Nhân lực thời kỳ 4.0: Hóa giải thách thức

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi cơ cấu nguồn nhân lực, khi mà một số ngành công nghiệp truyền thống sẽ cần ít nhân lực hơn. Nhiều công việc sẽ được tự động hóa với các robot tiên tiến và trí tuệ nhân tạo sẽ thúc đẩy những thay đổi lớn nhằm nâng cao năng suất lao động, từ đó nâng sức cạnh tranh.

Đầu tư mạnh mẽ vào nguồn nhân lực để tiếp tục hành trang chuyển đổi số. Ảnh: T.D.

Đầu tư mạnh mẽ vào nguồn nhân lực để tiếp tục hành trang chuyển đổi số. Ảnh: T.D.

Doanh nghiệp chưa thực sự quyết tâm chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 về thực chất là cuộc cách mạng ứng dụng các giá trị của công nghệ số; làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất và tạo ra năng suất lao động đột biến. Cuộc cách mạng này, một mặt tạo ra nhiều cơ hội cho các nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn, mặt khác cũng là thách thức to lớn, nếu các quốc gia không nắm bắt được cơ hội, sẽ trở nên tụt hậu, chậm tăng trưởng.

Trong bối cảnh phát triển như vũ bão của tri thức và khoa học – công nghệ của cuộc cách mạng mới này, Việt Nam nhận thức rất rõ những thuận lợi và thách thức đối với nền kinh tế. Nhiệm vụ cấp thiết đặt ra là phải phát triển và nâng cao chất lượng nguồn lực – yếu tố hàng đầu trong sự phát triển của mỗi quốc gia.

Tuy nhiên, trong hành trình bắt nhịp với nền kinh tế số, chuyển đổi số, đáp ứng nhu cầu phát triển của cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp (DN) vẫn đang khá “hụt hơi” về chất lượng nguồn nhân lực.

Thực tế, theo nhận định của chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu, mô hình tăng trưởng của Việt Nam hiện nay chủ yếu dựa trên nguồn nhân lực dồi dào, giá rẻ và sự đầu tư vật chất lớn. Sự phát triển ấn tượng của Việt Nam trong thời gian qua một phần nhờ kết quả của sự dịch chuyển lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ. Và nếu vẫn tiếp tục phát triển với mô hình này, năng suất lao động chắc chắn sẽ chỉ đạt đến một giới hạn nhất định, do thiếu hụt trầm trọng lực lượng lao động chất lượng cao.

Nhận thức rõ ràng được điều đó, song thời gian qua, trong những bước dịch chuyển của mình ở thời kỳ số, các DN vẫn đang khá chật vật, khá loay hoay khi cho rằng, vẫn chưa biết tìm kiếm kênh hỗ trợ chuyển đổi số ở đâu.

Một con số mới đây được Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Trịnh Thị Hương thông tin, Việt Nam có gần 900.000 DN đang hoạt động và có trên 90% nhỏ và siêu nhỏ. Tổng kinh phí ngân sách bố trí hỗ trợ DN nhỏ và vừa năm 2024 là 140 tỷ đồng để hỗ trợ chuyển đổi số, dự kiến hỗ trợ đào tạo cho hơn 8.000 DN bao gồm cả hình thức đào tạo trực tiếp và trực tuyến, tư vấn và hỗ trợ ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số. Tuy nhiên, theo khảo sát, đa số DN chưa sẵn sàng với chuyển đổi số và chưa biết tìm kiếm kênh hỗ trợ cho chuyển đổi số ở đâu. DN còn gặp nhiều trở ngại khi đổi mới sáng tạo, chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của đổi mới sáng tạo, điều này khiến cho các DN không thực sự quyết tâm với mục tiêu chuyển đổi số.

Điều đó cho thấy, mặc dù chính sách, cơ chế đã có nhưng dường như vẫn còn khá dàn trải, chưa phát huy được tính hiệu quả.

Đầu tư mạnh cho nguồn nhân lực

Ngoài ra, do nhân lực thiếu, lại yếu nên việc đầu tư vào chuyển đổi số, hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với các DN Việt vẫn còn khá gian nan. Tuyển dụng lao động, nhất là lao động kỹ thuật cao gắn với công nghiệp 4.0 của các DN hiện gặp nhiều khó khăn. Giới chuyên gia nêu quan điểm: Trước yêu cầu chuyển dịch cơ cấu đầu tư, khuyến khích các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, giảm các ngành nghề thâm dụng lao động, nhưng đội ngũ công nhân, lao động kỹ thuật lại thiếu.

