Nhân lực khoa học - công nghệ: Chuyển biến tích cực, rõ nét
Với xu thế phát triển dựa vào sự tiến bộ của khoa học và công nghệ (KH&CN), lấy công nghệ làm động lực tăng trưởng… những năm qua, việc đầu tư phát triển nhân lực KH&CN đã được các bộ, ngành chú trọng.
Theo thống kê, nguồn nhân lực KH&CN thời gian qua phát triển cả về số lượng và chất lượng, với khoảng 67.000 cán bộ nghiên cứu (đạt 7 người/vạn dân); trong đó, nhiều nhà khoa học có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Đội ngũ nhân lực tăng nhanh là nhân tố quan trọng giúp hoạt động KH&CN đóng góp đáng kể trong việc cải thiện chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Để có được thành quả này, bên cạnh Luật KH&CN năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2014/NĐ-CP và Nghị định số 87/2014/NĐ-CP góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển, trọng dụng, thu hút nhân lực KH&CN, tạo điều kiện phát huy năng lực, cống hiến của cán bộ KH&CN với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngoài ra, việc thành lập Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia cũng tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ có cơ hội thực hiện nhiệm vụ về KH&CN cấp nhà nước. Hay, Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST) đi vào hoạt động đem lại nhiều kỳ vọng trong việc hình thành phát triển đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ có trình độ, năng lực cao. Ngoài ra, Bộ KH&CN còn đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án đào tạo và bồi dưỡng nhân lực KH&CN trong và ngoài nước bằng ngân sách nhà nước.
Bộ Công Thương hàng năm đều có các chương trình đào tạo trong và ngoài nước nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức cho cán bộ khoa học. Ngoài ra, các tập đoàn, tổng công ty và viện nghiên cứu cũng quan tâm đến việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực từ nhiều nguồn vốn bằng các hình thức khác nhau, có định hướng chuyên môn trọng điểm. Các đơn vị đều có chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, thạo việc, lành nghề, chất lượng cao; tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực KH&CN có trình độ cao, có thực tiễn và khả năng thích ứng tốt các vị trí trong sản xuất, kinh doanh khi cần (tiến sĩ và thạc sĩ, đặc biệt là kỹ sư thực hành)...
Đơn cử, tại Viện Nghiên cứu Cơ khí (Narime), xác định đào tạo nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quyết định để đơn vị tự chủ thành công. Do đó, công tác tuyển dụng, đào tạo ngắn và dài hạn luôn được Narime quan tâm, theo quy trình chặt chẽ, có sát hạch, được thử thách trong các dự án cụ thể. Narime còn hợp tác với một số trường đại học, viện nghiên cứu tại Hàn Quốc và một số quốc gia trong khu vực đào tạo trình độ sau đại học cho đội ngũ cán bộ. Nhờ có đội ngũ nhân lực có trình độ cao, Narime đã hoàn toàn làm chủ khâu thiết kế thiết bị cơ khí thủy công, cùng doanh nghiệp cơ khí trong nước chế tạo, cung cấp thiết bị cho hàng chục dự án có giá trị hàng nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, ở một số viện nghiên cứu vẫn còn tình trạng thiếu hụt cán bộ có trình độ, kinh nghiệm thông thao ngoại ngữ. Những viện này thường có hiệu quả hoạt động và thu nhập thấp, nên rất khó khăn trong việc thu hút người giỏi về làm việc. Đáng lo ngại, hiện tượng chảy máu chất xám từ các viện nghiên cứu về khu vực tư nhân gây khó khăn cho các viện nghiên cứu của nhà nước, đòi hỏi cần có sự cải cách trong chính sách tiền lương, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo Chiến lược Phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2020, số cán bộ nghiên cứu đạt 11-12 người/10.000 dân; đào tạo 10.000 kỹ sư đạt chuẩn quốc tế, đủ năng lực tham gia điều hành, quản lý dây chuyền sản xuất công nghệ…