Nhân lên niềm tự hào lịch sử dân tộc

Những ngày tháng Tư lịch sử, nơi nơi hân hoan hướng về kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023) bằng nhiều hoạt động ý nghĩa. Đến một số trường vùng cao của tỉnh, chúng tôi rất ấn tượng với sự đổi mới, sáng tạo của thầy cô giáo trong giáo dục truyền thống cho học trò.

Trường Tiểu học số 1 Thượng Hà (huyện Bảo Yên) là ngôi trường nhỏ của xã nghèo với đa phần học sinh là con em đồng bào Dao, Mông.

Hơn 1 tháng qua, ai đến ngôi trường này cũng bất ngờ với sự thay đổi quang cảnh trường, lớp, nổi bật là cụm tranh khổ lớn dài gần 25 m tái hiện chiều dài lịch sử đất nước Việt Nam qua những sự kiện lịch sử quan trọng như Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Hội nghị Diên Hồng, Bến cảng Nhà Rồng nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước; Quảng trường Ba Đình - nơi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập; Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; hình ảnh xe tăng của bộ đội ta húc đổ cổng Dinh Độc Lập trong ngày 30/4/1975…

Cụm tranh các sự kiện lịch sử của Trường Tiểu học số 1 Thượng Hà có chiều dài gần 25 m nổi bật trên sân trường.

Cụm tranh các sự kiện lịch sử của Trường Tiểu học số 1 Thượng Hà có chiều dài gần 25 m nổi bật trên sân trường.

Đang cùng các bạn chăm chú tìm hiểu về các sự kiện lịch sử qua những bức tranh lớn ngay ở sân trường, em Đào Thị Yến Nhi, lớp 5A tươi cười: Nhờ ngày nào đến trường cũng được ngắm những bức tranh này, chúng em dễ nhớ các sự kiện, các nhân vật lịch sử nổi tiếng của đất nước. Tháng 4, tháng 5 này gắn với nhiều mốc lịch sử lớn của dân tộc, chỉ cần xem bức tranh Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 và bức tranh chiếc xe tăng của bộ đội ta húc đổ cổng Dinh Độc Lập trong ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975, chúng em đã nhớ được những sự kiện này. Qua đó, chúng em càng thêm biết ơn những hy sinh của các thế hệ trước và phấn đấu học tập thật giỏi để tiếp bước cha anh.

Trường Tiểu học số 1 Thượng Hà đổi mới giờ dạy Lịch sử tạo sự hấp dẫn cho học sinh.

Trường Tiểu học số 1 Thượng Hà đổi mới giờ dạy Lịch sử tạo sự hấp dẫn cho học sinh.

Thầy giáo Nguyễn Quốc Lộc, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Thượng Hà cho biết: Cuối năm 2022, Ban Giám hiệu nhà trường có ý tưởng thiết kế một hệ thống tranh về các mốc lịch sử quan trọng của đất nước nhằm thường xuyên giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh. Tận dụng những chiếc bảng cũ, cô giáo Nguyễn Hồng Liên dạy Mỹ thuật của trường cùng sự hỗ trợ của 2 giáo viên Mỹ thuật khác đã tranh thủ thời gian sau giờ học, ngày nghỉ cuối tuần để vẽ 7 bức tranh khổ lớn, mỗi bức cao 2,4 m, dài 2,5 m. Tổng chiều dài 7 bức tranh gần 25 m. Để trang trí cho hệ thống tranh thêm sinh động, thầy cô giáo cùng học sinh tận dụng gỗ lõi của xưởng ván bóc làm 4 chiếc cối xay gió và những mô hình hoa văn nhiều màu sắc. Hệ thống tranh vừa giúp nâng cao hiệu quả dạy học môn Lịch sử vừa làm đẹp quang cảnh nhà trường, giúp học sinh thêm yêu trường, lớp.

Rời Bảo Yên, chúng tôi ngược huyện vùng cao Bắc Hà để tham quan Trường PTDT bán trú Tiểu học số 1 Nậm Mòn. Khi chúng tôi có mặt, cô giáo Đào Thị Mai Hương, giáo viên dạy môn Lịch sử - Địa lý lớp 4 đang hướng dẫn học sinh tìm hiểu về sự kiện chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954. Điều khác biệt so với những tiết học khác là học sinh được học qua mô hình trực quan. Khi cô giáo Hương bật công tắc điện, mô hình Chiến dịch Điện Biên Phủ hoạt động tái hiện các đợt tấn công của bộ đội ta vào căn cứ quân sự của Pháp. Các quá trình vận tải, chuẩn bị lương thực, vũ khí, bộ đội hành quân… cũng được thể hiện rõ nét, giúp học sinh hình dung được toàn bộ chiến thắng lịch sử quan trọng này.

