Nhân lên sức mạnh khối đại đoàn kết - Kỳ 2: Huy động sức dân để lo cho dân

Bên cạnh những già làng, người có uy tín phát huy tốt vai trò “giữ lửa” ở buôn làng, thời gian qua, mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên có nhiều hình thức tuyên truyền bền bỉ và hiệu quả đã đẩy mạnh các phong trào thi đua, phát triển nhiều mô hình "Dân vận khéo" nhằm huy động sức dân để chăm lo cho dân. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, giúp các vùng quê ngày càng “thay da, đổi thịt”.

Hiến đất phục vụ lợi ích chung

Trong thời buổi “tấc đất, tấc vàng”, việc vận động người dân tham gia hiến đất làm đường và các công trình công cộng khác không phải chuyện dễ làm. Thế nhưng, bằng nhiều hình thức tuyên truyền, mặt trận các cấp đã vận động nhân dân đồng lòng hiến đất để mở rộng đường vì lợi ích chung.

Đưa chúng tôi đi trên con đường bê tông sạch đẹp, hai bên đường các loài hoa đang khoe sắc, ông Phạm Đông - Trưởng thôn Quang Đông (xã Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa) cho biết, Quang Đông là thôn lớn của xã, nằm trong vùng trũng thấp và giáp sông nên mùa mưa lũ thường xuyên bị ngập, có nơi nước vào nhà dân cao gần cả mét. Do đó, thực hiện chủ trương về xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, Nhà nước quan tâm đầu tư làm đường bê tông và kè sông cho thôn. Tuy nhiên, bài toán đặt ra cho cán bộ thôn là vận động người dân hiến đất để làm kè, đường. Ban đầu, một số hộ dân chưa thông, nhưng được sự vận động, tuyên truyền, giải thích của thôn, xã nên người dân đồng thuận hiến đất. Nhà nước đã làm đường, kè có chiều dài 1.500m, với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng, trong đó có 16 hộ dân hiến 800m2 đất, một số hộ dân tự nguyện tháo dỡ hàng rào để mở rộng đường. “Các tuyến đường phục vụ cho khoảng 100 hộ dân sinh sống. Từ khi được nâng cấp, sửa chữa, đường không còn lầy lội, người dân đi lại rất thuận lợi, đặc biệt là học sinh”, ông Đông phấn khởi nói.

Một đoạn đường ở thôn Quang Đông được người dân hiến đất để mở rộng.

Một đoạn đường ở thôn Quang Đông được người dân hiến đất để mở rộng.

Đến thôn Đồng Bé (xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh), hỏi nhà ông Đỗ Quyên ai cũng biết. Hưởng ứng chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong xây dựng NTM, gia đình ông Đỗ Quyên đã tự nguyện hiến gần 120m2 đất, tự dỡ bỏ hàng rào, chặt cây để Nhà nước làm đường. Nhờ đó, con đường sạch đẹp, bằng phẳng rộng hơn 4m được làm vào cuối năm 2020 thay thế cho con đường đất gồ ghề, chỉ rộng chưa được 2m trước đây. Người dân trong thôn có con đường rộng rãi, đi lại thuận lợi nên luôn nhớ đến sự đóng góp của gia đình ông Quyên. Theo báo cáo của xã Diên Thọ, những năm qua, người dân trong xã đã hiến 4.500m2 đất, với tổng trị giá hơn 250 triệu đồng và đóng góp hơn 550 ngày công, tổng trị giá 137 triệu đồng để làm các con đường trên địa bàn xã. Sau khi các con đường được sửa chữa, nâng cấp, đoàn thể trong xã thực hiện nhiều mô hình như: Trồng hoa, thắp sáng đường quê, dựng cổng chào văn hóa…

Không tiếc công, tiếc của, những tấm lòng rộng mở của người dân đã truyền cảm hứng lan tỏa phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn phát triển rộng khắp các thôn, xóm để có được những con đường rộng đẹp nối liền thôn với thôn, xã với xã vì mục đích ích nước, lợi nhà.

