Nhân lên niềm vui cuộc sống cho nhiều hội viên người mù
Nhiều người sinh ra và lớn lên không may khi cơ thể bị khuyết tật. Trong hoàn cảnh đó, có người thì buông xuôi số phận, mặc cảm với mọi người xung quanh nhưng cũng không ít người chịu đầu hàng số phận, vươn lên thành những con người có ích cho xã hội. Chị Trần Việt Anh - Chủ tịch Hội Người mù huyện Phú Xuyên là một người như thế.
Nghị lực phi thường
Sinh năm 1976, quê ở xã Đại Thắng (Phú Xuyên, Hà Nội), chị Trần Việt Anh bị mù bẩm sinh. Không nhìn thấy ánh sáng nhưng chị luôn khát khao chiến thắng bản thân mình.
Và với đôi bàn tay, khối óc, chị đã nỗ lực cố gắng hết mình trong học tập, công tác và trong cuộc sống hàng ngày. Năm 16 tuổi, chị Việt Anh mới bắt đầu học chữ nổi, rồi học tiểu học. Chị kiên trì theo học văn hóa qua các bậc học phổ thông và các chương trình dành cho người khiếm thị.
Đặc biệt, khi tham gia sinh hoạt tại Hội Người mù huyện Phú Xuyên, bằng nghị lực và ý chí ham học hỏi, sự động viên giúp đỡ từ gia đình, bạn bè, chị Việt Anh đã hoàn thành tốt các khóa học chữ nổi, học tin học văn phòng với các phần mềm hỗ trợ người khiếm thị và chị đã sử dụng tài liệu bằng chữ nổi, đánh máy tính thành thạo...
Chưa dừng lại ở đó, chị Trần Việt Anh quyết tâm học đại học và đã tốt nghiệp chuyên ngành Luật của Viện Đại học Mở Hà Nội.
Chị được bầu vào Ban chấp hành Hội Người mù huyện Phú Xuyên từ năm 1996. Với vị trí là một giáo viên giảng dậy chữ Brailee của Huyện Hội và Tỉnh Hội Hà Tây trước đây, chị đã luôn tận tình truyền thụ kiến thức văn hóa và kỹ năng đọc, viết chữ nổi cho học viên.
Năm 2004 chị được bầu là Ủy viên thường trực, đến năm 2006 được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Phú Xuyên. Sau nhiều năm tích cực tham gia các hoạt động của Hội, năm 2017, chị Việt Anh được bầu giữ chức Chủ tịch Hội.
Là người đứng đầu một tổ chức xã hội đặc thù, chị luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hội viên hoặc đến từng nhà vận động, khuyến khích người khiếm thị tham gia các hoạt động để họ bớt mặc cảm, tự tin đương đầu với mọi khó khăn trong cuộc sống.
Dự án dạy nghề cho người khiếm thị
Với suy nghĩ, người khiếm thị tuy không nhìn thấy ánh sáng nhưng không để bản thân bị lãng quên trong bóng tối, chị Việt Anh đã giúp đỡ hội viên tiếp cận tri thức, được dạy nghề, làm nghề cải thiện cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Chị đã tìm tòi và cùng với Ban chấp hành xây dựng, triển khai Dự án lớp học phục hồi chức năng và dạy nghề đan lưới lồng cho hội viên. Để được phê duyệt dự án là cả một quá trình, phải vượt qua rất nhiều khó khăn bởi quỹ Abilis/Phần Lan (đơn vị hỗ trợ) có những yêu cầu rất khắt khe như: Dự án phải có tính thuyết phục, lô gích, chặt chẽ và có nhiều sáng tạo về mặt ý tưởng. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Hội Người mù huyện Phú Xuyên là đơn vị duy nhất đủ điều kiện để được phê duyệt dự án.
Sau khi dự án được phê duyệt, chị Trần Việt Anh lại trăn trở, làm thế nào để vận động được anh chi em đến lớp học. Với sự đồng cảm và lòng nhiệt huyết, chị đã đến từng nhà hội viên để tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên và người nhà hội viên để có biện pháp tuyên truyền vận động.
Bước đầu, hầu hết học viên của lớp đều ngại không muốn tham gia học nghề. Một phần do ngại đi lại, một phần do suy nghĩ người sáng học đan lưới lồng còn khó thì làm sao người khiếm thị học được nghề. Vẫn kiên trì thuyết phục, chị tiếp tục tiềm đến gia đình các học viên, không chỉ 2-3 lần, mà nhiều học viên chị đã phải đến nhà, nói chuyện, thuyết phục rất nhiều lần.
Chị Trần Việt Anh cho biết: Tất cả các học viên tham gia lớp học đều là những người có hoàn cảnh rất khó khăn. Như chị Nguyễn Thị Nhụ, ở thôn Nội Hợp, xã Nam Phong. Chị Nhụ và anh trai đều bị mù bẩm sinh. Đặc biệt anh trai của chị không chỉ bị khiếm thị mà còn bị liệt. Vì vậy chị luôn tự ti, mặc cảm về tật nguyền của bản thân, không muốn tiếp xúc với xã hội.
Hay chị Đoàn Thị Phượng sinh năm 1965, ở tiểu khu Thao Chính, thị trấn Phú Xuyên. Chị cũng bị khiếm thị từ nhỏ. Vì vậy, ngoài các lớp học chữ Brailee do Huyện Hội tổ chức chị chưa một lần được cắp sách tới trường. Hiện nay, chị đang sống với mẹ già đã gần 90 tuổi.
Chị Phượng luôn mang trong lòng mặc cảm rằng mình là người khiếm thị thì không thể làm được những nghề đòi hỏi phải có sự khéo khéo như đan lưới lồng. Và còn rất nhiều chị em khác nữa, vì gia đình, người thân chưa hiểu dự án đã ngăn cản và bản thân họ cũng không muốn tham gia học nghề vì tự ti, mặc cảm.
Sau 3 tháng tham gia lớp học, các học viên đã không còn mặc cảm, sống vui tươi và đã cơ bản làm được những công đoạn của nghề đan lưới lồng, thu nhập từ 50.000 – 60.000 đồng/ngày.
“Điều phấn khởi hơn cả là giờ đây lớp học không chỉ là nơi anh chị em học nghề mà đã trở thành nơi để anh chị em chia sẻ những kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống. Mỗi ngày đến lớp đối với anh chị em đã trở thành một ngày đầy niềm vui và ý nghĩa”, chị Trần Việt Anh chia sẻ.
Là người khiếm thị, nhưng chị Việt Anh luôn được mọi người ngưỡng mộ vì tâm hồn chị không khuyết tật. Khi Hội tổ chức các hoạt động, chị luôn đảm nhiệm việc xây dựng chương trình, làm người dẫn chương trình, mà chị còn hát hay. Bên cạnh đó, chị còn rất tích cực trong các phong trào, các cuộc vận động, các cuộc thi do các cấp tổ chức. Mới đây nhất, năm 2018, chị đã tham gia cuộc thi “Tìm hiểu Bộ luật Hình sự năm 2015” và đã đạt giải Nhất Thành phố.
Với những thành tích đã đạt được, chị Trần Việt Anh đã vinh dự được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Người mù Việt Nam vì có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác Hội, nhiều năm liền được nhận Giấy khen của Hội Người mù thành phố Hà Nội và của Ủy ban nhân dân huyện Phú Xuyên.