Mô hình bản đồ Việt Nam và quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Trường PTDT bán trú Tiểu học số 1 Nậm Mòn (huyện Bắc Hà).

Mô hình bản đồ Việt Nam và quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Trường PTDT bán trú Tiểu học số 1 Nậm Mòn (huyện Bắc Hà).

Cô giáo Đào Thị Mai Hương cho biết: Thông thường, một số học sinh rất ngại học môn Lịch sử vì có nhiều số liệu, mốc ngày tháng năm khó nhớ. Tuy nhiên, giờ học Lịch sử qua mô hình bớt đi sự khô khan, khó nhớ như học “chay” với sách giáo khoa. Âm thanh của tiếng súng như ngoài trận địa, sự di chuyển của những chú bộ đội trong mô hình làm các em hào hứng, thích thú. Ngoài ra, trong các giờ dạy, tôi kết hợp thêm với việc khai thác học liệu điện tử, trình chiếu trên máy tính cho học sinh xem những video, hình ảnh tư liệu lịch sử dễ hiểu hơn.

Theo thầy giáo Trần Văn Lâm, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học số 1 Nậm Mòn, mô hình Chiến dịch Điện Biên Phủ là sản phẩm của thầy và trò nhà trường đã đoạt giải Đặc biệt trong Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm học 2020 - 2021. Đến nay, mô hình vẫn được thầy cô giáo sử dụng để dạy học lịch sử, giáo dục truyền thống cho học sinh. Ngoài ra, năm học 2021 - 2022, thầy và trò nhà trường còn sáng tạo mô hình “Người thầy” nhằm giáo dục học sinh truyền thống “tôn sư, trọng đạo”, lòng biết ơn đối với những vất vả của thầy, cô giáo vùng cao. Mô hình đoạt giải Nhì trong Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng của tỉnh.

Việc giáo dục truyền thống qua các mô hình của Trường PTDT bán trú Tiểu học số 1 Nậm Mòn nhân lên niềm tự hào về lịch sử dân tộc cho học sinh.

Việc giáo dục truyền thống qua các mô hình của Trường PTDT bán trú Tiểu học số 1 Nậm Mòn nhân lên niềm tự hào về lịch sử dân tộc cho học sinh.

Đến Trường PTDT bán trú Tiểu học số 1 Nậm Mòn, chúng tôi càng bất ngờ hơn nữa khi thầy giáo Trần Văn Lục giới thiệu mô hình bản đồ Việt Nam và quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, biểu tượng cột cờ trên quần đảo Trường Sa. Mô hình được thiết kế ngay trên sân trường với bản đồ Việt Nam kích thước lớn đắp bằng xi măng, các tỉnh, thành phố được phân biệt bởi màu sắc khác nhau. Đặc biệt, mô hình cột cờ trên quần đảo Trường Sa được thiết kế như thật với lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió.

“Để thực hiện mô hình này, có sự tham gia tích cực của các thầy cô giáo và học sinh, cùng sự trợ giúp của cha mẹ học sinh toàn trường trong 3 tháng. Mô hình giúp học sinh học một số bài học Lịch sử, Địa lý trong chương trình tiểu học như dãy Hoàng Liên Sơn, làm quen với bản đồ, biển, đảo và quần đảo, đồng bằng Bắc Bộ… Điều quan trọng hơn là qua mô hình góp phần giáo dục học sinh niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu biển, đảo Việt Nam”, thầy giáo Trần Văn Lâm cho biết.

Điều quan trọng là qua mô hình góp phần giáo dục học sinh niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu biển, đảo Việt Nam...

Thầy giáo Trần Văn Lâm, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học số 1 Nậm Mòn

Trong những ngày tháng 4, tháng 5 với những sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc, câu chuyện về những đổi mới, sáng tạo trong giáo dục truyền thống cho học sinh tại Trường Tiểu học số 1 Thượng Hà và Trường PTDT bán trú Tiểu học số 1 Nậm Mòn thật đáng trân trọng. Dù ở những xã vùng cao còn nhiều khó khăn, không có điều kiện cho học sinh đi tham quan, trải nghiệm các di tích lịch sử hoặc Bảo tàng tỉnh, thầy và trò các trường vẫn nhân lên ý thức trân trọng, tự hào về giá trị lịch sử của dân tộc bằng những việc làm ý nghĩa.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nhan-len-niem-tu-hao-lich-su-dan-toc-post367799.html