Nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt phát triển khoa học công nghệ

Để tạo ra những chuyển biến, kết quả trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cần một nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào, có kỹ năng hiện đại, tư duy sáng tạo...

Toàn cảnh sự kiện. Ảnh: Đức Trung/MPI

Toàn cảnh sự kiện. Ảnh: Đức Trung/MPI

Phát biểu tại Hội nghị Phát triển Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tổ chức chiều 11/2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, để tạo ra những chuyển biến, kết quả trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cần một nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào, có kỹ năng hiện đại, tư duy sáng tạo và khả năng làm việc cường độ cao. Đây sẽ là yếu tố then chốt, sống còn, quyết định sự thành công của cuộc cách mạng toàn diện, sâu sắc, thực hiện mục tiêu đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh, thịnh vượng trong kỷ nguyên mới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong các năm qua, Việt Nam đang trở thành địa điểm lý tưởng cho nhiều sự kiện quốc tế quan trọng về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp như: Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam, Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam, Ngày hội đổi mới sáng tạo quốc gia, Diễn đàn Quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo Việt Nam, Triển lãm quốc tế ngành bán dẫn, Techfest, Thách thức đổi mới sáng tạo Việt Nam, Hội nghị cấp cao về AI, …Thông qua các sự kiện, nhiều doanh nghiệp, viện - trường đã có cơ hội kết nối và tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn ở nước ngoài, cũng như thu hút nguồn vốn đầu tư, cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp.

Cùng với đó, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được chú trọng, đã hình thành và phát triển nguồn nhân lực có năng lực chuyên môn cao, trong đó nhiều nhà khoa học có uy tín, được thế giới công nhận, dần hình thành một số tổ chức khoa học công nghệ tiên tiến tầm cỡ quốc tế ở cả khu vực công và tư.

Hiện, đã có những mô hình liên kết 3 Nhà hiệu quả, như mô hình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn với sự tham gia của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, Cadence, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, Đại học Arizona Hoa Kỳ cùng gần 40 trường đại học trong nước. Hợp tác quốc tế trong phát triển nguồn nhân lực được triển khai rộng khắp, riêng hợp tác giữa Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia với các tập đoàn lớn như Google, Qualcomm, Intel, Samsung đã cấp hơn 40.000 học bổng mỗi năm. Mạng lưới đổi mới sáng tạo được hình thành và quy tụ hàng nghìn chuyên gia, nhà khoa học toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Đức Trung/MPI

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Đức Trung/MPI

“Những kết quả nêu trên cho thấy những nỗ lực và quyết tâm cao của Việt Nam trong việc thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã mang lại những kết quả tích cực, được cộng đồng, đối tác quốc tế đánh giá cao. Hình ảnh, vị thế về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của Việt Nam ngày càng được ghi nhận trên các diễn đàn thế giới cho thấy một Chính phủ năng động, linh hoạt và hiệu quả”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Để khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao là động lực thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030, Chính phủ cần đặt quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất để tổ chức thực hiện Nghị quyết số 03 một cách hiệu quả, toàn diện, mang lại những chuyển biến lớn, có tính cách mạng, có tác động rõ nét lên các chỉ số tăng trưởng kinh tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cần thực hiện ngay một số nhiệm vụ, giải pháp như: tập trung đẩy mạnh rà soát, loại bỏ các “điểm nghẽn” thể chế ngay trong quý I/2025 đối với các Nghị định và quý II/2025 đối với các Luật. Nếu cần thiết, giao cơ quan chủ trì xây dựng Nghị quyết 03/NQ-CP phối hợp các bộ, ngành rà soát, cập nhật, bổ sung, điều chỉnh yêu cầu tiến độ của các nhiệm vụ có tính cấp bách, cần làm ngay. Cụ thể như: cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực tài chính ngân sách nhà nước, giao quyền tự chủ đối với tài sản công, viện trợ, tài trợ cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thu hút, đào tạo nhân tài, nhân lực chất lượng cao.

Bên cạnh đó, xác định ngay các dự án trọng tâm về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với mục tiêu tăng trưởng của ngành, lĩnh vực, địa phương và vùng có thế mạnh để tập trung nguồn lực triển khai thực hiện trong năm 2025.

Cùng với đó, nhân rộng mô hình thu hút FDI như thu hút Tập đoàn NVIDIA, tập trung vào dự án đầu tư đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, dẫn dắt doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt, tạo “luồng xanh” cho việc triển khai dự án, giúp giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; sử dụng hiệu quả Quỹ hỗ trợ đầu tư để duy trì sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam.

Mặt khác, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trước mắt tập trung vào giáo dục đại học, đào tạo ngắn hạn; thí điểm xây dựng và triển khai cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục đại học theo gói cam kết đầu ra (KPI) với chính sách học bổng toàn phần cho học viên sau đại học và yêu cầu phải có doanh nghiệp đồng hành.

Ngoài ra, đẩy mạnh triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, thúc đẩy kết nối sâu rộng tầm khu vực và quốc tế về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho các lĩnh vực trọng tâm để thu hút mọi nguồn lực, trong đó có nhân tài người Việt trên toàn thế giới tham gia vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao: bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học…; khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho thế hệ trẻ tham gia học các ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học).

Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhan-luc-chat-luong-cao-la-yeu-to-then-chot-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe/362809.html