Nhiều mô hình vì cộng đồng

Mới hơn 5 giờ sáng, gần 20 thành viên của Mặt trận và các đoàn thể xã Vĩnh Lương (TP. Nha Trang) đã có mặt tại khu vực bãi biển trước Lăng ông Nam Hải (thôn Văn Đăng 2) - nơi thường ngập rác do sóng biển đánh vào. Găng tay, chổi, bao tải… được các thành viên nhanh chóng chia ra; từng nhóm nhỏ đi dọc bãi biển, bờ kè để thu gom rác. Chỉ sau hơn 1 giờ, các bao tải chứa đầy rác đã lần lượt được đưa lên bờ, xếp gọn gàng trên vỉa hè để Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Nha Trang vận chuyển. Từ những hình ảnh đẹp đó, 3 năm trở lại đây, nhiều người dân trong thôn đã tự nguyện chung tay nhặt rác, dọn vệ sinh khu vực bãi biển, bỏ rác vào bao tải mang lên bờ. Bà Đỗ Thị Tuyết Mai - Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Văn Đăng 2 cho biết, bà đã đăng ký với UBMTTQ Việt Nam xã xây dựng mô hình tổ tự quản “Vận động nhân dân nhặt rác trước khi tắm biển”. Từ khi có mô hình, các thành viên trong tổ đã tích cực tuyên truyền cho người dân; đồng thời mỗi ngày, trước khi xuống tắm biển đều tranh thủ nhặt sạch rác. Thấy các thành viên trong tổ tự quản nhặt rác, những người dân tắm biển cũng tự động tham gia và trở thành thói quen hàng ngày. Trung bình mỗi ngày, các thành viên và người dân thu gom 5 - 6 bao tải rác. Nhờ vậy, bãi biển sạch sẽ, người dân tắm không còn bị vướng phải chai lọ, rác thải và các vật dụng khác.

Người dân tham gia thu gom rác tại khu vực bãi biển xã Vĩnh Lương.

Người dân tham gia thu gom rác tại khu vực bãi biển xã Vĩnh Lương.

Mô hình “Ánh đèn an ninh” và “Treo cờ Tổ quốc” tại khu vực xóm 4, thôn Thủy Triều là một trong những mô hình nổi bật ở xã Cam Hải Đông (huyện Cam Lâm). Mô hình đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh hoạt và đi lại dễ dàng hơn vào ban đêm, nhất là học sinh đi học về muộn. Nhờ đó, tình hình an toàn giao thông, an ninh trật tự khu vực này tốt hơn, tình trạng trộm cắp vặt giảm đáng kể. Vào các ngày lễ, Tết, những lá cờ Tổ quốc được treo dọc các tuyến đường tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân. Mô hình được triển khai năm 2020, nhận được sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân. Toàn bộ chi phí mua 40 bóng đèn, dây điện và 50 lá cờ Tổ quốc đều do nhân dân đóng góp và chi trả. Trong quá trình vận hành, Ban Công tác Mặt trận thôn thường xuyên kiểm tra, chỉnh sửa, thay thế kịp thời. Vì vậy, sau gần 4 năm đi vào hoạt động, trên dọc tuyến đường, các bóng đèn hoạt động ổn định; vào các ngày lễ, Tết, những lá cờ Tổ quốc được treo lên trang trọng. Ông Ngô Văn Thái - người dân trong thôn cho biết: “Từ khi có mô hình “Ánh đèn an ninh”, người dân rất an tâm, nhất là các học sinh khi đi học về muộn, gia đình bớt lo lắng. Tình hình an ninh được cải thiện rõ”.

Mô hình "Thắp sáng đường quê" ở xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa.

Mô hình "Thắp sáng đường quê" ở xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa.

Phát huy sức mạnh nhân dân

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết, với phương châm “Huy động sức dân để chăm lo cho dân”, thời gian qua, các cấp ủy, mặt trận và hệ thống chính trị đã phát huy vai trò làm chủ của nhân dân; đề cao ý thức tự quản của cộng đồng, gắn kết trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong chăm lo đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân. Mặt trận các cấp đã tích cực vận động nhân dân tham gia hoạt động xây dựng NTM, đô thị văn minh. Cụ thể như: Xây dựng khu dân cư, tuyến đường, tuyến phố văn hóa; xây dựng các mô hình tự quản về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; xây dựng nếp sống văn hóa trong kinh doanh, ứng xử; thực hiện việc quy hoạch và chỉnh trang đô thị; hiến đất làm đường giao thông nông thôn... Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 2.800 mô hình được công nhận là mô hình “Dân vận khéo”. Trong đó có, hơn 650 mô hình trong lĩnh vực kinh tế, hơn 1.400 mô hình trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, hơn 500 mô hình trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, 265 mô hình trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Phát huy tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”, thời gian qua, mặt trận các cấp trong toàn tỉnh và các tổ chức thành viên đã làm tốt vai trò huy động sức dân, triển khai hiệu quả nhiều mô hình, cuộc vận động đạt được những kết quả quan trọng. Qua đó, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn và đô thị ở các địa phương nói riêng và của tỉnh nói chung, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân có sự cải thiện rõ rệt.

LY VÂN DUNG

Kỳ 1: "Giữ lửa" cho buôn làng

Kỳ 3: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202407/nhan-len-suc-manh-khoi-dai-doan-ket-ky-2-huy-dong-suc-dan-de-lo-cho-dan-28d2094/