Nhân lên tình yêu thương từ 'du lịch thiện nguyện'
Đến Đakrông để giúp đỡ đồng bào vùng cao, ngoài hoạt động nhân ái, các tổ chức, cá nhân hảo tâm còn có cơ hội trải nghiệm để tìm hiểu về mảnh đất, con người nơi đây. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Đakrông HỒ VĂN PHƯƠNG, người đưa ra ý tưởng về hình thức 'du lịch thiện nguyện' này.
- Được biết, ông là một trong những người tiên phong khai mở một loại hình du lịch mới, rất thú vị ở Quảng Trị là “du lịch thiện nguyện”. Xuất phát từ đâu ông có ý tưởng này?
- Khi mới chỉ 6 tháng tuổi, ba mẹ đã đưa tôi rời quê nhà Triệu Phong, lên huyện miền núi phía Tây tỉnh Quảng Trị sinh sống, xây dựng kinh tế mới. Lớn lên giữa đại ngàn Trường Sơn, tôi rất yêu mảnh đất, con người nơi đây. Đặc biệt, những nét đẹp văn hóa của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với tôi. Đó cũng chính là lý do thôi thúc tôi học tập và trở thành một cán bộ văn hóa. 20 năm gắn bó với công việc, tôi luôn tự nhủ mình phải không ngừng cống hiến. Một trong những điều khiến tôi rất vui là được góp sức đặt nền móng cho du lịch cộng đồng ở huyện Đakrông. Tôi hiểu, du lịch sẽ mở ra một cánh cửa mới, đầy hy vọng cho dân bản.
Từng tiếp đón, chuyện trò với du khách, tôi biết, nhiều người trong số họ không chỉ đến Đakrông để tham quan, tìm hiểu những nét đẹp của mảnh đất, con người nơi đây mà còn muốn góp một chút gì đó hỗ trợ huyện miền núi còn nhiều khó khăn này. Từ thực tế ấy, tôi đã có ý tưởng về “du lịch thiện nguyện” và có những bước đi ban đầu. Sau này, khi được luân chuyển công tác về giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Đakrông, tôi thuận lợi hơn trong việc biến ý tưởng thành hiện thực, mang lại lợi ích cho cộng đồng.
- Như ông vừa chia sẻ, với đặc thù công việc của mình, ông có điều kiện để biến ý tưởng về “du lịch thiện nguyện” thành hiện thực. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
- Thực tế, so với nhiều người, tôi thuận lợi hơn trong việc tổ chức, triển khai hoạt động “du lịch thiện nguyện”. Sau 20 năm làm công tác văn hóa, mỗi tên đất, tên bản ở huyện Đakrông đã trở nên quen thuộc đối với tôi. Nhiều người dân địa phương xem tôi như người thân trong gia đình. Đặc biệt, tôi biết rất rõ các địa danh lịch sử, nơi có phong cảnh hữu tình, nét văn hóa và những sản vật độc đáo của địa phương…
Quan trọng nhất là tôi luôn ấp ủ khát khao giới thiệu những nét đẹp về mảnh đất, con người ở huyện Đakrông đến với mọi người. Sau khi về công tác ở Hội Chữ thập đỏ huyện Đakrông, cùng với đồng nghiệp, tôi dành nhiều thời gian để tìm hiểu về cuộc sống khó khăn của người dân nơi đây. Tôi và đồng nghiệp biết, bà con gặp khó ở đâu, cần hỗ trợ gì, nên hỗ trợ như thế nào là tốt… Đặc biệt, chúng tôi thường xuyên khảo sát, nắm danh sách, cập nhật các hoàn cảnh khó khăn. Vì thế, cán bộ hội biết ở đâu, người nào cần giúp đỡ và giúp đỡ gì để phát huy hiệu quả.
- Ông đã đưa ý tưởng về “du lịch thiện nguyện” vào thực tế như thế nào?
- Trước kia, tôi vận động những người đến du lịch ở huyện Đakrông mà mình quen biết chung tay giúp các hoàn cảnh khó khăn. Hiện nay, việc làm ấy vẫn được tôi duy trì. Thế nhưng, tôi không cho phép mình dừng lại ở đó. Từ năm 2019 đến nay, trên cương vị công tác của mình, tôi chủ động liên lạc với các cấp, ngành, các tổ chức, cá nhân hảo tâm để tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ bà con trong huyện.
Sau khi nắm bắt kế hoạch, mong muốn cụ thể của đoàn thiện nguyện, tôi sẽ tư vấn để các thành viên trong đoàn tổ chức hoạt động sao cho phù hợp, bài bản, giúp đúng người, đúng đối tượng... Cùng với đó, tôi cũng mạnh dạn đề nghị thành viên các đoàn thiện nguyện dành thời gian để trải nghiệm mảnh đất, con người Đakrông.
