Nhân lực chất lượng cao cho kỷ nguyên vươn mình phát triển (Bài 2)

>>> Bài 1: Khoảng trống nguồn nhân lực chất lượng cao

Bài 2: Xây dựng hệ thống đào tạo nghề trọng điểm

Đồng Nai muốn giải được bài toán đội ngũ nhân lực chất lượng cao phục vụ mục tiêu phát triển đột phá, cần phải có chiến lược đầu tư đồng bộ và bài bản.

Giảng viên Trường trung cấp nghề Kinh tế kỹ thuật số 2 (thành phố Biên Hòa) hướng dẫn học viên thực hiện trên máy cắt gọt kim loại CNC. Ảnh: C.Nghĩa

Giảng viên Trường trung cấp nghề Kinh tế kỹ thuật số 2 (thành phố Biên Hòa) hướng dẫn học viên thực hiện trên máy cắt gọt kim loại CNC. Ảnh: C.Nghĩa

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng: “Đi đôi với sắp xếp lại hệ thống các cơ sở đào tạo nghề, tỉnh đang mời gọi các nhà đầu tư có tiềm năng đến Đồng Nai để đầu tư các cơ sở đào tạo nghề mũi nhọn, nhất là nhân lực kỹ thuật cao, phù hợp với xu thế phát triển của tỉnh. Tỉnh khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo nghề hợp tác về đào tạo với trường đại học uy tín trên thế giới”.

Nhiều nhưng vì sao chưa mạnh?

Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 trường đại học và phân hiệu trường đại học, cùng 10 trường cao đẳng nghề. Trong khu vực Đông Nam Bộ, hệ thống cơ sở đào tạo trình độ từ cao đẳng đến đại học của Đồng Nai chỉ đứng sau Thành phố Hồ Chí Minh về số lượng. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là chất lượng đào tạo thì các cơ sở đào tạo tại Đồng Nai vẫn còn phải nỗ lực rất lớn. Nếu không thể nâng cao chất lượng đào tạo, sẽ không tạo ra động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời, người lao động cũng bỏ lỡ cơ hội nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đi cùng với đó là sự lãng phí nguồn lực con người, đất đai, cơ sở vật chất đã được đầu tư.

Minh chứng rõ nhất là một số cơ sở đào tạo nghề được đầu tư bằng ngân sách nhà nước với số vốn lớn nhưng sau thời gian hoạt động phải giải thể hoặc sáp nhập. Đơn cử như Trường trung cấp Nghề 26-3 (tại thành phố Biên Hòa, trực thuộc Tỉnh đoàn) được đầu tư trụ sở ở vị trí đẹp, khang trang cách đây hơn 15 năm nhưng đã phải giải thể cách đây vài năm. Hay như Trường trung cấp Kinh tế - kỹ thuật Đồng Nai (tại huyện Nhơn Trạch) được đầu tư số vốn rất lớn nhưng sau đó hoạt động không hiệu quả, đã sáp nhập với Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai (tại huyện Long Thành). Hiện nay, nhiều hạng mục của cơ sở ở huyện Nhơn Trạch như giảng đường, phòng thực hành sử dụng không hết công suất, đặc biệt là khu ký túc xá của trường đã xuống cấp trầm trọng, rất lãng phí về nguồn lực đầu tư từ Nhà nước.

Bên cạnh đó, một số cơ sở đào tạo nghề khác hiện năng lực đào tạo nghề chưa được phát huy. Đơn cử như Trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật số 2 từ lâu đã cho một trường tư nhân khác thuê một phần cơ sở tại phường Quang Vinh. Một số cơ sở đào tạo nghề dù có diện tích rộng nhưng nhiều năm nay số lượng học viên đăng ký học nghề thấp, cơ sở vật chất ngày càng xuống cấp, trang thiết bị phục vụ đào tạo lạc hậu theo thời gian. Mặt khác, do đầu tư trang thiết bị phục vụ đào tạo nghề đòi hỏi kinh phí lớn, đi kèm là thủ tục mua sắm khá phức tạp nên chưa thể đầu tư “ra tấm ra món” như mong muốn và nhu cầu đào tạo.

Giảng viên dạy nghề kỹ thuật cơ khí của một trường cao đẳng nghề tại thành phố Biên Hòa cho hay: “Dạy nghề có 2 phần quan trọng là lý thuyết và thực hành. Mảng lý thuyết dù có dạy tốt nhưng thiết bị thực hành thiếu, hoặc lạc hậu thì cũng rất khó để có thợ giỏi”.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh VÕ TẤN ĐỨC:

Kỷ nguyên mới của Đồng Nai không thể thiếu nhân lực chất lượng cao

Đồng Nai đã tập trung rà soát, sắp xếp lại hệ thống các cơ sở đào tạo nghề gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao. Tỉnh sẽ tạo điều kiện cho các DN đến Đồng Nai trong lĩnh vực đào tạo nghề, đặc biệt là ngành hàng không, vi mạch bán dẫn, sản xuất chíp, công nghệ dữ liệu, AI. Ngoài các cơ sở có sẵn, tỉnh đã quy hoạch 2 trung tâm giáo dục đại học tại thành phố Long Khánh và huyện Nhơn Trạch, đang triển khai mời gọi đầu tư.

