Nhân lực ngành y thiếu nhưng quy chế tuyển sinh ĐH lại bỏ phần đào tạo đặt hàng
Từ tháng 3-4/2022, trường đã làm việc với UBND các tỉnh về đào tạo đặt hàng, tuy nhiên thông tư của Bộ Giáo dục lại bỏ hẳn nội dung này.
Vừa qua, tại buổi gặp mặt và làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trường Đại học Y dược Cần Thơ đã có nhiều kiến nghị quan trọng về vấn đề tuyển sinh, nâng cấp trường đại học.
Cụ thể, tại buổi làm việc, trường có đề xuất có cơ chế đặc thù để trường tuyển sinh được nhiều hơn, đào tạo nhân lực y tế cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và nhân lực y tế cho các chuyên ngành khác để trường tuyển sinh được nhiều hơn.
Chia sẻ về đề xuất này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phương - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y dược Cần Thơ cho biết:
Năm 2021, theo thông tư tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành có chính sách đặc thù dành cho khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long.
Cụ thể, căn cứ theo Thông tư số 09/2020/TT-BGDĐT ngày 7 tháng 5 năm 2020 ban hành Quy chế tuyển sinh trình độ đại học và tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non; và Thông tư số 16/2021/TT-BGDĐT ngày 01 tháng 6 năm 2021 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 09/2020/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Do vậy, từ năm 2021 trở về trước, Trường Đại học Y dược Cần Thơ duy trì theo 2 hình thức trúng tuyển: đại trà và nhu cầu xã hội (đặt hàng), nhằm đáp ứng nhu cầu các tỉnh "khát" nhân lực y tế, đặc biệt lĩnh vực y khoa phục vụ chuyên ngành hiếm.
Năm nay, từ khoảng tháng 3, tháng 4, nhà trường đã làm việc với Ủy ban nhân dân các tỉnh với nội dung liên quan tới đào tạo đặt hàng.
Tuy nhiên, đến tháng 6, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại ban hành Thông tư tuyển sinh mới để áp dụng tuyển sinh năm nay thì lại bỏ đi phần đặt hàng đào tạo (Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT về ban hành Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non).
Đặt trong bối cảnh hiện nay nguồn nhân lực ở đâu cũng thiếu, không chỉ nhân lực y tế thiếu trầm trọng mà ngay cả ngành giáo dục, tình trạng thiếu giáo viên hay giáo viên nghỉ việc tràn lan,.. nên các địa phương có ý kiến rất nhiều về vấn đề này.
Do vậy, tại buổi làm việc vừa qua, nhà trường nêu lên vấn đề này để Thủ tướng nắm được tình hình, có ý kiến đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo để điều chỉnh lại cho phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực y tế.
Ngoài ra, cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Y tế chủ trì, nghiên cứu hướng bàn giao Trường Đại học Y dược Cần Thơ về thuộc quản lý của thành phố Cần Thơ, với tinh thần cấp nào quản lý tốt thì giao cho cấp đó quản lý.
Chia sẻ với phóng viên, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y dược Cần Thơ cho biết, từ năm 2002 đến nay, Trường Đại học Y dược Cần Thơ trực thuộc Bộ Y tế quản lý.
“Hiện tại chưa có kế hoạch bàn giao chính thức nào cả. Tại buổi làm việc vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đặt vấn đề xem xét đối với Trường Đại học Y dược Cần Thơ thuộc thành phố Cần Thơ hay Bộ Y tế - cấp nào quản lý tốt hơn thì giao cho cấp đó”.
Do vậy, theo bà Phương, trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ phải tổ chức cuộc họp, làm việc chính thức với Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ và Nhà trường để đánh giá cả quá trình hoạt động hơn 20 năm qua như thế nào; từ đó mới có kết luận cụ thể về việc xem xét hướng bàn giao Trường Đại học Y dược Cần Thơ trực thuộc cấp nào quản lý sẽ thuận tiện và phù hợp hơn.
Cũng tại buổi làm việc này, Ban giám hiệu Trường Đại học Y dược Cần Thơ đã có đề xuất xem xét nâng cấp Trường Đại học Y dược Cần Thơ thành trường đại học trọng điểm quốc gia; xây dựng Bệnh viện Y dược thuộc Trường Đại học Y dược Cần Thơ thành bệnh viện tuyến cuối của ngành Y tế; bố trí vốn để trường hoàn thành xây dựng giai đoạn 2, Trường Đại học Y dược Cần Thơ đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới.
Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y dược Cần Thơ cho biết, đối với các đề xuất của Trường, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với thành phố Cần Thơ, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề án phát triển Trường Đại học Y dược Cần Thơ, trong đó đánh giá, dự báo nhu cầu, nhiệm vụ; đề xuất mô hình phát triển của nhà trường, theo xây dựng đề án tổng thể, song đầu tư theo phân kỳ.
Được biết, trường Đại học Y dược Cần Thơ được thành lập theo quyết định số 184/2022/QĐ-TTg ngày 25/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở Khoa Y-Nha-Dược Trường Đại học Cần Thơ được thành lập từ năm 1979.
Trường có sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực y tế trình độ đại học và sau đại học; nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Hiện nay, nhà trường có 6 khoa đào tạo; 56 bộ môn. Quy mô đào tạo của trường là 8.000 sinh viên chính quy và 1.000 học viên sau đại học.
Năm 2021, trường Đại học Y dược Cần Thơ tuyển sinh 500 chỉ tiêu đào tạo theo đặt hàng của các tỉnh (trình độ đại học). Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho phép thí sinh có điểm trúng tuyển có thể thấp hơn không quá 1 điểm so với điểm trúng tuyển của ngành đào tạo, tính theo thang điểm 30 và không thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng theo quy định.