Nhân lực chất lượng cao ngành du lịch thiếu hụt, giải pháp nào cho đào tạo?

Sự gắn kết bền vững trong đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng để tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay trước bối cảnh lao động du lịch đặc biệt là lao động chất lượng cao đang thiếu trầm trọng.

Giái pháp đào tạo để có nguồn nhân lực chất lượng cao ngành du lịch là tăng cường thực tiễn, kết nối giữa đào tạo và việc làm bằng con đường ngắn nhất phục vụ người học. Minh họa: H.P

Giái pháp đào tạo để có nguồn nhân lực chất lượng cao ngành du lịch là tăng cường thực tiễn, kết nối giữa đào tạo và việc làm bằng con đường ngắn nhất phục vụ người học. Minh họa: H.P

Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), khách du lịch quốc tế trên thế giới năm 2023 đã phục hồi được 88% so với tổng lượng khách năm 2019 (năm trước khi ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19). Dự báo năm 2024, ngành du lịch sẽ được phục hồi mức trước đại dịch, có khả năng tăng vượt 2% so với 2019.

Du lịch phục hồi nhanh cũng có nghĩa ngành kinh tế mũi nhọn này sẽ cần yêu cầu một nguồn nhân lực đủ lớn để có thể đáp ứng nhu cầu. Sự thiếu hụt nhân lực du lịch trong bối cảnh mới hiện nay đang đặt ra thách thức lớn cho ngành kinh tế này ở nước ta.

Công tác đào tạo nhân lực du lịch tại các trường đại học đòi hỏi phải nâng cao chất lượng đào tạo, gắn chặt với nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp về trình độ chuyên môn và kĩ năng nghiệp vụ lao động.

Tăng cường liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp chính là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết thách thức này đối với du lịch Phú Thọ nói riêng và Việt Nam nói chung.

Sự cần thiết phải nâng cao chất lượng nhân lực du lịch sau đại dịch COVID-19

Nhờ lợi thế vị trí địa lí, tài nguyên thiên nhiên phong phú và giá trị nhân văn đặc sắc, du lịch Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với các nước trên thế giới và nâng vị thế. Để có thể đạt được điều đó, trước hết phải nâng cao chất lượng nhân lực du lịch, xây dựng được đội ngũ nhân lực du lịch có chất lượng cao mới có thể đáp ứng được yêu cầu.

Thực tế cho thấy, trước đại dịch COVID-19, nguồn nhân lực du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và cơ cấu. Chất lượng nguồn nhân lực du lịch đã dần được nâng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn ngành.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại những hạn chế về năng lực lao động du lịch cũng như đào tạo lao động du lịch.

Sau đại dịch, số lượng lao động du lịch lại giảm đi đáng kể, đặc biệt là đội ngũ nhân lực có chất lượng cao. Lao động trong ngành đang bị thiếu hụt nghiêm trọng.

Năm 2023, số lượng nhân sự trong cơ sở lưu trú du lịch được thống kê theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam có khoảng 350.000 người, đáp ứng 70% nhu cầu trên. Trên thực tế cần có khoảng 507.000 lao động nếu với số lượng các cơ sở lưu trú như hiện có, trong đó nhân sự quản trị cần khoảng 50.000 người.

Hằng năm các trường chỉ đào tạo khoảng 20.000 sinh viên, trong đó tỷ lệ lao động du lịch được đào tạo chuyên nghiệp còn thấp, chỉ chiếm 43% trong tổng số lao động du lịch. Trong khi đó, mỗi năm ngành cần thêm 40.000 nhân viên mới và 25.000 nhân viên cần được đào tạo lại.

Không chỉ thiếu về số lượng, chất lượng lao động cũng còn hạn chế. Điểm yếu của nhân lực du lịch Việt Nam thể hiện ở trình độ chuyên môn và năng suất lao động trong ngành du lịch còn thấp.

Có thể thấy, năng suất lao động tại khách sạn ở Việt Nam chỉ bằng 1/15 so với Singapore, 1/10 so với Nhật Bản và 1/5 so với Malaysia. Quy mô đào tạo được mở rộng ở các trường đào tạo nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tế doanh nghiệp do còn bất cập trong cơ cấu chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ, thái độ, kĩ năng phục vụ… Còn có khoảng cách lớn về đào tạo nhân lực, chất lượng nhân lực các khu vực vùng miền trên cả nước, chất lượng đầu ra còn chưa đáp ứng được yêu cầu.