Cần tinh gọn và coi trọng chất lượng

Đứng trước những đòi hỏi mới về nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển, hệ thống cơ sở đào tạo nghề của tỉnh cần được sắp xếp tinh gọn, mạnh, coi trọng chất lượng hơn số lượng. Bên cạnh khuyến khích các cơ sở đào tạo tư thục tiếp tục phát triển mạnh gắn với quy hoạch phát triển tỉnh, cần định hướng và đầu tư bài bản cho một số trường cao đẳng và đại học vốn có truyền thống đào tạo nhưng nay đang khó khăn. Đơn cử như Trường đại học Đồng Nai, Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai, Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai. Cần lấy một số mô hình đào tạo hiệu quả để học tập và nhân rộng, điển hình như mô hình đào tạo nghề kỹ thuật chuẩn quốc tế của Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2.

Trong phát triển các ngành nghề đào tạo, tỉnh cần định hướng cho các trường tập trung phát triển những ngành thế mạnh, nhất là những ngành kỹ thuật, công nghệ, sức khỏe. Tránh tình trạng mạnh ai nấy làm trong đào tạo nghề nhưng không có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, Đồng Nai cần nắm bắt và đầu tư có bài bản đối với nhân lực trong ngành vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), dịch vụ logistics, nhân lực ngành hàng không, đường sắt tốc độ cao…

Trong khi nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước có hạn, rất cần huy động các nguồn lực xã hội hóa cho công tác đào tạo nghề chất lượng cao.

Tiến sĩ Phan Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Công nghệ Đồng Nai, cho biết: “Nhà trường rất muốn mở rộng cơ sở đào tạo nhưng quỹ đất hiện tại quá nhỏ so với một cơ sở giáo dục đại học. Nhiều năm nay, trường đang tìm địa điểm để xây dựng cơ sở mới với điều kiện giảng dạy hiện đại hơn, nhưng việc tiếp cận với thủ tục đất đai rất khó khăn. Nếu Nhà nước tạo điều kiện về quỹ đất, chúng tôi sẵn sàng huy động nguồn lực đầu tư về giảng đường, phòng thực hành, trang thiết bị đào tạo nghề chất lượng cao cung cấp cho doanh nghiệp (DN)”.

Trước những cơ hội phát triển tiềm năng của Đồng Nai khi có Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Cảng Phước An, nhiều tuyến đường cao tốc mới hình thành, nhiều DN lớn đang tìm đến Đồng Nai đầu tư kinh doanh; nếu không đầu tư và “khai thông” được đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của DN thì sẽ không tận dụng được hết các lợi thế. Thời gian qua, đã có khá nhiều trường đại học tìm đến Đồng Nai để liên kết, hoặc mở cơ sở đào tạo trình độ đại học nhưng đến nay vẫn chưa có tín hiệu khả quan. Điển hình như cơ sở 2 của Trường đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tại phường Long Bình Tân (thành phố Biên Hòa), dù đã triển khai xây dựng nhiều năm nhưng đến nay vẫn rất chậm chạp, vướng nhiều thủ tục.

PGS-TS Trần Quang Phú, Phó hiệu trưởng Trường đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết trường đã được cấp đất (không thu tiền sử dụng đất) ở huyện Long Thành để xây dựng một cơ sở đào tạo. Mới đây, trường đã nhận được lời mời hợp tác với một trường đào tạo ngành hàng không của Canada nhưng việc liên kết đào tạo với một DNTN quy trình rất phức tạp, sẽ không còn được sử dụng đất miễn phí nữa, mà phải trả tiền thuê đất. Khi đối tác thấy các thủ tục phức tạp thì cơ hội để hợp tác nhân lực chất lượng cao càng trở nên khó thành hiện thực hơn.

PGS-TS Trần Quang Phú còn cho biết, theo quy hoạch của Bộ Giao thông vận tải trước đây (nay là Bộ Xây dựng), tại Đồng Nai sẽ có một trung tâm đào tạo nghiên cứu và phát triển đường sắt tốc độ cao tại thành phố Long Khánh. Như vậy có thể thấy, cơ hội đưa Đồng Nai trở thành trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao về hàng không và đường sắt tốc độ cao là rất lớn. Do đó, tỉnh cần tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các cơ sở đào tạo, đồng thời cũng là cho chính tỉnh nhà và cả nước.

Công Nghĩa

Bài 3: Cấu trúc lại cơ sở đào tạo nghề

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202505/nhan-luc-chat-luong-cao-cho-ky-nguyen-vuon-minh-phat-trien-bai-2-42c27aa/