Nhấn mạnh trách nhiệm và vai trò tích cực của báo chí trong việc xây dựng xã hội lành mạnh

Sáng 21/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo 'Báo chí kiến tạo – Kinh nghiệm thế giới và áp dụng tại Việt Nam' do Tạp chí Thông tin và Truyền thông tổ chức.

Báo chí kiến tạo

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo có sự tham gia của đại diện lãnh đạo cơ quan chỉ đạo báo chí, cơ quản lý Nhà nước: Cục Báo chí, Cục PTTH&TTĐT, đại diện Hội Nhà báo Việt Nam và lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí…

Trên thực tế trước sức ép truyền thông xã hội, một số tờ báo, nhà báo có biểu hiện “đánh mất mình”. Thời gian gần đây, trên một số tờ báo tràn lan những thông tin tiêu cực về kinh tế, vụ án hay những vụ học sinh tự tử. Những thông tin này không phải là fake news (tin giả) và bạn đọc phần nào đó cũng cần được thông tin về những vụ việc này. Vấn đề là liều lượng thông tin tiêu cực quá nhiều tạo nên bức tranh xã hội không tươi sáng, chưa phản ánh thực tế cuộc sống.

Từ đó, tại nhiều cơ quan báo chí nước ngoài và tại Việt Nam, xu hướng “báo chí giải pháp”, “báo chí truyền cảm hứng” hay tin tức kiến tạo đã và đang chiếm ưu thế.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Bá - Tổng Biên tập báo Vietnamnet cho rằng, phản biện xã hội là nhu cầu khách quan của xã hội, xã hội càng tiến bộ thì càng cần phản biện xã hội. Một trong những công cụ để người dân thực hiện phản biện xã hội là báo chí. “Tuy nhiên trong thời gian qua, có vẻ như báo chí đang bị cuốn hút bởi những thông tin tiêu cực”, ông Bá nói.

Ông Nguyễn Văn Bá - Tổng Biên tập Báo Vietnamnet phát biểu tại hội thảo

Ông Nguyễn Văn Bá - Tổng Biên tập Báo Vietnamnet phát biểu tại hội thảo

Ông Nguyễn Văn Bá cho rằng, “Thiên kiến tiêu cực có thể hiểu là xu hướng báo chí. Không chỉ ghi nhận các kích thích tiêu cực dễ dàng hơn mà còn chú ý vào những sự kiện này. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tin tức tiêu cực có nhiều khả năng được coi là trung thực hơn. Vì thông tin tiêu cực thu hút sự chú ý nhiều hơn, nó cũng có thể được coi là có giá trị cao hơn. Đây có thể là lý do tại cao “tin xấu” dường như thu hút nhiều sự chú ý hơn. Thậm chí nhiều cơ quan báo chí còn đưa view thành một tiêu chí đối với phóng viên, là tiêu chuẩn đánh giá người làm báo.

Trên thế giới, “Báo chí kiến tạo” (báo chí giải pháp, báo chí xây dựng, báo chí truyền cảm hứng…) có thể được coi là một phản ứng đối với tình trạng lá cải, giật gân và thiên kiến tiêu cực ngày càng gia tăng của các phương tiện truyền thông ngày nay. Do đó cách tiếp cận nhằm mục đích cung cấp cho công chúng một bức tranh công bằng, chính xác và có bối cảnh thực tiễn, mà không quá nhấn mạnh vào tiêu cực và những gì đang xảy ra.

TBT báo Vienamnet cũng nhận định, báo chí kiến tạo không xa lạ với nền báo chí Việt Nam. Bởi lẽ, thực tế bằng hành động của mình nhiều tờ báo đã đưa ra giải pháp cho các cơ quan chức năng hoặc thu thập những giải pháp từ người dân để chuyển đến cơ quan chức năng…

Nhận định báo chí kiến tạo là việc báo chí trở về với cốt lõi của mình, tuy nhiên, báo chí kiến tạo thực chất là gì, áp dụng ở Việt Nam ra sao khi điều kiện của chúng ta có những đặc điểm riêng; làm sao để hạn chế thông tin tiêu cực trên báo; liều lượng như thế nào là đủ… là những câu hỏi đặt ra với báo chí Việt Nam.

Còn theo TS Vũ Thanh Vân - Học viện Báo chí và Tuyên truyền, báo chí kiến tạo là trường phái báo chí nhấn mạnh trách nhiệm và vai trò tích cực của báo chí trong việc xây dựng xã hội lành mạnh. Khi càng ngày nhiều vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội phức tạp nảy sinh, vai trò tích cực của báo chí càng được coi trọng. Nếu báo chí tô đậm những vấn đề tiêu cực với mục đích cung cấp thông tin giật gân, câu khách thì càng làm cho xã hội trở nên rối ren, phức tạp hơn. Báo chí có quyền và trách nhiệm đấu tranh với tiêu cực nhưng cần trả lời một cách nghiêm túc các câu hỏi: Báo chí đấu tranh vì mục tiêu tối hậu nào? Đấu tranh vì lợi ích của ai? Đấu tranh như thế nào? Việc trả lời các câu hỏi này sẽ quyết định tính chất kiến tạo, tích cực của báo chí.

Hội thảo cũng được nghe nhiều tham luận rất có giá trị của các chuyên gia, như: tham luận “Báo chí và Doanh nghiệp” của ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI; tham luận “Báo chí kiến tạo: Từ tư duy văn hóa đến tư duy quyền lực” của TS. Vũ Thanh Vân, Trưởng ban Hợp tác quốc tế, HV Báo chí và Tuyên truyền; tham luận “Báo chí giải pháp: Góc nhìn từ Vietnam+” và các ý kiến đóng góp, góc nhìn từ phía các cơ quan quản lý báo chí hay từ chính các cơ quan báo chí.

Minh Nhật

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nhan-manh-trach-nhiem-va-vai-tro-tich-cuc-cua-bao-chi-trong-viec-xay-dung-xa-hoi-lanh-manh-317260.html