Bản thân các DN cũng nhìn nhận rất rõ câu chuyện này. Họ nêu nguyên nhân khó tuyển lao động có trình độ phù hợp là các DN không tuyển được lao động tại chỗ, đa số lao động được tuyển từ các tỉnh là lao động phổ thông không đáp ứng được yêu cầu của các DN có trình độ công nghệ cao. Ngoài ra, còn xảy ra tình trạng sử dụng bất hợp lý nguồn nhân lực, không sử dụng hết trình độ chuyên môn kỹ thuật được đào tạo...

Ai cũng hiểu, chất lượng nguồn nhân lực phải xuất phát từ giáo dục đào tạo, đặc biệt là giáo dục nghề nghiệp.

Song, thực tế thì, chất lượng đào tạo hiện chưa đáp ứng với yêu cầu hiện tại và khó phù hợp với sự phát triển nền kinh tế số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Theo kết quả điều tra lao động việc làm của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trong các năm gần đây, có tới 20%-30% số lao động thất nghiệp là lao động đã qua đào tạo chuyên nghiệp hoặc nghề từ ba tháng trở lên.

Dự báo xu hướng phát triển nguồn nhân lực dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, các chuyên gia cho rằng, việc chuyển đổi số đang và sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến phân công công việc xã hội của mọi tầng lớp nhân dân.

Tại các địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM, các công nghệ số mới nổi như blockchain, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, Internet vạn vật được dự báo sẽ tạo ra những bước nhảy vọt về cơ sở hạ tầng công nghiệp, đơn giản hóa chuỗi cung ứng, thúc đẩy logistics phát triển và trở thành xu thế chủ đạo để thay đổi nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường lao động.

Dự báo là như vậy, song để có thể đáp ứng được những bước nhảy vọt đó, đòi hỏi một đội ngũ nhân lực hết sức thành thục, được đầu tư bài bản để đáp ứng nhu cầu thị trường. Thực tế không được như vậy khi, nhân lực công nghệ thông tin tại Việt Nam đang thiếu hụt rất lớn. Số liệu thống kê cho hay, nếu năm 2021, các DN cần 450.000 nhân sự, thì nguồn nhân lực chỉ đáp ứng được 430.000 người. Sang năm 2022, con số thiếu hụt này lên tới 150.000 nhân sự khi nhu cầu tuyển dụng của thị trường lên đến 530.000 người. Năm 2023, con số thiếu hụt này lên tới một triệu lao động.

Đó là những thách thức chúng ta có thể nhìn rõ đối với câu chuyện về nguồn nhân lực cho thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, thời kỳ của chuyển đổi số, kinh tế số.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cơ hội dành cho tất cả mọi người là như nhau. Ai có năng lực, có trình độ chuyên môn tốt, có kỹ năng và có thể tạo ra nhiều giá trị cho xã hội, người đó sẽ thành công.

Để Việt Nam bắt kịp với công cuộc chuyển đổi số, tăng năng lực cạnh tranh và theo kịp sự phát triển của công nghệ toàn cầu, nhiều ý kiến cho rằng, rất cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực toàn diện; tập trung vào việc đào tạo và hướng đến các điểm chung trong việc phát triển nhân sự trong các lĩnh vực công và nhân sự trong DN ứng dụng chuyển đổi số. Cần đầu tư mạnh để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Để người lao động ai cũng có được các kỹ năng, kỹ thuật cũng như sự kết hợp năng lực số, đơn cử như kỹ năng phân tích dữ liệu lớn, mạng bảo mật, truyền thông xã hội... đây là yếu tố rất quan trọng quyết định sự thành công của mục tiêu chuyển đổi số.

Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Cần thiết lập các mạng lưới toàn cầu kết nối với công nghệ thế giới bằng cách nhập khẩu công nghệ cao, mời các chuyên gia nước ngoài đến giảng dạy, tiến hành các hoạt động liên doanh đào tạo và nghiên cứu, phát triển… Cần có chính sách thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin gắn với nhu cầu của đất nước.

Khi hội tụ đủ các yếu tố “cần và đủ”, vấn đề nguồn nhân lực thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ không còn là thách thức.

Robot và AI ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong quá trình sản xuất. Ảnh: T.D.

Robot và AI ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong quá trình sản xuất. Ảnh: T.D.

Để chủ động bước vào nền kinh tế thị trường phát triển cao và nền kinh tế tri thức trong bối cảnh phát triển của nền cách mạng công nghiệp 4.0, cần chủ động phát triển và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trước hết, cần tạo dựng một chiến lược quốc gia thống nhất về phát triển nhân tài để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Chiến lược này cần phải có một tư duy mới, kết hợp được sức mạnh tổng hợp của tinh hoa dân tộc và những thành tựu hiện đại của thế giới. Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành giáo dục – đào tạo, mà còn là trách nhiệm xã hội của toàn thể cộng đồng và cả quốc gia.

Duy Khang

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nhan-luc-thoi-ky-4-0-hoa-giai-thach-thuc-10283936.html