- Cấu trúc chương trình đào tạo đã được cập nhật nhưng chưa thật sự tập trung nhiều thời gian cho thực hành kĩ năng nghiệp vụ.

- Hệ thống giáo trình phục vụ cho nghiên cứu và học tập về lĩnh vực chưa nhiều, chưa hệ thống.

- Chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên có trình độ cao chuyên sâu về nghiệp vụ du lịch chưa cao, trình độ ngoại ngữ, chuyên môn và đặc biệt là kinh nghiệm thực tiễn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu.

- Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp và giữa các chủ thể chưa chặt chẽ và thiếu đồng bộ. Sự gắn kết giữa các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và nhà trường trong tổ chức quản lý, tổ chức đào tạo chưa thật sự phù hợp, còn thiếu nhất quán, chưa đồng bộ.

Có thể khẳng định, yếu tố ảnh hưởng nhất đến sự thành công của ngành dịch vụ du lịch chính là con người. Thái độ, kĩ năng và sự thành thạo nghiệp vụ chuyên môn của lao động du lịch quyết định hiệu quả kinh doanh dịch vụ du lịch.

Cách mạng 4.0 với xu hướng hội nhập quốc tế sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đặt ra yêu cầu cấp thiết cho ngành du lịch hiện nay phải xây dựng được đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao mới có thể nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành du lịch nước ta.

Nghề hướng dẫn viên du lịch với đặc thù nghề và thực tiễn luôn đào tạo lại nhân lực giỏi. Ảnh: H.P

Nghề hướng dẫn viên du lịch với đặc thù nghề và thực tiễn luôn đào tạo lại nhân lực giỏi. Ảnh: H.P

Liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp là giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng nhân lực du lịch

Liên kết đào tạo mang lại lợi ích đối với các nhà trường

Liên kết với các doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực du lịch, nhà trường sẽ được các đơn vị tuyển dụng tư vấn về việc sửa đổi và xây dựng nội dung chương trình đào tạo bám sát với yêu cầu thực tiễn của xã hội; nắm bắt được nhu cầu lao động thực tiễn của các doanh nghiệp để định hướng đào tạo.

Từ đó cho phép nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực du lịch cũng như tạo được nhiều cơ hội việc làm cho người học, góp phần nâng cao uy tín của nhà trường trước những yêu cầu của thị trường lao động đa dạng, luôn biến động với xu hướng hội nhập quốc tế.

Nhà trường có thể tăng cường tính tự chủ về nguồn tài chính cũng như cơ sở vật chất ở hiện tại và tương lai khi đẩy mạnh liên kết đào tạo với doanh nghiệp.

Sinh viên có cơ hội lựa chọn địa điểm thực tập phù hợp sẽ tạo cho sinh viên nắm bắt được môi trường thực tế, phát triển được năng lực cá nhân thích ứng và phù hợp với điều kiện công việc một cách sát thực nhất. Đây cũng là cơ hội tốt nhất cho sinh viên tự rèn nghề, rèn kĩ năng sống, tạo các mối quan hệ phục vụ cho công việc lựa chọn sau này.

Qua kiến thức được đào tạo ở trường, các kĩ năng trau dồi được từ thực tế các doanh nghiệp, sinh viên sẽ tự tin hơn đối với năng lực cá nhân.

Liên kết đào tạo mang lại lợi ích đối với doanh nghiệp

Doanh nghiệp được tham gia đánh giá chất lượng đào tạo và đóng góp ý kiến vào việc xây dựng chương trình đào tạo của nhà trường để phù hợp với yêu cầu nhân lực thực tiễn ở cơ sở. Như vậy, các doanh nghiệp có thêm quyền và cơ hội lựa chọn và sử dụng nguồn lao động chất lượng, có trình độ, từ đó giải quyết được bài toán nan giải về nhân lực.

Doanh nghiệp luôn yên tâm có một đội ngũ nhân lực vững chắc hỗ trợ khi mình có nhu cầu. Đồng thời ít tốn chi phí tuyển dụng, thử việc, vì qua thời gian thực tập chính là thời gian sinh viên thể hiện năng lực.

