi sức cấp cứu, lau khô người, ủ ấm cho em bé. Lo ngại em bé hít phải nước bồn cầu và nước ối bị sặc, anh Sơn cho em bé nằm nghiêng để dịch nhớt trong miệng em bé chảy ra ngoài, kích thích cho em bé khóc. Cùng với đó, chị Nhung tiến hành cắt dây rốn cho em bé. Sau 40 giây được hồi sức cấp cứu, em bé có phản xạ, khóc, da hồng hào trở lại, được vợ chồng chị Nhung và người nhà đưa vào bệnh viện tiếp tục cấp cứu, chăm sóc.
Một hành động đẹp khác cũng đã được biểu dương là trường hợp BS Huỳnh Phúc Hưng, Trưởng khoa Nội soi; 2 điều dưỡng Hồ Thị Trang, Nguyễn Thu Huyền, Khoa Tiêu hóa của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã dũng cảm cứu bệnh nhân có ý định nhảy lầu tự tử tại bệnh viện vào tháng 7-2022.
BS Hưng cho biết, khi anh đang khám bệnh cho bệnh nhân thì có một điều dưỡng chạy vào báo có bệnh nhân nam định nhảy từ lầu 10 xuống. Vội vàng chạy ra bên ngoài, BS Hưng thấy điều dưỡng Huyền và Trang đang nắm tay bệnh nhân khi bệnh nhân đã bước qua lan can phía bên giếng trời. BS Hưng lập tức chạy đến, hợp sức cùng 2 điều dưỡng kéo bệnh nhân lên, đưa vào bên trong lan can an toàn.