Nhân lên sức mạnh khối đại đoàn kết - Kỳ cuối: Đa dạng hóa hình thức tập hợp nhân dân

Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về "phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã phát huy tốt vai trò tập hợp các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc, tôn giáo… Trao đổi về vấn đề này, bà Trần Thu Mai - Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh cho biết:

Bà Trần Thu Mai - Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh

Bà Trần Thu Mai - Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh

- Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, 20 năm qua, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tuyên truyền, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân. MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã tổ chức 323 cuộc tiếp xúc, gặp gỡ già làng, người có uy tín tiêu biểu; hơn 1.400 cuộc thăm hỏi các chức sắc, chức việc, lực lượng cốt cán tôn giáo. Bên cạnh đó, phối hợp tổ chức thực hiện 246 cuộc tuyên truyền, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu... cho hơn 4.600 chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Riêng giai đoạn 2019 - 2023, toàn tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn thăm hỏi, tặng hơn 10.000 phần quà, với tổng trị giá gần 4 tỷ đồng chúc mừng các cơ sở thờ tự, tổ chức tôn giáo nhân dịp các ngày lễ trọng; hỗ trợ và tặng hơn 20.000 phần quà, với tổng trị giá hơn 13 tỷ đồng cho người dân các huyện miền núi, đồng bào các dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn…

Ngoài ra, Mặt trận đã tích cực vận động nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Hàng năm, các ban giám sát đầu tư của cộng đồng tổ chức hơn 500 cuộc giám sát, kiến nghị xử lý từ 50 đến 80 vụ việc; tham gia 500 - 600 vụ hòa giải, tỷ lệ hòa giải thành đạt 84%. Qua giám sát, các ý kiến, kiến nghị được tiếp thu, khắc phục góp phần nâng cao chất lượng các công trình, dự án đảm bảo sử dụng hiệu quả vốn và tài sản của Nhà nước, lợi ích của cộng đồng, tạo niềm tin trong nhân dân.

- Xin bà cho biết một số kết quả nổi bật trong việc thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước trong hệ thống Mặt trận và tổ chức thành viên thời gian qua?

- Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ và các tổ chức thành viên phát động, triển khai thực hiện ngày càng đi vào cuộc sống, được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực. Điển hình như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; phong trào “Đoàn kết sáng tạo thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”; các phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, thoát nghèo, phát huy truyền thống "đền ơn đáp nghĩa"… Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và triển khai 200 mô hình điểm về khu dân cư tự quản, trong đó có hơn 30 mô hình đạt hiệu quả cao, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, xây dựng mỹ quan đô thị. Ngoài ra, Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã vận động nhân dân tự nguyện đóng góp hơn 4,4 tỷ đồng, hiến hơn 110.000m2 đất và vật tư các loại để làm đường giao thông nông thôn, đường nội đồng, kênh mương thủy lợi, sửa chữa trường học… Đồng thời, thực hiện 132 mô hình về hỗ trợ cho vay vốn không lấy lãi; giúp nhau đổi ngày công lao động; ủy thác vay tín chấp nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội... góp phần giúp nhau phát triển kinh tế, thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Thông qua công tác vận động xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”, các phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, Chương trình “Nối vòng tay lớn”..., Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã vận động quà, tiền với tổng trị giá hơn 116 tỷ đồng. Từ số tiền này đã hỗ trợ xây mới 1.300 nhà và sửa chữa 2.500 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo; tặng hàng ngàn suất quà Tết, hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học, người cao tuổi, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, thanh niên yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, mua sắm phương tiện sản xuất, ủng hộ ngư dân vươn khơi bám biển…

Đặc biệt, trong giai đoạn ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nghĩa tình đồng bào sâu nặng một lần nữa được thể hiện đậm nét và mạnh mẽ. Mặt trận và các tổ chức thành viên đã tích cực hưởng ứng, triển khai các hoạt động chung tay hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh đã vận động, tiếp nhận ủng hộ hơn 102,9 tỷ đồng và nhiều máy móc, trang thiết bị y tế có giá trị phục vụ công tác phòng, chống và điều trị Covid-19...

- Trong thời gian tới, Mặt trận có giải pháp gì nhằm tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thưa bà?

Lãnh đạo Mặt trận thị xã Ninh Hòa trao nhà Đại đoàn kết cho một hộ nghèo trên địa bàn thị xã.

Lãnh đạo Mặt trận thị xã Ninh Hòa trao nhà Đại đoàn kết cho một hộ nghèo trên địa bàn thị xã.

- Đại đoàn kết toàn dân tộc là chủ trương chiến lược, có ý nghĩa quan trọng quyết định sự thành bại của cách mạng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối cách mạng của Đảng ta. Vì vậy, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện vai trò là nòng cốt trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hành dân chủ, tạo sự đồng thuận xã hội.

Theo đó, Mặt trận các cấp thường xuyên củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong điều kiện mới, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các quan điểm, nghị quyết của Đảng về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chủ động phối hợp với chính quyền giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Đặc biệt, phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ các cấp trong việc chủ trì hiệp thương, phối hợp với các cấp chính quyền và tổ chức thành viên triển khai sâu rộng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả, lan tỏa, tránh chồng chéo, gây lãng phí nguồn lực và quá tải cho cơ sở; tiếp tục vận động, phát huy vai trò của nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng vững mạnh. Đồng thời, lựa chọn nội dung giám sát, phản biện sát với tình hình thực tế, liên quan tới quyền, lợi ích chính đáng của người dân, những vấn đề bất cập mà nhân dân quan tâm; phối hợp tham mưu cấp ủy, chính quyền tổ chức tốt việc đối thoại với nhân dân, nhất là ở những nơi có phát sinh mâu thuẫn, bất đồng liên quan đến quyền, lợi ích của người dân.

Ngoài ra, Mặt trận các cấp tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Mặt trận có trình độ, năng lực, có uy tín, đạo đức; gắn bó với cơ sở, gần dân, tôn trọng nhân dân, lắng nghe và thấu hiểu dân; dám phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân đến với cấp ủy, chính quyền; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân… Qua đó, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức, chung lòng, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng phát triển, đổi mới, sáng tạo, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Xin cảm ơn bà!

LY VÂN DUNG (Thực hiện)

Kỳ 1: "Giữ lửa" cho buôn làng

Kỳ 2: Huy động sức dân để lo cho dân

Kỳ 3: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/xay-dung-dang/202407/nhan-len-suc-manh-khoi-dai-doan-ket-ky-cuoi-da-dang-hoa-hinh-thuc-tap-hop-nhan-dan-1940727/