Hỗ trợ tài chính, cơ sở vật chất cho nhà trường và tham gia giảng dạy vào quá trình đào tạo như một hình thức đầu tư, phát triển bước đầu, cũng có nghĩa là sẽ được hưởng lợi khi chất lượng sản phẩm đào tạo của nhà trường được đảm bảo bởi đầu ra quá trình đào tạo của nhà trường là đầu vào của quá trình tuyển dụng, sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp có thêm cơ hội quảng bá thương hiệu, hình ảnh của mình.

Liên kết đào tạo như thế nào?

Cần có chính sách cơ chế phối hợp chặt chẽ về nguồn nhân lực giữa nhà trường và doanh nghiệp, tạo cơ sở pháp lí thuận lợi cho việc liên kết. Cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các vai trò: định hướng, khuyến khích và hỗ trợ.

Nhà trường và doanh nghiệp là 2 nhân tố cốt lõi tạo nên sự liên kết đào tạo. Trong đó, nhà trường cần là người tiên phong trong việc xây dựng chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra phù hợp với kĩ năng nghề cho sinh viên; chuẩn hóa về đội ngũ giảng dạy… thực hiện tốt phương châm đào tạo nhân lực phù hợp với nhu cầu xã hội.

Trong chương trình xây dựng cho ngành du lịch: cần tăng tính thực hành nghề cho sinh viên mới nâng cao được trình độ đào tạo. Đặc biệt cần nâng cao trình độ ngoại ngữ cho sinh viên để đáp ứng yêu cầu hội nhập. Không chỉ là tiếng Anh, có thể mở rộng các ngoại ngữ khác như tiếng Trung, tiếng Pháp,…

Nhà trường đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học về du lịch để phục vụ chuyển giao tốt cho các cơ sở doanh nghiệp có khả năng ứng dụng và phát triển sản phẩm của công ty. Việc xây dựng chương trình đào tạo, đánh giá chuẩn đầu ra sinh viên cần có sự tham góp và tư vấn trực tiếp từ các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược nhân lực dài hạn cho công ty; tham góp ý kiến xây dựng chuẩn hóa vào chương trình đào tạo nhân lực của nhà trường phù hợp với yêu cầu thực tiễn doanh nghiệp cần; hỗ trợ về tài chính cũng như cơ sở vật chất thông qua nhiều hình thức như học bổng khuyến khích sinh viên, xây dựng các khu thực hành nghề… Cần tăng cường mối liên kết bền vững giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Hoạt động liên kết đào tạo nhân lực du lịch tại Trường Đại học Hùng Vương

Mô hình liên kết hợp tác doanh nghiệp trong đào tạo sinh viên khối ngành Du lịch tại Trường Đại học Hùng Vương có thể nhận diện thông qua một số hình thức như: chương trình thực tập và kiến tập cơ sở; tour trải nghiệm nghề nghiệp; Ngày hội việc làm; Thỉnh giảng; Hội thảo chuyên đề.

Các doanh nghiệp liên kết đào tạo nhân lực du lịch với Trường Đại học Hùng Vương là các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực du lịch gồm các Khách sạn, Nhà hàng, các công ty tổ chức sự kiện, các công ty lữ hành trên địa bàn trong và ngoài tỉnh Phú Thọ.

Chương trình hợp tác chủ yếu thể hiện bằng việc kí kết hợp tác văn bản giữa hai bên; nhà trường mời doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình đào tạo, đánh giá chất lượng chuẩn đầu ra của sinh viên; xây dựng kế hoạch kiến tập cơ sở và thực tập tại doanh nghiệp để sinh viên được làm quen với môi trường nghề nghiệp cũng như thực hành rèn nghề tại cơ sở.

Trong chương trình đào tạo sinh viên ngành Du lịch và Quản trị dịch vụ du lịch & lữ hành tại Trường Đại học Hùng Vương hiện nay, sinh viên được học tập và thực hành nghề toàn phần tại các công ty lữ hành, công ty tổ chức sự kiện, nhà hàng, khách sạn, resort trên địa bàn tỉnh từ năm hai đến năm thứ tư với các học phần: Kiến tập cơ sở (3 tuần tại doanh nghiệp), Thực tập 1 (1 tháng tại doanh nghiệp) và Thực tập 2 (3 tháng tại doanh nghiệp).

