Nhân lực ngành vi mạch bán dẫn: Cần chương trình đào tạo chất lượng

Là một trong những ngành 'hot' của mùa tuyển sinh năm nay, ngành vi mạch bán dẫn có đầu vào chất lượng, điểm chuẩn trúng tuyển ở mức cao. Theo các chuyên gia, cần chương trình đào tạo chất lượng đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, không thể trăm hoa đua nở.

Năm 2024, nhiều trường tuyển sinh ngành vi mạch bán dẫn với điểm chuẩn cao. Ảnh: C. Quyên.

Năm 2024, nhiều trường tuyển sinh ngành vi mạch bán dẫn với điểm chuẩn cao. Ảnh: C. Quyên.

Năm 2024, trong hệ thống Đại học (ĐH) Quốc gia TPHCM có đến 3 trường thành viên mở ngành thiết kế vi mạch. Điểm chuẩn của ngành này tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên là 25,9 điểm, ở mức cao so với các ngành khác của trường dù là năm đầu tiên tuyển sinh ngành này. Số lượng thí sinh đăng ký khá cao, 1 chọi gần 10.

Trường ĐH Bách khoa điểm chuẩn là tổng điểm của 3 thành tố: Điểm thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức; điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ. Ngành thiết kế vi mạch cũng ở mức cao so với các ngành khác của nhà trường. Đây cũng là một trong những ngành có điểm chuẩn cao tại Trường ĐH Công nghệ Thông tin, 26,5 điểm. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM lấy điểm chuẩn 25,95 đối với ngành kỹ thuật thiết kế vi mạch. Trường ĐH Sài Gòn có điểm chuẩn ngành ngày là 23,08 và 24,08 đối với 2 khối A01 và A00...

Chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035 của Chính phủ hướng đến việc đào tạo khoảng 30.000 đến 50.000 kỹ sư, chuyên gia thuộc lĩnh vực này. Hiện nhiều trường ĐH và CĐ của Việt Nam đã tham gia đào tạo nhân lực lĩnh vực này nhưng chưa có lứa sinh viên nào tốt nghiệp chính thức.

Theo TS Nguyễn Minh Sơn - Trưởng khoa Kỹ thuật máy tính, Trường ĐH Công nghệ Thông tin (ĐH Quốc gia TPHCM), trong 20 năm qua, Việt Nam đã tham gia đào tạo về mảng thiết kế vi mạch, thu hút được một số “ông lớn” công nghệ về Việt Nam đầu tư như Intel, Amkor… Tuy nhiên, việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, vẫn chưa có điểm nổi bật trong đào tạo, cần phải có góc nhìn khác để ngành vi mạch bán dẫn tham gia sâu hơn vào thị trường thế giới. Trong 3 khâu thiết kế, chế tạo và lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói, một số trường hầu như chưa đào tạo khâu chế tạo và ATP (đóng gói, kiểm hàng).

Năm 2023, nhu cầu của doanh nghiệp cần nhân lực bán dẫn tăng 10-15% và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Ông Sơn đề xuất việc phát triển nguồn nhân lực bán dẫn cần có chiến lược phát triển lâu dài, ít nhất là 20 năm.

“Thay vì hoạt động riêng lẻ, các trường cần hợp tác để tạo ra một cộng đồng thống nhất, trao đổi khung đào tạo, chuyên gia tiềm năng. Việt Nam cũng cần hình thành hệ sinh thái cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, tạo môi trường thu hút đầu tư nhà đầu tư nước ngoài (FDI). Bên cạnh đó, Việt Nam có thể nghiên cứu phát triển trung tâm bán dẫn quốc gia, phát triển công ty nội địa về ATP và thiết kế vi mạch, hệ sinh thái Starup Semi-IC…” - TS Nguyễn Minh Sơn cho biết.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐH Đà Nẵng, đã hình thành Liên minh các ĐH lớn gồm 2 ĐH Quốc gia, ĐH Đà Nẵng, ĐH Bách khoa Hà Nội và Học viện Bưu chính viễn thông để triển khai đào tạo nguồn nhân lực chip bán dẫn. Các trường trong Liên minh đã tích cực triển khai việc mở ngành đào tạo, chuẩn bị đội ngũ, cơ sở vật chất bước đầu để thực hiện đào tạo ngành mũi nhọn này.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành Công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có cơ chế đặc thù trong đào tạo nguồn nhân lực chip bán dẫn, nhất là cách tính chỉ tiêu, đội ngũ cơ hữu ngành gần so với quy định hiện nay, vì đây là ngành nghề mới.

Tuy nhiên, cần phải có giải pháp kiểm soát chất lượng đào tạo, tránh tình trạng trăm hoa đua nở, đào tạo theo phong trào dẫn đến chất lượng đào tạo không đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động quốc tế. Trước mắt, ưu tiên đặt hàng giao nhiệm vụ cho các trường ĐH lớn có truyền thống về đào tạo các ngành công nghệ - kỹ thuật, có tiềm lực về đội ngũ giảng viên và chất lượng sinh viên đầu vào tốt.

Hiện tại, Việt Nam có 15 trường ĐH đào tạo về vi mạch bán dẫn. Tuy nhiên các trường cao đẳng vẫn chưa tham gia vào các ngành liên quan. TS Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho hay, Tổng cục đã có văn bản gửi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về việc rà soát năng lực đào tạo các ngành mới, trong đó có các ngành liên quan đến công nghiệp bán dẫn.

Hàn Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nhan-luc-nganh-vi-mach-ban-dan-can-chuong-trinh-dao-tao-chat-luong-10288630.html