Tùy theo yêu cầu của đoàn, tôi có thể dẫn khách đến thăm các địa danh lịch sử, nơi có phong cảnh hữu tình; tìm hiểu nét văn hóa độc đáo; mua sắm những sản phẩm ra đời từ bàn tay yêu lao động của dân bản… hay cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm việc để thấu hiểu cuộc sống khó khăn của bà con địa phương. Để làm công việc này, tôi và các cán bộ, hội viên khác thường mất nhiều thời gian, công sức hơn.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn dồn tâm sức vì biết rằng, việc mình đang làm mang lại niềm vui cho cả người dân địa phương lẫn du khách. Đây cũng là cách để chúng tôi đóng góp công sức nhỏ bé cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
- Đề nghị ông chia sẻ về một số trải nghiệm đáng nhớ của mình và thành viên các đoàn thiện nguyện?
- Lâu nay, một số đoàn thiện nguyện thường đến để trao quà rồi nhanh chóng rời đi. Nguyên nhân là do họ không có nhiều thời gian hoặc còn e ngại điều gì đó. Từ thực tế này nên nhiều khi thành viên đoàn thiện nguyện chưa hiểu hết những khó khăn của bà con vùng cao; chưa thấy hết tấm chân tình của người dân nơi đây cũng như ít có cơ hội tìm hiểu về những nét đẹp riêng có ở mảnh đất này…
Vì thế, sau khi được tôi và đồng sự hỗ trợ, qua đó có cơ hội trải nghiệm nhiều hơn, thành viên các đoàn thiện nguyện rất vui mừng. Từng tính đến trao quà trong một buổi rồi về nhưng có đoàn đã dành một, hai ngày để tìm hiểu thêm về cuộc sống của bà con vùng cao. Trở về, họ phản hồi rất tích cực. Tùy vào từng đoàn khách, nhu cầu của họ và điều kiện thực tế mà tôi tổ chức cho đoàn thiện nguyện những hoạt động trải nghiệm khác nhau.
Đó có thể đơn giản là được trò chuyện nhiều hơn với đồng bào vùng cao; mua nông sản của phụ nữ miền núi; nghe nhạc cụ và các làn điệu dân ca truyền thống; mặc trang phục thổ cẩm để chụp ảnh; ngủ lại nhà sàn… Những trải nghiệm tưởng như rất nhỏ, đơn sơ ấy lại trở nên rất quý giá đối với nhiều người. Có lần, tôi còn dẫn đoàn thiện nguyện về chính ngôi nhà của mình. Ở đây, tôi có một “bảo tàng” thu nhỏ lưu giữ nhiều nhạc cụ truyền thống, dụng cụ sản xuất, trang phục truyền thống của người dân địa phương… Các vị khách của tôi đều rất ngạc nhiên và thích thú.
- Vậy, mô hình mới mẻ của ông đã mang về những tín hiệu vui gì?
- Từ năm 2019 đến nay, tôi và đồng nghiệp đã đón khoảng 300 đoàn thiện nguyện đến với huyện miền núi Đakrông để giúp đỡ bà con địa phương. Nhờ những bước chân thiện nguyện mà nhiều hộ nghèo đã được xây dựng, sửa chữa nhà cửa; người dân được trao tặng quà, khám, chữa bệnh miễn phí; thôn, bản có thêm những công trình mới… Sau những hoạt động nhân ái và trải nghiệm, thành viên các đoàn thiện nguyện cùng người dân địa phương đã thấu cảm, gắn bó với nhau hơn.
Hình ảnh người Vân Kiều, Pa Kô chân chất, hiền hòa, mến khách… để lại ấn tượng đậm sâu thêm trong lòng thành viên đoàn thiện nguyện. Vì thế, nhiều người đã trở lại mảnh đất này với người thân, bạn bè, đồng nghiệp… của mình. Không những thế, một số người còn có những mô hình, dự án để góp phần giúp phát triển kinh tế - xã hội ở Đakrông.
- Thời gian tới, ông có dự định, kế hoạch gì để phát triển “du lịch thiện nguyện”?
- Tôi luôn cho rằng, hoạt động của mình và đồng nghiệp chỉ mới là những bước đi ban đầu của “du lịch thiện nguyện” nơi rẻo cao đang còn gặp nhiều khó khăn. Để hoạt động này thực sự hiệu quả, rất cần sự chung tay của các cấp, ngành và nhiều cá nhân tâm huyết khác. Trước mắt, trong sức có thể, tôi sẽ tiếp tục nỗ lực kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm; vận động những người có trái tim tình nguyện làm “hướng dẫn viên du lịch” và đào tạo cho họ; khảo sát, lựa chọn các điểm đến thú vị…
Tôi xác định, hoạt động giúp các đoàn thiện nguyện có những trải nghiệm quý giá về mảnh đất, con người Đakrông cũng phải mang tính chất thiện nguyện. Vì thế, tôi cùng các tình nguyện viên khác phải luôn tâm huyết, trách nhiệm dù không có thù lao. Việc làm của chúng tôi là để nhân lên tình yêu thương đối với mảnh đất, con người Đakrông. Hy vọng tấm chân tình ấy sẽ được đền đáp bằng những hoạt động hướng về người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện của các nhóm thiện nguyện.
- Xin cảm ơn ông!
Tây Long (thực hiện)