Đây là cơ hội cho sinh viên có thể làm quen với môi trường kinh doanh dịch vụ du lịch và thực hành kĩ năng nghiệp vụ nghề đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Mỗi đợt học tập tại doanh nghiệp, sinh viên được làm quen với các cơ sở kinh doanh khác nhau nhằm tạo điều kiện để sinh viên có thể tiếp cận với các SOP (Standard Operating Procedure) của nhiều doanh nghiệp khác nhau trong thời gian nhanh nhất.

Trong bối cảnh thiếu nhân lực du lịch hiện nay, việc rút ngắn thời gian đào tạo để sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể đáp ứng được ngay với yêu cầu của doanh nghiệp là một trong những nội dung được ưu tiên trong quá trình đào tạo.

Sinh viên khối ngành Du lịch còn được tăng cường các kĩ năng ngoại ngữ (tiếng Anh hoặc Trung) thông qua việc tăng số lượng tín chỉ các môn học tiếng Anh chuyên ngành hoặc sử dụng tiếng Anh trong các học phần liên quan đến chuyên ngành du lịch hoặc Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.

Hoạt động liên kết đào tạo với các doanh nghiệp còn được thể hiện ở các tour trải nghiệm nghề nghiệp. Ngay từ kì đầu tiên của đại học, tất cả sinh viên thuộc các khối ngành nói chung và sinh viên ngành Du lịch, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành đều được thiết kế một tour trải nghiệm nghề nghiệp tại các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Sinh viên được nghe giới thiệu, được quan sát, tìm hiểu và làm quen với các hoạt động nghề nghiệp của ngành học. Đây là hoạt động hình thành cho sinh viên có được những tri thức đầu tiên về nghề nghiệp của mình; giúp sinh viên định hướng rõ hơn nhưng yêu cầu, kĩ năng mình cần phải rèn luyện trong môi trường đại học để thích ứng với nhu cầu lao động.

Ttrong mỗi kì học, sinh viên ngành Du lịch và Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành đều được thiết kế một chương trình học tập thực tế từ 3-7 ngày tại các điểm du lịch gắn với các học phần chuyên ngành. Ở mỗi chương trình học tập, sinh viên được trải nghiệm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại các vùng du lịch khác nhau trong cả nước như Trung du miền núi Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ.

Tại các Hội thảo chuyên đề, nhà trường mời các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực du lịch hoặc các chuyên gia có kinh nghiệm trong đào tạo nhân lực du lịch đến để trao đổi tại hội thảo về các chủ đề: nhu cầu nhân lực du lịch hiện nay, những yêu cầu về đội ngũ lao động tại các cơ sở kinh doanh du lịch hay những kĩ năng sinh viên cần đáp ứng ngay sau khi tốt nghiệp…

Qua đây, sinh viên các khóa sẽ hiểu được rõ hơn về hoạt động nghề nghiệp của mình, biết xây dựng mục tiêu và kế hoạch thực hiện mục tiêu nghề nghiệp của mình.

Có thể thấy, hoạt động liên kết hợp tác đào tạo nhân lực du lịch được Trường Đại học Hùng Vương luôn chú trọng: từ việc các doanh nghiệp được tham gia từ việc xây dựng chương trình đào tạo (thông qua việc tham góp ý kiến trong xây dựng chuẩn đầu ra, thiết kế chương trình đào tạo), tham gia đào tạo trực tiếp sinh viên (ở một số học phần) đến việc được đánh giá chất lượng của sinh viên trong việc đạt chuẩn đầu ra.

Doanh nghiệp cũng có vai trò to lớn trong việc định hướng nghề nghiệp, tuyển dụng nhân lực là sinh viên du lịch chuẩn bị tốt nghiệp thông qua ngày hội việc làm được tổ chức hằng năm…

Hoạt động liên kết càng chặt chẽ càng tạo ra ý nghĩa to lớn trong việc rút ngắn khoảng cách đào tạo, tạo được nguồn lao động có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp. Điều này có lợi cho cả nhà trường cũng như doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay.

Nguồn: Tạp chí Dạy và Học

Chu Thị Thanh Hiền

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/nhan-luc-chat-luong-cao-nganh-du-lich-thieu-hut-giai-phap-nao-cho-dao-tao-179240728121409789.htm